Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Panglong II, bước đầu chấm dứt nội chiến Miến Điện

Đăng ngày:

Tại Miến Điện, một hội nghị lịch sử diễn ra từ thứ Tư 31/08/2016 cho đến cuối tuần ở thủ đô hành chánh Naypyidaw, nhằm thúc đẩy một tiến trình chung sống hoà bình giữa người Miến và 135 sắc dân thiểu số. Chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, đại diện quân đội, đảng phái chính trị, các sắc dân thiểu số và các nhóm võ trang cùng tham gia bên cạnh tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon.

Cố vấn Nhà Nước Aung San Suu Kyi và các đại diện quân sự, chính trị và đại biểu các dân tộc thiểu số tham gia hòa đàm tại Naypyidaw, ngày 31/08/2016.
Cố vấn Nhà Nước Aung San Suu Kyi và các đại diện quân sự, chính trị và đại biểu các dân tộc thiểu số tham gia hòa đàm tại Naypyidaw, ngày 31/08/2016. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Theo báo Myanmar Times, sự có mặt của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chứng tỏ tiến trình hoà giải dân tộc tại Miến Điện được quốc tế yểm trợ mạnh mẽ.

Tại hội nghị hoà giải Panglong năm 1947, nay được gọi là Panglong I, nhà lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Anh, Aung San, thân phụ của bà Aung San Suu Kyi ký thỏa thuận hoà bình xây dựng liên bang với ba sắc tộc quan trọng là Shan, Kachin và Chin.

Lần này, Panglong Thế kỷ 21, có 17 nhóm võ trang cử đại diện về Naypyidaw dự hội nghị nhưng trong số này chỉ có đại diện của Mặt Trận Dân Tộc Chin, còn hai lực lượng mạnh nhất kia là Shan và Kachin từ chối tham gia. Shan và Kachin lên án quân đội chính phủ mở cuộc tấn công vào khu vực của họ kiểm sóat một ngày trước khi hội nghị Panglong Thế kỷ 21 khai mạc.

Thách thức, rủi ro đang chờ chính quyền dân sự được thông tín viên trong khu vực Arnaud Dubus, từ Bangkok, phân tích sau đây.

RFI : Hội nghị, được đặt tên là Panglong Thế Kỷ 21 để tưởng nhớ hội nghị đầu tiên tại Panglong năm 1947 ở bang Shan, do chính thân phụ của bà Aung San Suu Kyi triệu tập. Hội nghị Panglong đầu tiên diễn ra trong bối cảnh nào và kết quả ra sao ?

Arnaud Dubus : Hội nghị Panglong lần đầu diễn ra một năm trước khi Miến Điện được Anh Quốc trao trả độc lập vào năm 1948. Vào tháng 2/1947, nhà lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập Aung San, thân phụ của bà Aung San Suu Kyi, lẽ ra sẽ trở thành lãnh đạo quốc gia Miến Điện độc lập, cùng với đại diện các nhóm sắc tộc Shan, Kachin và Chin họp nhau tại Panglong. Sau hội nghị này, được xem là thành công, những người tham dự quyết định thành lập Liên Hiệp Miến Điện, với khả năng để ngỏ cho Kachin, nếu muốn, có thể tách riêng ra. Cả ba sắc tộc Shan, Kachin và Chin tham dự hội nghị cũng được hứa có nhiều quyền tự trị về hành chánh cũng như kinh tế.

Vấn đề của thỏa thuận Panglong là có nhiều sắc tộc khác không tham gia. Quan trọng nhất phải kể đến là người Karen, người Mon, Akaran và Wa. Một số nhóm này còn nổi dậy chỉ vài tháng sau khi có thỏa thuận Panglong bởi vì họ cho rằng tiếng nói của họ không được tôn trọng. Sự kiện lãnh đạo Aung San bị ám sát vào tháng 7/1947, năm tháng sau đó, còn làm cho quan hệ giữa người Miến, đa số, và các sắc dân thiểu số phức tạp thêm.

Vì lý do đó mà đối với bà Aung San suu Kyi, con gái của anh hùng Aung San, tổ chức lại hội nghị Panglong mang ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất là để giải quyết cuộc nội chiến gây bất ổn định cho đất nước và thứ hai là để hoàn tất công trình còn dỡ dang của người cha quá cố.

RFI : Hội nghị hoà bình Panglong II có những mục tiêu nào cần phải đạt được và khó khăn ra sao ?

Arnaud Dubus : Trước hết là chấm dứt cuộc xung đột võ trang giữa người Miến chiếm đa số và các nhóm sắc tộc thiểu số. Thứ hai là thiết lập một khuôn khổ chính trị mới sao cho mọi thành phần dân chúng đều hài lòng, có lẽ là một thể chế liên bang cho Miến Điện.

Vấn đề là chỉ có một số sắc tộc tham gia hội nghị Panglong là đã ký vào thỏa thuận ngưng bắn với quân đội chính phủ.

Chẳng hạn như phe Kachin, lực lượng võ trang rất mạnh ở vùng biên giới với Trung Quốc, chưa chấp thuận ký vào lệnh ngưng bắn, cho dù họ có thể sẽ ký trong nay mai. Đó cũng là trường hợp của sắc tộc Wa, đã ký thỏa thuận ngưng chiến với chính phủ cách nay gần 30 năm nhưng người ta yêu cầu họ ký vào thỏa thuận mới.

Quân đội Miến Điện và chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi nói rằng những nhóm võ trang nào không ký thỏa thuận ngưng bắn sẽ không được tham gia vào tiến trình đàm phán xây dựng một thể chế chính trị cho đất nước.

RFI : Liệu đằng sau mục tiêu vãn hồi hoà bình, hội nghị Panglong còn là trận đọ sức quyền lực giữa bà Aung San Suu Kyi và phe quân đội Miến Điện ?

