Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - LỊCH SỬ

Thế Chiến I: Số phận lao động Trung Quốc tại Pháp và Anh

Những người lính thợ Trung Quốc đầu tiên cập cảng nước Pháp cách đây đúng 100 năm. Hàng trăm nghìn đàn ông đã được chính quyền Pháp và Anh tuyển mộ để tạm thời giải quyết tình trạng thiếu nhân công do Thế Chiến Thứ Nhất gây ra.

Lao động Trung Quốc đến thành phố Lunéville, tỉnh Meurthe-et-Moselle năm 1917.
Lao động Trung Quốc đến thành phố Lunéville, tỉnh Meurthe-et-Moselle năm 1917. © Collections BDIC
Quảng cáo

Theo phóng viên Stéphanie Trouillard, đài truyền hình France 24 (27/08/2016), vào cuối mùa hè năm 1916, đường phố ở thủ đô Paris náo nhiệt hơn thường lệ. « Xuyên suốt Paris, người ta nhìn thấy hàng nghìn người Trung Quốc đi từ nhà ga Lyon đến ga Saint-Lazare », theo nhận định của tờ Le Gaulois trong số ra ngày 29/08/1916. « Họ trông chắc khỏe, lanh lẹ, mặc một chiếc khoác và quần mầu xanh dương, đội mũ rơm và khoác trên vai một bọc quần áo. Họ không có vẻ nhớ nhà và thích thú ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Họ bị ấn tượng trước những ngôi nhà, công trình và những người qua đường đang dừng lại nhìn họ đi qua »

Đoàn người Trung Quốc này là những lao động mới cập cảng Marseille vài ngày trước đó. Họ được đưa đến Pháp theo một bản thỏa thuận ký tháng 05/1916 với chính quyền Trung Quốc. Giảng viên đại học Laurent Dornel, đại học Pau (miền nam Pháp), chuyên gia về nhân công thuộc địa trong Thế Chiến Thứ Nhất, giải thích : « Người Pháp tìm nhân công khắp nơi vì thiếu nhân lực do cuộc chiến gây ra. Cũng như Pháp, Anh Quốc cũng có nhiều nhượng địa tại Trung Quốc, thế là họ nảy ra ý định tìm nhân công tại những vùng này. Thời đó đã có hiện tượng « phu » (cu li). Nhiều người Trung quốc rời đất nước để đi lao động ở đảo Réunion, quần đảo Antilles (thuộc Pháp), thậm chí, họ còn xây dựng đường sắt ở Mỹ vào thế kỷ XIX ».

« Đối tượng trẻ, cường tráng »

Trong khi châu Âu đang bị chiến tranh giằng xé từ hai năm trước đó, Trung Quốc, quốc gia trung lập, nhanh chóng chấp nhận gửi nhân lực tham gia cuộc chiến của phe Đồng Minh. Với tuổi đời chừng 25-30, đa số những thanh niên này được ký hợp đồng thời hạn từ 3 đến 5 năm. Họ xuất thân từ các tỉnh Sơn Đông (Shandong), Hà Bắc (Hebei), Giang Tô (Jiangsu) nằm ở phía đông Trung Quốc. Theo một bài báo đăng trên tờ Le Figaro tháng 08/1916, việc tuyển chọn được tiến hành « một cách nghiêm túc ». Chỉ có « những đối tượng trẻ, cường tráng, có khả năng chịu mọi điều kiện lao động và khéo léo trong chuyên môn của họ » mới được tuyển.

Tổng cộng có khoảng 37.000 người Trung Quốc được nước Pháp tuyển mộ và ít nhất 100.000 người bên phía Anh Quốc. Số phận của những lao động này tùy vào cách phân chia trên. Số lao động nằm dưới sự quản lý của Anh Quốc sẽ được các sĩ quan thuộc Chinese Labour Corps trực tiếp quản lý và được cử làm những công việc hậu cần gần chiến tuyến. Còn những người nằm dưới sự quản lý của Pháp thì phụ thuộc vào phân đội lao động thuộc địa và được phân bổ trên toàn nước Pháp.

