Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - G20

Trung Quốc sợ phương Tây phá hoại thượng đỉnh G20 Hàng Châu

Trung Quốc đang hy vọng củng cố vị thế cường quốc toàn cầu của mình khi tiếp đón lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất của thế giới trong hai ngày 04-05/09/2016. Thế nhưng Bắc Kinh đang nghi ngờ rằng phương Tây cùng các đồng minh sẽ cố phủ nhận chỗ đứng mà Bắc Kinh xem là quyền đương nhiên của họ trên sân khấu thế giới.

Tranh quảng bá G20 tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc (ảnh chụp ngày 29/08/2016)
Tranh quảng bá G20 tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc (ảnh chụp ngày 29/08/2016) Reuters
Quảng cáo

Đối với giới quan sát, vấn đề bảo đảm sao cho cho việc này không thể xẩy ra hiển nhiên sẽ là một trong những ưu tiên của ông Tập Cận Bình, và là chỉ dấu quan trọng giúp Trung Quốc đánh giá thành công của Hội nghị G20.

Theo hãng tin Anh Reuters, nhiều nhà ngoại giao cho rằng Bắc Kinh muốn sử dụng hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu để vạch ra một chiến lược tăng trưởng toàn cầu rộng lớn, nhưng các cuộc thảo luận kinh tế có nguy cơ bị nhiều cuộc tranh cãi khác che khuất, từ vấn đề tranh chấp lãnh thổ, cho đến chính sách bảo hộ mậu dịch.

Một đặc phái cao cấp phương Tây nhận định : « Nhìn từ Trung Quốc, dường như là họ đang bị Hoa Kỳ cố bao vây ». Theo nhân vật này, tranh chấp Biển Đông và việc triển khai lá chắn chống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc như đã chi phối mọi cuộc trao đổi với phía Trung Quốc trước G20.

Gần đây, Trung Quốc cũng rất khó chịu trước phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về tranh chấp Biển Đông giữa Bắc Kinh với các láng giềng. Philippines là nước đâm đơn kiện, nhưng Bắc Kinh lại đổ tội lên đầu Washington.

Vào lúc mà Trung Quốc muốn sự kiện quan trọng nhất mà họ tổ chức trong năm thành công mỹ mãn, thì ông Tập Cận Bình sẽ bị sức ép mạnh từ bên trong, muốn ông cứng rắn trước những thách thức đối với uy quyền của ông như vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc đã từng nói rõ là không muốn thấy những vấn đề như kể trên khuấy động hội nghị, có sự tham dự của tổng thống Mỹ Obama, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhiều lãnh đạo thế giới khác.

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã bình luận rộng rãi về vai trò của Trung Quốc, hội nghị G20 là dịp để Trung Quốc cho thấy vai trò lãnh đạo trong việc uốn nắn các quy tắc điều hành thế giới, và củng cố đà tăng trưởng toàn cầu một cách bền vững. Tờ Nhân Dân Nhật Báo còn thấy đây sẽ là một trong những hội nghị G20 có hiệu quả nhất trong tất cả các hội nghị G20 từ trước đến nay. Trong bài xã luận vào tuần trước, tờ báo kêu gọi « hãy hợp tác cao hơn nữa ».

Tuy nhiên vào giữa tháng 8/2016, tờ báo Nhà nước Study Times lại viết là các nước phương Tây đã cố loại trừ một nước Trung Quốc đang vươn lên và phủ nhận tiếng nói của quốc gia này trên sân khấu thế giới với những với những mô hình như hiệp định TPP - Trans-Pacific Partnership - do Mỹ dẫn đầu.

Nói về G20, tờ báo có uy tín này còn bình luận : « Cố gắng để trở lại quyền điều hành chung, họ đang xây dựng một ‘liên minh thần thánh’ mới, áp đặt những quy luật mới… sẽ gạt Trung Quốc qua một bên ».

Anh và Úc làm Trung Quốc tức giận

Bắc Kinh hiện cũng đang rất tức giận trước những nghi vấn mà Anh và Úc nêu lên liên quan đến các khoản đầu tư chiến lược của Trung Quốc vào hai quốc gia này. Bắc Kinh cho là Luân Đôn và Canberra có hơi hướm bảo vệ mậu dich và lo sợ vô căn cứ.

Úc đã ngăn chận một thương vụ trị giá 10 tỷ đô la Úc – 7,7 tỷ đô la Mỹ, không bán cho Trung Quốc tập đoàn năng lượng lớn nhất của Úc, trong lúc Anh thì đình chỉ kế hoạch đầu tư 24 tỷ đô la của Trung Quốc vào một đề án điện hạt nhân.

Ngược lại, các viên chức phương Tây cũng nêu lên mối quan ngại về khả năng các công ty của họ tiếp cận được thị trường Trung Quốc, và càng lúc càng không e ngại nêu lên vấn đề.

Joerg Wuttke, chủ tich Phòng Thương Mại Châu Âu ở Trung Quốc cho biết có một sự thay đổi giọng điệu nơi các quan chức châu Âu, ngày càng nêu lên nỗi bất bình trước những vấn đề kinh tế Trung Quốc bị quả tải và khó khăn của các công ty châu Âu trong việc thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Joerg Wuttke giải thích với Reuters : « Đã tới mức mà không ai còn sợ lên tiếng nữa cả. Họ nghĩ là họ phải cứng rắn hơn ».

Một viên chức châu Âu có liên can đến một số vấn đề thương mại đã rất bực tức thái độ bảo hộ mậu dịch của Trung Quốc.

« Quý vị mà dám nói là muốn mua lại một trong những mạng lưới điện của Trung Quốc thì lập tức sẽ bị họ bị hạ gục ngay, nói một câu cũng không dứt được ».

Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy là không phải cái gì cũng thuận buồm xuôi gió ở hội nghị G20.

Một nhà ngoại giao phương Tây quen thuộc với hội nghị thượng đỉnh đánh giá là « Trung Quốc hiện đang giận hầu như tất cả mọi người. »

Một nhà ngoại giao khác cho là chắc chắn Trung Quốc sẽ muốn cho G20 diễn ra êm ả, vì « đấy là vấn đề thể diện quốc gia ». Nhưng cũng không phải là điều bất thường khi hội nghị G20 bị các chủ đề ngoài kinh tế chiếm đoạt. Cho nên đấy là « một bãi mìn đối với Trung Quốc ».

Nhật bực bội

Còn Nhật Bản, một nước mà Trung Quốc có tranh chấp hàng thập niên qua với quá khứ chiến tranh và chủ quyền biển đảo ở biển Hoa Đông.

Tuần qua, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Nhật có thái độ « xây dựng » ở hội nghị G20, với nỗi lo sợ ngày sâu hơn ở Bắc Kinh là Nhật dấn thân sâu vào tranh chấp Biển Đông theo khuyến dụ của đồng minh Hoa Kỳ.

Một chuyên gia Viện Nghiên Cứu Quốc Tế, được bộ Ngoại Giao Trung Quốc bảo trợ, đã viết trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo là càng gần đến G20 thì Nhật càng tìm cách gây rối : « Nhật gây rối ở Biển Đông cũng như Hoa Đông, hỗ trợ Philippines và thúc giục Trung Quốc tôn trọng kết quả cái gọi là ‘thủ tục trọng tài ».

Theo nhân vật này, Nhật đang chơi lại những trò cũ, và khó có thể không nghĩ là Nhật đang cố làm mọi chuyện rối loạn lên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.