Arnaud Dubus : Rõ ràng là bà Aung San Suu Kyi tìm cách thực hiện những gì mà chính quyền quân nhân, trong suốt 50 năm cầm quyền, không làm được : đem lại hoà bình giữa người Miến Điện và người thiểu số. Có thể nói, quân đội Miến Điện có một phần trách nhiệm làm thất bại hoà ước Panglong 1947. Vào năm 1957, khi tướng Ne Win lên nắm quyền, Rangun đã phủ nhận những thỏa hiệp, những nhượng bộ ký với đại diện ba sắc tộc Shan, Kachin và Chin mười năm về trước.

Nếu cuộc đánh cược của bà Aung San Suu Kyi thành công, thật ra thì chưa có gì chắc chắn, uy tín của bà sẽ tăng lên rất nhiều và như thế uy thế cá nhân đối với phe quân đội sẽ được củng cố. Nếu cần, bà có thể làm quân đội mất thế thượng phong trong chính trị.

Thật ra thì có rất nhiều rủi ro. Phe quân đội không bao giờ chấp nhận để chính quyền dân sự nhượng bộ các sắc tộc thiểu số một cách quá đáng theo quan điểm của họ. Điểm nhạy cảm nhất là để cho lực lượng du kích tiếp tục được trang bị vũ khí. Quân đội Miến Điện đã cảnh báo là họ không bao giờ chấp thuận để một số bộ tộc duy trì lực lượng vũ trang , nhất là du kích Kokang mà cho đến năm 2015 vừa qua, vẫn còn xung đột với quân đội.

RFI : Bà Aung San Suu Kyi đã sang Trung Quốc vận động cho hội nghị Panglong và được ủng hộ. Vai trò của Bắc Kinh ra sao ?

Arnaud Dubus : Trung Quốc được lợi mọi mặt. Hội nghị thành công sẽ đem lại hoà bình và ổn định. Đây là những điều kiện sống còn cho trao đổi thương mại ở vùng biên giới phía nam của Trung Quốc. Bắc Kinh đã thuyết phục nhiều nhóm sắc tộc nhất là người Wa và một nhóm du kích khác của người Shan tên là Mongla về Panglong tham dự hội nghị cho dù hai tổ chức này do dự. Đó là những nhóm sắc tộc lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc về kinh tế cho nên họ không dám làm trái ý Bắc Kinh.

RFI : Chuyện gì sẽ xảy ra sau hoà đàm Panglong ?

Arnaud Dubus : Thật ra, đàm phán chính trị chỉ thực sự diễn ra sau khi hội nghị vào ngày thứ tư 31/08 kết thúc. Ngày hội nghị chỉ là cơ hội để mỗi nhóm trình bày lập trường của mình. Giai đoạn sau đó mới là thương lượng một khung chính trị liên bang có thể thỏa mãn nguyện vọng của đa số dân chúng. Sáu tháng một lần sẽ có một cuộc họp để đánh giá, để xem xét tiến triển đến đâu.

***

Không đơn thuần hoà giải chính trị với các sắc tộc thiểu số với người Miến, hội nghị Panglong Thế Kỷ 21 còn là cơ hội để thảo luận về việc phân chia nguồn tài nguyên thiên nhiên để không một cộng đồng nào, cũng như chính quyền trung ương, bị thiệt thòi.

Cho đến nay, bà Aung San Suu Kyi vẫn chưa trình bày rõ ràng đường nét chính của một chế độ liên bang, các quyền tự trị mà các sắc tộc thiểu số mong đợi.

Qua thể chế liên bang này, chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi có ưu tư kiểm sóat các nguồn tài nguyên thiên nhiên như gỗ quý, đá quý trong các vùng có phe nổi dậy. Hiện nay, các nguồn lợi này nằm trong tay các lực lượng du kích và cấp chỉ huy quân đội hay doanh nhân được tướng lãnh chống lưng.

Đạt được hiệp định hoà bình, chấm dứt nội chiến, chính phủ của bà Aung San Suu Kyi mới phát triển được kinh tế đất nước ở các bang miền bắc giáp giới với Trung Quốc, mở rộng hợp tác kinh tế với quốc gia khổng lồ này và để Miến Điện có thể « sánh vai » cùng thế giới như lời kêu gọi trong diễn văn khai mạc.

Vấn đề gay go nhất là liệu quân đội thật tâm muốn hoà bình hay không ? Tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, trong diễn văn kêu gọi các tổ chức võ trang chưa ký thỏa thuận ngưng bắn, hãy tham gia vào tiến trình hoà bình, củng cố dân chủ . Tuy nhiên, liệu các cấp chỉ huy quân sự địa phương có chấp nhận để mất quyền lợi riêng hay không ?

Quân đội cũng như một số nhóm võ trang sẽ mất quyền lợi kinh tế qua buôn lậu và khai thác gỗ quý, đá quý một khi hoà bình vãn hồi.

Đại diện của Mặt Trận Dân Tộc Chin, không ký vào thỏa thuận ngưng bắn với chính phủ trước giải thích : « Các chỉ huy địa phương đánh nhau vì vấn đề địa phương. Tình hình cứ như thế từ ngày đầu cuộc xung đột ».

Một điểm tối khác là trong bài tính chiến lược của giới lãnh đạo Miến Điện, số phận của người Rohingya bị xem nhẹ, không có chổ đứng tại Panglong Thế kỷ 21. Ở một quốc gia mà đạo Phật có ảnh hưởng mạnh, một triệu dân Rohingya theo đạo Hồi, bị xem là di dân từ Bangladesh, tiếp tục bị phân biệt đối xử cho dù các nước Tây phương và Liên Hiệp Quốc kêu gào.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.