Vào nội dung chính
NGA - TRUNG QUỐC - TẬP TRẬN

Biển Đông : Nga chỉ tập trận chiếu lệ với Trung Quốc vì Việt Nam?

Hãng thống tấn Nga Tass hôm 30/08/2016 đã xác nhận : Cuộc tập trận Nga-Trung Quốc tại Biển Đông sẽ diễn ra vào trung tuần tháng Chín này (11-19/09/2016). Bản tin còn nêu rõ các chiến hạm và quân hạm Nga được cử đến Biển Đông tham dự cuộc tập trận. Điểm qua danh sách tàu Nga cùng diễn tập với Trung Quốc, giới quan sát ghi nhận tính chất hình thức, chiếu lệ của việc Nga tham gia tập trận tại Biển Đông, có thể là vì Mátxcơva không muốn làm mất lòng Việt Nam.

Thủy thủ Trung Quốc diễu hành qua tàu khu trục Vinogradov của Nga neo đậu ở căn cứ hải quân ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 23/04/2012, trước khi bắt đầu cuộc tập trận chung Trung-Nga.
Thủy thủ Trung Quốc diễu hành qua tàu khu trục Vinogradov của Nga neo đậu ở căn cứ hải quân ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 23/04/2012, trước khi bắt đầu cuộc tập trận chung Trung-Nga. STR / AFP
Quảng cáo

Bản tin của thông tấn xã Tass đã trích dẫn thông báo mang tính khoa trương của sĩ quan phụ trách báo chí thuộc Quân Khu Miền Đông của Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga, theo đó « vào đầu tháng 9, một đơn vị gồm hai tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Tributs và Đô đốc Vinogradov, tàu đổ bộ cỡ lớn Peresvet, tàu kéo Alatau, và tàu chở dầu Pechenga sẽ trực chỉ cảng Trạm Giang (Zhanjiang) ở Trung Quốc ».

Mục tiêu của chuyến đi, theo người phát ngôn này, là « Tham gia cuộc tập trận Joint-Sea 2016 của Hải Quân Trung Quốc sẽ diễn ra ở vùng biển và ven bờ của Biển Đông, từ ngày 11 cho đến 19 tháng 09 ».

Cũng theo nguồn tin trên, với cuộc tập trận trên Biển Đông sắp diễn ra, đó sẽ là lần thứ năm mà Hải Quân Nga và Trung Quốc thao diễn chung, lần gần đây nhất là trên Biển Nhật Bản vào năm 2015.

Theo giới chuyên gia quân sự, thoạt nhìn thì ba chiến hạm mà Nga phái xuống Biển Đông tập trận chung với Trung Quốc thuộc loại đáng gờm. Hai chiếc Đô đốc Tributs và Đô đốc Vinogradov đều là khu trục hạm chống ngầm, đồng thời có thêm khả năng chống hạm với tên lửa chống hạm siêu thanh Moskit P-270. Còn tàu đổ bộ Peresvet có khả năng mang đến 450 tấn thiết bị, tức là có thể chở 10 xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc 12 xe bọc thép, cộng với khoảng từ 230 đến 340 quân.

Thế nhưng, theo ghi nhận của báo mạng Nhật Bản The Diplomat ngày 31/08/2016, nhóm tàu mà Nga phái đi tập trận cùng với Trung Quốc chỉ có một quy mô hạn chế mà thôi.

Trước hết là số lượng ba chiến hạm và hai tàu phục vụ quá nhỏ, và không có tàu ngầm, hay ít ra là cho đến lúc này, việc có tàu ngầm hay không không được tiết lộ. Ngoài ra, các chiến hạm mà Hạm Đội Thái Bình Dương cử xuống Biển Đông tập trận không phải là loại tàu tối tân nhất của Nga. Chỉ có chiếc tàu đổ bộ Peresvet là được hạ thủy vào đầu thập niên 90, còn hai chiếc khu trục hạm đều là tàu có từ thời Liên Xô cũ.

Đối với The Diplomat, có thể nghĩ rằng vì đang trong quá trình cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam, từ khu trục hạm cho đến tàu ngầm, cho nên Mátxcơva rất cẩn thận và cố gắng duy trì một thế cân bằng đối với tranh chấp Biển Đông giữa Bắc Kinh và Hà Nội.

Vì lý do chiến lược rộng lớn hơn, Nga không thể không tham gia cuộc tập trận trên Biển Đông do Trung Quốc khởi xướng, thế nhưng, việc Nga tham gia chỉ mang tính chất chiếu lệ mà thôi khi họ quyết định phái một hạm đội rất nhỏ, rất bình thường xuống Biển Đông.

Mục tiêu một cuộc tập trận là phô trương thanh thế và uy lực. Thế nhưng phải nói là dường như Nga không hề nhắm mục tiêu đó lần này trên Biển Đông, một mặt vì không muốn đụng chạm Việt Nam, một mặt khác là không muốn cho thấy là mình hoàn toàn về hùa với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra hiện nay liên quan đến địa điểm cụ thể của cuộc tập trận Nga-Trung Quốc, hiện vẫn chưa được tiết lộ. Dấu hiệu mới duy nhất là việc các chiếc tàu Nga sẽ đến Trạm Giang, nơi đặt bản doanh của Hạm Đội Nam Hải Trung Quốc.

Điều đó có thể là tín hiệu cho thấy là trái với những lần tập trận với Nga trước đây, do Hạm Đội Bắc Hải hay Đông Hải đảm nhận, lần này, Trung Quốc sẽ để cho Hạm Đội Nam Hải của họ tập trận với Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.