Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - HOA KỲ - ÚC

Biển Đông: Một sĩ quan cao cấp Mỹ muốn Úc dứt khoát hơn với Bắc Kinh

Vào lúc Quốc Hội Úc vừa cho lưu hành một cẩm nang cảnh báo các nghị sĩ nước này là phải cẩn thận trước các động cơ của giới đầu tư Trung Quốc trong khu vực, một quan chức cao cấp trong quân đội Mỹ vào ngày 01/09/2016 đã cho rằng chính quyền Canberra phải lựa chọn giữa một liên minh mạnh mẽ với Hoa Kỳ hoặc một quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Nhân vật này còn kêu gọi Úc có một lập trường cứng rắn hơn chống lại các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh Canberra luôn cố gắng cân bằng giữa đồng minh chiến lược lớn nhất là Mỹ và đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh Canberra luôn cố gắng cân bằng giữa đồng minh chiến lược lớn nhất là Mỹ và đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc. Ảnh minh họa. REUTERS/Carlo Allegri
Quảng cáo

Trả lời đài phát thanh Úc Australian Broadcasting Corp, đại tá Tom Hanson, trợ lý tham mưu trưởng Lục Quân Mỹ, cho biết « Úc cần phải thực hiện một sự lựa chọn... vì rất khó mà đi dây giữa một liên minh với Hoa Kỳ và gắn kết kinh tế với Trung Quốc ». Theo ông Hanson, « Sẽ đến lúc Úc phải quyết định xem đâu là mối quan hệ quan trọng hơn lợi ích quốc gia ».

Nhân vật này tuy nhiên đã xác định ngay rằng đó chỉ là ý kiến cá nhân của ông, chứ không phải là quan điểm của chính quyền Mỹ.

Về tình hình Biển Đông, trước việc Bắc Kinh chỉ trích Úc là đã tiến hành tuần tra không phận Biển Đông và ủng hộ các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, ông Hanson cho rằng Úc phải dứt khoát hơn :

« Rõ ràng là Trung Quốc tin rằng họ có một cơ hội và họ cảm thấy có quyền coi thường nước khác. Một hành động chứng tỏ thái độ của Úc sẽ đáng được hoan nghênh ».

Phản ứng trước phát biểu trên, ngoại trưởng Úc Julie Bishop nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Mỹ ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng nói thêm là Canberra luôn cố gắng cân bằng giữa đồng minh chiến lược lớn nhất là Mỹ và đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.