Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Hòa đàm Miến Điện: Nhóm nổi dậy lớn nhất rời hội nghị

Chính phủ, quân đội và khoảng 15 nhóm vũ trang các sắc tộc thiểu số Miến Điện bắt đầu họp tại thủ đô Naypyidaw từ ngày 31/08/2016, nhằm chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng từ 70 năm nay. Tuy nhiên, ngay vào hôm qua, 01/09, ngày thứ hai của cuộc đàm phán, sự cố đã xảy ra. Lực lượng Wa (United Wa State army, gọi tắt là UWSA), được coi là nhóm sắc tộc nổi dậy lớn nhất, đã tuyên bố rời bỏ đàm phán.

Bà Aung San Suu Kyi (p) gặp gỡ lãnh đạo phong trào sắc tộc Wa UWSA và sắc tộc Shan (NDAA-ESS) tại Naypyidaw ngày 29/07/2016.
Bà Aung San Suu Kyi (p) gặp gỡ lãnh đạo phong trào sắc tộc Wa UWSA và sắc tộc Shan (NDAA-ESS) tại Naypyidaw ngày 29/07/2016. AUNG HTET / AFP
Quảng cáo

Đặc phái viên RFI Rémy Favre tường trình từ Naypidaw,

« Họ chỉ tham gia bàn đàm phán chưa đầy 48 giờ. Các đại diện của phong trào Wa, lực lượng mạnh nhất trong số các phong trào nổi dậy Miến Điện, đã rời hội nghị hòa bình, vì cho rằng không được đối xử bình đẳng như các nhóm khác.

Chính phủ Miến Điện thông báo là có một sự hiểu lầm. Dường như một sai sót trong quá trình nhận thẻ vào phòng họp đã dẫn đến vụ việc nói trên.

Sự cố nói trên cho thấy : Các nhóm sắc tộc vũ trang đôi khi có những quyết định hết sức bất thường. Trước buổi khai mạc hội nghị hòa bình, phe nổi dậy Kachin cho biết họ sẽ tới nơi chỉ để quan sát các thảo luận. Tuy nhiên, sau đó một đại diện của nhóm này đã phát biểu trên diễn đàn.

Hồi năm ngoái, đảng của bà Aung San Suu Kyi đã phàn nàn về việc các nhóm sắc tộc có các đòi hỏi mơ hồ. Đối lập Miến Điện lúc đó đã khuyên các nhóm này nên đạt thỏa thuận giữa họ với nhau trước khi đàm phán với chính phủ.

Hiện tại ở Miến Điện có khoảng 20 nhóm nổi dậy vũ trang, các dân quân địa phương được quân đội hậu thuẫn, cùng với khoảng 100 đảng phái chính trị của các sắc tộc thiểu số. Một số lượng quá lớn như vậy có nguy cơ khiến tiến trình đàm phán tìm giải pháp hòa bình trở nên rất phức tạp ».

Lực lượng vũ trang sắc tộc Wa – với khoảng 20.000 đến 25.000 binh sĩ - kiểm soát một khu vực phía bắc Miến Điện tại vùng biên giới, sát với Trung Quốc, vùng đất nổi tiếng với các hoạt động buôn lậu thuốc phiện. Người Wa duy trì nhiều mối liên hệ mật thiết về văn hóa với Trung Quốc. Lực lượng Wa chấp nhận tham gia đàm phán sau một cuộc gặp cuối tháng 7/2016 với bà Aung San Suu Kyi.

Cho đến nay, bất chấp sáng kiến hòa bình của bà Aung San Suu Kyi, với khả năng thành lập một nhà nước liên bang, chiến sự vẫn tiếp diễn giữa một số nhóm vũ trang với quân đội, đặc biệt tại các vùng của người Kachin (phía bắc) và người Shan (phía đông).

Theo AFP, chính phủ Miến Điện đang cố gắng giải quyết bất đồng với người Wa. Trong một cuộc họp báo, đại diện của chính phủ Khin Zaw Oo cho biết sẽ tìm gặp các đại diện phong trào Wa để thuyết phục họ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.