Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - TÀU NGẦM

Bắc Triều Tiên tăng cường lực lượng tàu ngầm

Hôm thứ Tư 24/08/2016, Bắc Triều Tiên đã cho bắn một hỏa tiễn đạn đạo KN-11 từ căn cứ hải quân Mayangdo ở vùng Sinpo, ở bờ biển phương đông bán đảo. Đây là lần bắn thử thứ 6 hoặc thứ 7 từ một tàu ngầm. Lần thử nghiệm trước vào tháng Bảy dường như đã thất bại, còn lần này hỏa tiễn đã bay được 480 km trước khi rớt xuống Biển Nhật Bản.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sau vụ bắn thử hỏa tiễn từ tàu ngầm. Ảnh của KCNA ngày 25/08/2016.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sau vụ bắn thử hỏa tiễn từ tàu ngầm. Ảnh của KCNA ngày 25/08/2016. REUTERS/KCNA
Quảng cáo

Le Figaro nhận xét, vụ bắn thử này chứng tỏ tiến bộ của công nghệ SLBM (submarine-launched ballistic missile) của Bắc Triều Tiên. Theo nhiều chuyên gia, Bình Nhưỡng cũng có những tiến triển trong nỗ lực hoàn chỉnh một hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) có thể mang ngọn lửa nguyên tử đến lục địa Mỹ. Năm nay, Bắc Triều Tiên đã tung ra một số hỏa tiễn gồm nhiều loại và hồi tháng Giêng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư kể từ năm 2006.

Antoine Bondaz, nguyên là nhà nghiên cứu của trường đại học Hàn Quốc ở Seoul nhận định : « Chương trình nguyên tử và đạn đạo Bắc Triều Tiên tiếp tục được củng cố ». Một chương trình mang hai tầm vóc : quân sự với các vũ khí phòng vệ để ngăn chận mọi cuộc tấn công, đồng thời mang tính chính trị, với các vũ khí đặc thù để bảo đảm tính chính danh và sự vĩnh cửu của chế độ. Nhưng đối với chuyên gia nắm rõ các vấn đề của quốc gia khép kín này, năng lực về đạn đạo và nguyên tử của Bình Nhưỡng chỉ tương đối.

Ông phân tích : « Câu hỏi chính là khi nào Bắc Triều Tiên có được một chương trình nguyên tử và đạn đạo sẵn sàng hoạt động. Một khi vẫn chưa có, mối đe dọa này là hạn chế ». Theo các chuyên gia Mỹ, việc triển khai năng lực SLBM thực sự còn phải mất nhiều năm, và đối với Viện Mỹ-Hàn của trường đại học John Hopkins ở Washington thì « sớm nhất cũng không thể trước nửa cuối năm 2018 ».

Được Bình Nhưỡng đánh giá là « thành công vĩ đại », vụ thử SLBM mới nhất của Bắc Triều Tiên không thể so sánh với hệ thống của các cường quốc biển. Theo giới chuyên môn, Bắc Triều Tiên có từ 70 đến 80 tàu ngầm, chủ yếu là các « tàu ngầm mini » chạy bằng động cơ diesel, như loại đã tấn công vào chiếc tàu Hàn Quốc hồi tháng 3/2010 làm 46 thủy thủ Hàn Quốc tử nạn. Đội tàu này đã cũ kỹ, làm ô nhiễm đại dương, do Bắc Triều Tiên tự sản xuất hay sử dụng công nghệ xô-viết đã quá lạc hậu.

Theo một chuyên gia, Hải quân Bắc Triều Tiên sở hữu một số tàu ngầm cỡ lớn, chủ yếu là lớp Sinbo (67 mét, 2.000 tấn), nhưng số lượng « chỉ đếm được trên đầu ngón tay ». Một nguồn tin Hàn Quốc cho biết năm 2008, Bình Nhưỡng đã mua của Nga hai chiếc tàu ngầm diesel cũ. Từ năm 2009, đã triển khai được một tàu ngầm 3.000 tấn có thể mang theo bốn hỏa tiễn Pukkuksong-1, và còn có tham vọng sở hữu một tiềm thủy đĩnh nguyên tử 3.500 tấn từ này đến năm 2018.

Hỏa tiễn Bắc Triều Tiên làm thay đổi chính sách trong khu vực

Vụ bắn thử hôm 24/8 có thể thực hiện từ một tàu ngầm đậu tại bến hay chỉ lặn vừa đủ chìm dưới nước, như vậy cũng gần như là bắn từ mặt đất. Sự kiện này ít ý nghĩa về mặt công nghệ hơn là thời điểm tiến hành, thông điệp mà Bắc Triều Tiên muốn đưa ra và tầm vóc chiến lược cũng như chính trị.

Được loan báo vào tháng Bảy, việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ THAAD (Terminal High Altitude Area Defence) tại Hàn Quốc khiến Bình Nhưỡng phản ứng bằng vụ bắn thử nhằm chứng tỏ năng lực của lực lượng tàu ngầm Bắc Triều Tiên, hai ngày sau đó. Một phương thức khác để bắn hỏa tiễn, được cho là để vô hiệu hóa khả năng ngăn chận của « lá chắn » Mỹ. Tương tự, vụ phóng hỏa tiễn hôm 24/8 diễn ra hai ngày sau khi cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn khởi động.

