Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG

Hồng Kông : Những người kế thừa « phong trào Dù Vàng »

Vào ngày 04/9/2016 tới đây, Hồng Kông tổ chức bầu cử lập pháp. Theo quan sát của Le Monde số ra ngày Chủ Nhật 28- thứ Hai 29/08/2016, chưa đầy trong vòng một năm gần nửa chục đảng chính trị đã ra đời. Một điểm chung : Tất cả những đảng này đều xuất thân từ « phong trào Dù Vàng » năm 2014. Xu hướng hoạt động của những đảng chính trị này là kêu gọi giữ gìn lịch sử, bản sắc và thậm chí một nền độc lập cho Hồng Kông.

Lương Thiên Kỳ (Edward Leung), thành viên Hongkong Indigenous tuyên bố ứng cử Hội đồng lập pháp Hồng Kông ngày 02/08/2016.
Lương Thiên Kỳ (Edward Leung), thành viên Hongkong Indigenous tuyên bố ứng cử Hội đồng lập pháp Hồng Kông ngày 02/08/2016. REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

« Những đảng phái chính trị non trẻ Hồng Kông thách thức Bắc Kinh » là tựa một bài viết nhận định trong mục Địa Chính trị. Theo hai tác giả bài viết Brice Pedroletti, phóng viên thường trú tại Bắc Kinh và Florence de Changy, tại Hồng Kông, trong vòng mấy tháng, một loạt các đảng chính trị mà lãnh đạo là những người trẻ, tuổi đời từ 19-25, đã ra đời.

Từ Demosisto của Hoàng Chi Phong, Hongkong National Party (HKNP) do một nhóm cựu sinh viên thành lập, cho đến nhiều đảng khác Youngspiration hay Hongkong Indigenous … đã lần lượt xuất hiện. Mỗi một đảng có một chương trình hành động riêng : từ giữ gìn lịch sử, bản sắc cho đến cả việc kêu gọi độc lập cho đặc khu. Một vài đảng nhỏ cấp tiến này cho rằng Hồng Kông rồi cũng sẽ có cùng số phận như Tây Tạng năm 1950…

Hai tác giả bài viết cho rằng chính việc Bắc Kinh vẫn kiên quyết áp đặt điều kiện chọn ứng viên vào vị trí lãnh đạo đặc khu bất chấp phong trào phản đối ôn hòa diễn ra hồi mùa thu năm 2014, là nguyên nhân chính của sự ra đời các đảng chính trị trẻ. Các đợt biểu tình rầm rộ vào năm đó đã làm tê liệt nhiều khu trung tâm thương mại quan trọng.

Trong bối cảnh đó, những thanh niên trẻ đấu tranh nhiệt tình nhất đã quyết định thay đổi chiến lược và muốn thâm nhập vào các định chế thông qua lá phiếu. Bằng chứng là trong đợt bầu cử địa phương tổ chức hồi tháng 2/2016, nhiều ứng viên trẻ và độc lập đã gây được bất ngờ.

Giới trẻ Hồng Kông hiện nay ngày càng mất kiên nhẫn và có ý thức chính trị hơn, đã công khai chỉ trích nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế độ » mà Bắc Kinh đã hứa trao quyền tự trị cho đặc khu hành chính này đến tận năm 2047.

Hoàng Chi Phong, một trong những người dẫn đầu phong trào « Dù Vàng » và là lãnh đạo đảng Demosisto, cho rằng người dân Hồng Kông chưa thật sự bao giờ được tham vấn về số phận chính trị khi đổi từ chủ này qua chủ khác, từ tay hoàng gia Anh sang Trung Quốc cộng sản. Do đó, người dân đặc khu cần phải được tham vấn từ đây trong vòng 10 năm nữa. Độc lập rất có thể sẽ là một trong những chọn lựa được đề ra cũng như việc phản đối sáp nhập hoàn toàn vào Trung Quốc.

Họ là những thế hệ chỉ sinh trước hay sau ngày Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc một chút tức năm 1997. Do đó, cột mốc 2047 sẽ là thời điểm những thế hệ này có thể lên nắm quyền. « Chính vì thế là thế hệ chúng tôi phải tham gia chính trường », Hoàng Chi Phong giải thích tiếp.

Không như một số đảng cấp tiến khác, bài người Trung Quốc đến từ lục địa vì cho rằng họ là những người thô lỗ, vô văn hóa khác với người Hồng Kông, Demosisto của Hoàng Chi Phong muốn chứng tỏ dung hòa hơn, muốn rằng những người mới đến cũng phải « chia sẻ các giá trị của Hồng Kông ».