Nhà sử học Laurent Dornel cho biết : « Họ được đưa về các vùng công nghiệp và trở thành người vận chuyển hay nhân công trong các nhà máy. Một số khác thì bốc dỡ hàng hóa ở các hải cảng như Rouen, Brest hay La Rochelle. Cũng có một số người làm trong kho súng đạn ».

Các cuộc nổi dậy của lao động Trung Quốc

Thế nhưng, thời gian sống trên đất Pháp không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Bị cô lập khỏi dân chúng, thường xuyên phải sống trong các lán trại, thậm chí trong các doanh trại, và không biết nói một từ tiếng Pháp, những người lao động Á châu này còn thường xuyên chịu kiểm soát chặt chẽ.

Vẫn theo giảng viên lịch sử đại học Pau, « người Trung Quốc có hợp đồng lao động tự do, nhưng chính quyền lại muốn áp đặt với họ biện pháp quân sự được áp dụng đối với nhân công đến từ các thuộc địa Algeria, Tunisia hay Madagasca. Người Trung Quốc, vì không xuất thân từ một thuộc địa, cảm thấy khó chịu vì bị đối xử như họ ».

Bằng chứng của những căng thẳng này được tờ Le Matin miêu tả vào tháng 01/1917 : « Một cuộc xô xát đẫm máu xảy ra giữa người Hoa và người Algeri » tại một nhà máy ở Bassens, gần thành phố Bordeaux. Kết quả là hai người chết và khoảng 10 người bị thương.

Một số lao động Trung Quốc còn yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Nhiều cuộc bạo động thậm chí xảy ra ngay trong các nhà máy, ví dụ như tại nhà máy sản xuất vũ khí Châtellerault vào ngày 28/12/1916 khi lao động người Hoa phản đối một đồng hương của họ bị bắt giữ. Quân đội đã được cử đến hiện trường để trấn áp cuộc nổi dậy và bắt giữ khoảng 15 người.

Cuối cùng, khi thỏa thuận đình chiến được ký kết, những lao động này vẫn không được hồi hương vì hợp đồng của họ vẫn còn hiệu lực : « Sau chiến tranh, họ được sử dụng để rà phá bom các chiến trường và dọn dẹp chiến hào vì dân Pháp được tổng động viên ra chiến trường trở lại vị trí làm việc của họ trước đây. Ngoài ra, họ cũng được dùng để chôn xác chết trong các đám tang tập thể ».

« Biểu tượng về sự thống trị của phương Tây đối với Trung Quốc »

Vào đầu những năm 1920, các đợt hồi hương bắt đầu được tiến hành. Đa số họ chọn trở về quê hương, nhưng cũng có vài nghìn người quyết định ở lại Pháp, trong đó có Paris và vài thành phố ở các tỉnh. Người cuối cùng trong số những người sống sót, ông Vĩ Thành Sở (Wouei Cheng Tchou), sau này đổi tên thành Jean Tchou, đến Pháp năm 1916 và qua đời năm 2002 tại La Rochelle, thọ 105 tuổi, và chưa từng quay lại quê hương.

Trong gần một thế kỷ, chặng đường của ông Vĩ Thành Sở, cũng như nhiều đồng hương của ông, không được biết đến. Chỉ mới gần đây, các nhà sử học quyết định công bố giai đoạn lịch sử này.

Ông Laurent Dornel nhận định : « Đối với Trung Quốc, trong thời gian rất lâu, đây là một chương sử đáng hổ thẹn. Bắc Kinh coi đó là biểu tượng của sự thống trị của phương Tây đối với Trung Quốc. Còn tại Pháp, giai đoạn này cũng bị bỏ qua vì người ta muốn kỷ niệm chiến thắng hào hùng của Thế Chiến Thứ Nhất ».

Thế nhưng, những người lao động này đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến nhằm bổ sung sự thiếu hụt nhân lực. Rất nhiều người đã bỏ sinh mạng. Trên tổng số chừng 140.000 người Trung Quốc được gửi đến Pháp, khoảng một chục nghìn người đã chết tại đây, thường do bệnh tật.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.