Bắc Kinh cũng như Matxcơva đều cảm thấy bị đụng chạm. Bởi vì nếu THAAD nhắm vào Bắc Triều Tiên, hệ thống lá chắn tên lửa này cũng có thể phát hiện được các hỏa tiễn do Trung Quốc phóng đi. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul – đã nồng ấm lại từ năm 2013 – bỗng chốc lại trở nên căng thẳng. Song song đó, Hàn Quốc lại xích gần với Nhật Bản hơn. Mặc cho những bất đồng sâu sắc về lịch sử, hai nước vừa ký kết một thỏa thuận trao đổi tin tức tình báo.

Đối với Antoine Bondaz, vụ bắn hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên đã góp phần làm thay đổi chính sách trong khu vực, một sự « dàn hàng ngang của các hành tinh ». Các quốc gia liên quan đã thỏa thuận được với nhau, trong đó kẻ thiệt thòi nhất là Trung Quốc, và Hoa Kỳ là nước được lợi nhiều nhất, với « mục tiêu tăng cường hệ thống liên minh khu vực với Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời gia tăng phối hợp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn ».

Đại sứ quán tại Kyrgyzstan bị tấn công: Trung Quốc không yên ổn ở Trung Á

Tại vùng Trung Á, Le Monde chú ý đến sự kiện « Tại Kyrgyzstan, đại sứ quán Trung Quốc là mục tiêu của một vụ tấn công tự sát ». Chính quyền Bắc Kinh tố cáo hành động mà họ gọi là « hết sức thô bạo » làm ít nhất ba người bị thương ở Bishkek.

Một chiếc xe tải có gài chất nổ đã lao vào đại sứ quán Trung Quốc tại Kyrgyzstan hôm thứ Ba 30/8, các tấm ảnh của Tân Hoa Xã cho thấy khuôn viên tòa đại sứ đầy những mảnh vỡ. Vụ nổ xảy ra chưa đầy một tuần trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, khiến người ta phải đặt ra câu hỏi về mối đe dọa khủng bố đối với Bắc Kinh và các lợi ích Trung Quốc trên thế giới. Kể từ sau làn sóng khủng bố kinh hoàng năm 2013 và 2014 trên lãnh thổ đến nay, Trung Quốc tương đối không bị khủng bố Hồi giáo nhắm đến.

Bắc Kinh đã làm mọi cách để ngăn cản các nước dọc theo đường biên giới tây bắc, nhất là có sử dụng ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ như Kyrgyzstan và Kazachstan, dung dưỡng các hoạt động chính trị của các nhà ly khai Duy Ngô Nhĩ. Theo nhà bình luận Caleb Weiss, vụ tấn công mới đây có thể là do TIP, một nhánh của phong trào Đông Thổ tiến hành, nhưng cũng có khả năng do các nhóm khác – hoặc Al Qaida, hoặc các tân binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daech) tại Kyrgyzstan.

Động cơ máy bay made in China : Lạc hậu 20 năm

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng về kinh tế, Le Monde cho biết « Bắc Kinh muốn có động cơ máy bay do Trung Quốc sản xuất ». Khi thành lập tập đoàn Aero Engine Corporation of China (AECC), Trung Quốc khẳng định tham vọng trong kỹ nghệ hàng không.

Nhưng theo tờ báo, Trung Quốc còn lâu mới thu ngắn được khoảng cách, Airbus và Boeing không có gì phải lo ngại. Về khả năng sản xuất động cơ máy bay, Bắc Kinh đang bị chậm trễ từ 20 đến 30 năm. Các tập đoàn hàng không phương Tây thận trọng không chuyển giao công nghệ cho Bắc Kinh, để không giúp đối thủ tiềm năng đầy nhanh tiến trình. Tập đoàn Safran của Pháp tuy cho sản xuất các phụ tùng tại Trung Quốc, nhưng không hề giao « bất kỳ bộ phận nhạy cảm và công nghệ cao nào ».

« Công xưởng thế giới » đang trở thành xã hội tiêu thụ

Cũng theo Le Monde, « Trung Quốc đang trở thành một xã hội tiêu thụ ». Quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế dựa trên xuất khẩu sang mô hình dựa vào tiêu thụ nội địa và dịch vụ đang diễn ra, trong đó internet đóng vai trò quan trọng. Tờ báo cho rằng đây là điều tốt cho Trung Quốc và cho nền kinh tế thế giới, nhưng cảnh báo hậu quả đối với các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa trong và ngoài nước.

Trong thời gian đầu, các nước mới nổi đang xuất khẩu nguyên vật liệu sẽ bị thiệt hại vì lệ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc. Mức cầu giảm sẽ khiến giá cả sụt giảm, và các nhà nhập khẩu ngoại quốc có thể sẽ nhận ra rằng các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc thích ứng tốt hơn với người tiêu thụ nội địa.