Sự trỗi dậy của các đảng mang màu sắc địa phương đã đặt lại vấn đề những nguyên tắc cơ bản của các đảng chính trị truyền thống ủng hộ dân chủ. Tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn và các cuộc chiến đòi dân chủ hóa không còn là mối bận tâm chính đối với giới trẻ Hồng Kông ngày nay.

Đối với họ, các chủ đề đó, « quá phức tạp, quá xa vời, lớp người đi trước không còn ảnh hưởng và đó không còn là chuyện của thế hệ ngày nay », theo như nhận xét của Sebastien Veg, nhà nghiên cứu thuộc trường Cao học Khoa học Xã Hội (Ecole des Hautes etudes en Sciences Sociales), có trụ sở tại Hồng Kông.

Càng gần đến cột mốc 2047, ngày quy chế đặc biệt dành cho đặc khu sẽ hết hiệu lực, người dân lãnh thổ này ngày càng tỏ ra lo âu, bức bối trước mỗi lần Bắc Kinh can thiệp vào quyền tự do. Nỗi lo đó càng được khẳng định trước vụ năm nhân viên nhà sách Hồng Kông đột nhiên mất tích khi cho xuất bản những quyển sách bị cấm tại Hoa lục.

Ngày 01/07/2017 đánh dấu chỉ còn có 30 năm nữa sẽ chấm dứt quy chế « Một quốc gia, hai chế độ ». Ngày này còn mang tính biểu tượng cao hơn khi phần lớn tiền vay mua bất động sản được thiết lập trên cơ sở 30 năm. Các nhà lập pháp đã lo ngại nhiều rủi ro đang đè nặng lên việc tịch biên bất động sản sau năm 2047.

Và giả như Trung Quốc, trong trường hợp bị khủng hoảng, sẽ phát hành trái phiếu dựa trên mức thu nhập của người dân Hồng Kông thì sao ? Theo ông Horace Chin, một giáo sư đại học, người đưa ra ý tưởng Hồng Kông đảo quốc theo kiểu Singapore, thì chỉ còn có một giải pháp duy nhất : đó là làm cho quy chế « Một quốc gia, hai chế độ » trở nên trường tồn, nhưng đồng thời cũng phải tiến hành cải cách để củng cố hơn nữa các đặc quyền của Hồng Kông. Giải pháp này còn có một lợi thế : tránh làm cho Bắc Kinh bị mất mặt.

Bắc Kinh khai thác Internet đồng thời hạn chế những rủi ro chính trị

Cũng liên quan đến Trung Quốc, mục Địa Chính trị của báo Le Monde có bài phỏng vấn chuyên gia Séverine Arsène, thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại của Pháp, trụ sở tại Hồng Kông, đồng thời là tác giả cuốn « Internet và chính trị tại Trung Quốc » về chiến lược của Bắc Kinh đối với Internet.

Về câu hỏi liệu Trung Quốc đã thành công trong việc biến mạng lưới thông tin toàn cầu thành mạng nội bộ hay không, bà Arsène cho rằng không hẳn Trung Quốc đã làm được việc này. Ban đầu, để chống lại tự do ngôn luận trên internet, Bắc Kinh đã dùng các biện pháp kiểm duyệt và ngăn chặn, nhưng sau đó, chính quyền đã có hẳn một chiến lược khai thác internet để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, internet cũng đáp ứng nhu cầu giải trí và bày tỏ suy nghĩ cá nhân, nếu như các suy nghĩ này không mang tính chính trị hay phản kháng. Người dân thì muốn được tiếp cận với những nội dung văn hóa của nước ngoài, giới doanh nhân muốn khai thác các cơ hội làm ăn, giới trí thức muốn những trao đổi với đồng nghiệp nước ngoài v.v. Tại Trung Quốc, có một nhu cầu thực sự theo hướng này và nếu Bắc Kinh đáp ứng được thì càng giúp củng cố tính chính đáng của chế độ.

Tóm lại, chính quyền Trung Quốc cố gắng khai thác những gì mà Internet mang lại đồng thời hạn chế những rủi ro chính trị mà mạng thông tin toàn cầu có thể gây ra.

Liên quan đến biện pháp dựng tường lửa, kiểm duyệt internet, chuyên gia Arsène đưa ra khái niệm « khoanh vùng » và cho rằng, hầu hết các quốc gia, kể cả các nền dân chủ phương Tây, đều áp dụng phương pháp này, chứ không chỉ Trung Quốc. Bởi vì, trên internet, chính quyền các nước hàng ngày phải đối mặt với những vấn đề trật tự công cộng, như tội phạm, vi phạm tự do ngôn luận, các đe dọa đối sinh mạng công dân …

Vẫn theo bà Arsène, chính Trung Quốc là nước đi tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến của nước ngoài, như của tập đoàn Cisco, để tiến hành ngăn chặn, kiểm duyệt internet vì mục đích chính trị.

Ngay cả việc lập tên miền .cn vào đầu những năm 1990 cũng giúp Bắc Kinh gia tăng quản lý internet. Lúc đầu, các hoạt động được đặt tại các máy chủ ở Đức với sự trợ giúp của các kỹ sư tin học Đức. Ý thức được các thách thức chính trị, Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và từ năm 1995, thì đủ khả năng tự làm công việc này ở trong nước.

Trung Quốc : Đối thủ vô hình của Nhật tại châu Phi

Quan hệ Nhật Bản với châu Phi cũng được Le Monde quan tâm đến với tựa đề « Nhật Bản của Shinzo Abe muốn khắc phục sự chậm trễ tại châu Phi ». Hội nghị quốc tế lần 6 của Tokyo về Phát triển châu Phi diễn ra vào cuối tuần 27-28/08/2016 tại Nairobi, Kenya.

Tokyo đang chậm chân tại châu lục đen này. Thống kê của Tổ chức Thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết trong năm 2015, xuất khẩu của Nhật Bản sang châu Phi chỉ ở mức 1,4%, trong đó 60% là xuất khẩu xe hơi. Một con số quá khiêm tốn.

Trong lúc chính sách kinh tế Abenomics lộ rõ các hạn chế, Nhật Bản hy vọng tranh thủ được chút điểm tăng trưởng tại châu Phi. Không giống các lãnh đạo tiền nhiệm, ông Shinzo Abe đã khuyến khích các doanh nghiệp Nhật đến làm ăn tại đây nhân chuyến công du châu Phi 2014, đến các nước Ethiopia, Bờ Biển Ngà và Mozambic. Tuy nhiên, Kenya là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong chính sách mới này của Nhật Bản.

Ông Abe cho rằng Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi là cơ hội để bảo đảm an ninh con đường cung ứng dầu và khí đốt, vốn rất quan trọng cho Tokyo kể từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima. Nhưng hội nghị này còn là dịp để cạnh tranh với Trung Quốc. Hiện Tokyo đang bị Bắc Kinh bỏ rơi rất xa. Trao đổi mậu dịch giữa Nhật Bản với châu Phi chỉ ở mức 24 tỉ đô la so với 179 tỉ giữa Trung Quốc và châu Phi.

Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt vào châu lục này bất kể đó là quốc gia lớn bé, dân chủ hay không, minh bạch hay không. Trong khi đó Nhật Bản chỉ tập trung vào một số nước được cho dân chủ hơn và tương đối ổn định.

Tuy nhiên, Le Monde cảnh báo là Tokyo và Bắc Kinh không hề đơn độc tại châu Phi. Vào tháng 7/2016, Nairobi đã tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Và trước đó còn có tổng thống Hàn Quốc Park Geung-Hye, để ký kết một loạt các thỏa thuận trong lĩnh vực y tế và năng lượng.

Irak, Syria trong chảo lửa

Thời sự Trung Cận Đông nổi bật với tình hình chiến sự chống Daech tại Irak và Syria. La Croix thông báo « Liên quân chống Daech tiến gần đến Mossoul ».

Tại Irak, hôm thứ Năm 25/8, vào lúc quân thánh chiến Daech buộc phải bỏ rơi một trong số các thành trì, trên trục đường đến Mossoul, liên quân chống Daech ghi được nhiều điểm. Tuy nhiên La Croix lưu ý, các chiến dịch quân sự tại đây có khả năng dẫn đến làn sóng di tản ồ ạt của người dân.

Trong khi đó, tại « phía bắc Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dựng trại để hiện diện lâu dài » là ghi nhận của Le Figaro. Chiến dịch can thiệp quân sự ban đầu nhằm để chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nay đang chuyển thành một cuộc xung đột công khai giữa Ankara và các lực lượng người Kurdistan.