Miến Điện và giấc mơ hòa bình Panglong

Cũng tại châu Á, « Miến Điện tìm kiếm hòa bình với các sắc tộc thiểu số » : hôm qua bà Aung San Suu Kyi đã khai mạc hội nghị Panglong với tham vọng kết thúc sự chia rẽ tại đất nước này.

Tuy nhiên tác giả bài viết trên Le Monde nhận định ít ai ảo tưởng về kết quả hội nghị. Năm 2015, tám nhóm vũ trang đã ký « ngưng bắn toàn quốc », nhưng 13 nhóm khác từ chối, trong đó có nhóm vũ trang quan trọng của Kachin. Tương tự, thủ lãnh du kích của ba tộc người Ta’ang, Kokang và Arakanais tuy cũng muốn tham gia, nhưng quân đội ra một điều kiện mà họ không thể chấp nhận : giao nộp vũ khí.

Hội nghị Panglong diễn ra tại một địa điểm lịch sử, nơi tướng Aung San, cha của bà Suu Kyi đã triệu tập hội nghị liên sắc tộc đầu tiên của Miến Điện năm 1947. Nhưng 69 năm sau, tình hình không thay đổi mấy và « tinh thần Panglong » năm xưa khó thể sống sót.

« Sói già Wall Street » dính vào xì-căng-đan tài chính Malaysia

Một xì-căng-đan tài chính ở Malaysia lại dính líu đến « Sói già Wall Street » : diễn viên nổi tiếng Mỹ Leonardo DiCaprio. Hồi tháng Hai, ngôi sao màn bạc Mỹ đã nhận được tượng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp. Sáu tháng sau, vinh quang đã thay bằng tai tiếng, anh bị tư pháp Hoa Kỳ nghi ngờ đã sử dụng những đồng tiền bẩn từ quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia.

Tên của tài tử Hollywood xuất hiện nhiều lần theo với đà cuộc điều tra, do quan hệ với hai nghi can chính trong vụ thâm lạm công quỹ, là Jho Low và Rira Aziz. Cả ba cùng đi xem các trận cầu Cúp bóng đá thế giới, là khách quen của câu lạc bộ sang trọng Hakkasan ở Las Vegas, nơi DiCaprio mừng sinh nhật 40 tuổi bằng cách tưới lượng rượu sâm-banh trị giá 1 triệu đô la – theo New York Post.

Câu lạc bộ này có thể nhận được tiền biển thủ từ quỹ 1MDB. Tỉ phú Jho Low của Malaysia được cho là dùng một số tiền khá lớn của quỹ đầu tư công này để tặng cho quỹ nhân đạo của Leonardo DiCaprio. Còn Rira Aziz, con rể của thủ tướng Malaysia đã lấy 100 triệu đô la từ 1MDB để tài trợ bộ phim « Sói già Wall Street », trong đó DiCaprio là đồng sản xuất và diễn viên chính.

Ai đã tiêu diệt « tiếng nói » của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ?

Nhân ngày khai trường hôm nay 01/09/2016, vấn đề cải cách giáo dục được nhiều báo Pháp chú ý, bên cạnh đó là việc bộ trưởng Tài chính Emmanuel Macron từ chức, và sự kiện phát ngôn viên IS bị tiêu diệt.

Le Figaro nhận định « Tổ chức Nhà nước Hồi giáo mất đi bộ trưởng Khủng bố ». Việc diệt trừ được Abou Mohammed Al Adnani - phát ngôn viên của Daech, được coi là có khả năng thay thể thủ lãnh Baghdadi – cho thấy các địch thủ đã xâm nhập được vào tổ chức của Daech.

Libération đặt câu hỏi : « Ai đã diệt trừ tiếng nói của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ? », khi Mỹ và Nga đều nhận thắng lợi này về mình. Ban đầu, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook tối thứ Ba 30/8 loan báo lực lượng liên minh quốc tế đã « tiến hành một vụ không kích có chủ đích » ở gần Al Bab, đông bắc Aleppo, « nhắm vào Al Adnani, một trong những thủ lãnh cao cấp nhất của IS ». Charles Lister, chuyên gia về thánh chiến nhận định Hoa Kỳ có thể đã có được nguồn tin tình báo về hoạt động của ban lãnh đạo IS.

Đến thứ Tư, bộ Quốc phòng Nga lại cho biết Al Adnani nằm trong một nhóm khoảng 40 quân thánh chiến bị chết trong vụ Su-34 của Nga không kích vào một làng ở Oum Hoch thuộc Aleppo. Một quan chức quốc phòng Mỹ kịch liệt phản đối, nói rằng tuyên bố của Nga là « một trò đùa ».

Theo Libération, giới tuyến giữa đông Aleppo và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khá phức tạp. Tại đây không chỉ phe nổi dậy Syria đánh nhau với quân thánh chiến IS mà cả dân quân Kurdistan, Thổ Nhĩ Kỳ vừa gởi quân và chiến xa sang, còn trên bầu trời các phi cơ - chủ yếu của Mỹ, nhưng cũng có máy bay Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - tham gia oanh kích.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.