Về phần mình, Le Monde đăng bài phỏng vấn ngoại trưởng Pháp, Jean-Marc Ayrault, kêu gọi Nga « chấm dứt dội bom » và nối lại các cuộc đàm phán tại Syria. Khi được hỏi về việc chế độ Damas và Daech bị tố cáo sử dụng chất hóa học, ngoại trưởng Pháp cho rằng « cả Damas và Daech đối đầu nhau trong cảnh ghê rợn (…). Không ai được lợi gì với việc phổ biến vũ khí hóa học ».

Liên quan đến chiến dịch can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, ông Jean-Marc Ayrault lưu ý quốc tế phải cẩn trọng trước « ý đồ (của Thổ Nhĩ Kỳ) sử dụng Syria như là một phần của vấn đề Kurdistan ».

Dilma Rousseff : Trận chiến cuối cùng

La Croix quan tâm đến thời sự Nam Mỹ với việc bà Dilma Rousseff hôm nay có buổi trình bày ngắn trước các thượng nghị sĩ. Tờ báo nhận xét đây là « Trận chiến cuối cùng của bà Dilma Rousseff ».

Bị mất quyền điều hành đất nước từ tháng 5/2016, bà Dilma Rousseff cho biết là sẽ đến Thượng viện một mình. Bà chỉ có 30 phút để bảo vệ lý lẽ của mình. Nhưng tờ báo cho rằng bà ít có cơ may thuyết phục được 1/3 trong số 81 nghị sĩ, những người đã tố cáo bà che giấu chi tiêu công. Nếu như ngày mai Thượng viện bỏ phiếu « impeachment » (có trọng tội), bà Dilma Rousseff sẽ bị truất phế ngay lập tức, và không được ra ứng cử trong vòng 8 năm.

« Một hành động can đảm » . Những cáo buộc đó chỉ là cái cớ để đuổi cánh tả ra khỏi bộ máy cầm quyền. Bà đến đó để bảo vệ nền dân chủ. Đó là một phần AND của bà  theo như nhận định của một nữ nghị sĩ Brazil.

Trang nhất các báo Pháp

Thời sự Pháp, cụ thể hơn là thông tin liên quan đến vòng sơ tuyển ứng viên tổng thống trong đảng Những Người Cộng Hòa (Les Républicains) chiếm hầu hết trang nhất các nhật báo, số ra ngày 29/08/2016. Cả hai tờ Le Monde và Les Echos đề cập sự kiện cựu thủ tướng François Fillon, dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, chính thức thông báo tham gia cuộc đua sơ tuyển của đảng Những Người Cộng Hòa, trực tiếp cạnh tranh với cựu tổng thống Sarkozy và cựu thủ tướng Alain Juppé, hiện là thị trưởng thành phố Bordeaux.

Dù ra tranh cử muộn hơn, nhưng ngay lập tức ông Fillon đã tấn công dữ dội cựu tổng thống Sarkozy, khiến sự chia rẽ trong nội bộ đảng càng thêm sâu sắc. Libération nhận định trên trang nhất, « Cánh hữu chẳng làm mọi người mơ màng » vì nếu lên cầm quyền, phe đối lập cũng sẽ không làm tốt hơn cánh tả.

Trong khi đó, trang nhất của Le Figaro lại quan tâm đến cặp đối thủ được cho là có nhiều triển vọng nhất của đảng Những Người Cộng Hòa : « Juppé-Sarkozy, cuộc chiến vòng sơ bộ bắt đầu ».

Chủ đề kinh tế được hai nhật báo Le Monde và Les Echos nhấn mạnh là sự kiện tập đoàn Alstom của Pháp giành được hợp đồng xây dựng hệ thống xe lửa cao tốc TGV tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, « Tăng trưởng : Quang cảnh thế giới mới » cũng được Les Echos đề cập trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chững lại, sản lượng sụt giảm và nợ. Theo nhật báo kinh tế, đây là ba nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế thế giới.

Hồi Giáo là chủ đề chính trí-xã hội được Le Monde và La Croix phản ánh dưới hai khía cạnh khác nhau. « Manuel Valls khởi động lại cuộc tranh luận về burkini » là hàng tựa lớn trên trang nhất của Le Monde. Còn La Croix đề cập đến « Hồi Giáo Pháp, ý đồ của bộ trưởng Nội Vụ Cazeneuve ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.