Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Dự án đập thủy điện Myitsone, Trung Quốc khó bắt chẹt Miến Điện

Đăng ngày:

Trong cuộc viếng thăm chính thức tại Trung Quốc hồi cuối tuần qua, Ngoại trưởng Miến Điện, kiêm cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã được Bắc Kinh tiếp đón trọng thể như một nguyên thủ quốc gia. Trong các cuộc hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường, hai chủ đề trọng yếu là tiến trình hoà giải dân tộc chấm dứt nội chiến tại Miến Điện và dự án đập Myitsone, cung cấp điện cho Trung Quốc.

Biểu tình tại Miến Điện chống dự án đập thủy điện Myitsone của Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 22/09/2011.
Biểu tình tại Miến Điện chống dự án đập thủy điện Myitsone của Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 22/09/2011. REUTERS/Bazuki Muhammad
Quảng cáo

Dự án đập thủy điện khổng lồ trị giá 3,6 tỷ đôla do Trung Quốc đầu tư những đã bị đình hoãn từ 4 năm nay vì có sự phản đối của dân chúng.

Thời chính quyền chuyển tiếp, những cuộc biểu tình lớn của dân chúng đã làm ban lãnh đạo có tiếng thân Trung Quốc phải lấy một quyết định bất ngờ đi ngược lại ý muốn của Bắc Kinh. Có lẽ lòng dân và sự ủng hộ của lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đã giúp cho tướng Thein Sein, vào năm 2012, vững tâm đình chỉ dự án theo mô hình đập Tam Hiệp.

Theo hãng tin Asia News, người dân Miến Điện lo ngại Trung Quốc sẽ nhân các cuộc thảo luận trực tiếp với bà Aung San Suu Kyi, nay là người đứng đầu chính phủ trên thực tế, để gây sức ép.

Khoảng 60 tổ chức dân sự ký chung một thư ngỏ gửi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, qua trung gian sứ quán Trung Quốc, kêu gọi dứt khoát dẹp bỏ dự án Myitsone.

Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc sẽ lợi dụng lá chủ bài ảnh hưởng trên một số lực lượng võ trang hoạt động ở vùng biên giới để bắt chẹt chính phủ Miến Điện hay không trên hồ sơ đập thủy điện.

Thông tín viên RFI trong khu vực, Arnaud Dubus, từ Bangkok phân tích trong phần phỏng vấn sau đây.

RFI : Thân chào Arnaud, người ta thấy bà Aung San Suu Kyi đi Trung Quốc trước khi sang Mỹ. Phải chăng đây là một cử chỉ mang tính « chiến lược » của nhân vật nắm thực quyền tại Miến Điện ?

Arnaud Dubus : Có thể nói bà Aung San Suu Kyi đi thăm Trung Quốc trước là chuyện hợp lý. Miến Điện có đường biên giới chung với Trung Quốc dài 2000 km. Nước láng giềng khổng lồ này còn là đối tác thương mại và đầu tư số một tại Miến Điện. Hai bên cũng có mối bang giao từ nhiều thế kỷ nhưng, khác với vương quốc Xiêm (Thái Lan), Miến Điện chưa bao giờ thật sự tòng phục Trung Quốc.

Từ khi chính quyền mới lên nhậm chức và do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo trên thực tế, Miến Điện mở rộng quan hệ ngoại giao với những chuyến thăm viếng của nhiều nhà lãnh đạo Tây Phương cũng như Nhật Bản. Nhưng Miến Điện nằm cạnh Trung Quốc. Trọng lượng chính trị và kinh tế của nước này buộc chính phủ mới tại Miến Điện phải xem Trung Quốc là đối tác ưu tiên. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là quan hệ với Hoa Kỳ giảm đi. Washington biết rất rõ điều này.

RFI :Trở lại đập thủy điện Myitsone, anh có thể giải thích đầu đuôi vấn đề tế nhị đang gây xung khắc giữa Miến Điện và Trung Quốc ?

Arnaud Dubus : Dự án đập thủy điện Myitsone nằm gần cửa sông Irrawaddy, tại bang Kachin, vùng đông bắc Miến Điện, không xa biên giới Trung Quốc là công trình đầu tư khổng lồ của tập đoàn năng lượng China Power Investment Corporation.

Đây là một hợp đồng cho công ty Trung Quốc độc quyền khai thác trong vòng 50 năm. 90% lượng điện sản xuất sẽ được xuất khẩu qua Trung Quốc. Gặp sự chống đối của dân chúng địa phương nhất là sắc tộc Kachin và trước hệ quả làm hại cho môi trường thiên nhiên, chính phủ của tổng thống Thein Sein trước đây, đã quyết định đình chỉ dự án đập thủy điện vào năm 2012 trước sự ngỡ ngàng của Bắc Kinh.

Từ đó, chính phủ Trung Quốc gây áp lực để khởi động lại dự án này. Bà Aung San Suu Kyi ở trong một vị thế tế nhị. Với tư cách là « thần tượng dân chủ », bà khó có thể hủy bỏ quyết định của một chính quyền gần như là quân sự nhưng lại được dân chúng hoan nghênh. Nhưng nếu duy trì quyết định ngưng dự án đập thủy điện thì Miến Điện phải bồi thường một món tiền khá lớn cho công ty Trung Quốc.

Tạm thời, hồ sơ này nằm yên đó. Trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh (vừa kết thúc) bà Aung San Suu Kyi chỉ tuyên bố là một ủy ban nghiên cứu đang xem xét lại vấn đề này. Về phần chính quyền Trung Quốc, họ thúc giục Miến Điện với hy vọng dự án đập thủy điện sẽ được giải quyết trong tinh thần « đôi bên cùng có lợi », hàm ý có thể có vài sửa đổi.

RFI : Người ta có thể liên kết vấn đề đập thủy điện mà Trung Quốc bằng mọi giá muốn được tiến hành với tiến trình hòa giải dân tộc, nằm trong chiến lược vãn hồi hòa bình kết thúc cuộc nội chiến triền miên từ 60 năm nay tại Miến Điện. Liệu Bắc Kinh sẽ gây sức ép buộc chính phủ Aung San Suu Kyi phải chọn lựa « đập thủy điện hay hoà bình » ?.

Arnaud Dubus : Nhiều nhà phân tích gắn liền hai hồ sơ này nhưng tôi tin rằng cần phải thận trọng. Chẳng hạn như một vài người nhận định như sau : Bắc Kinh có thể sử dụng mối quan hệ với một số lực lượng sắc tộc võ trang như quân du kích Kachin, chưa ký vào thỏa thuận ngưng bắn với chính quyền trung ương, như là lá chủ bài để bắt chẹt bà Aung San Suu Kyi phải cho phép thực hiện dự án đập Myitsone.

Đúng thật là Trung Quốc có ảnh hưởng trên các nhóm võ trang ở miền bắc Miến Điện như Kachin và Kokang . Hai nhóm này không thể tồn tại lâu dài nếu nguồn tài chính của họ , qua buôn bán, trao đổi xuyên biên giới với Trung Quốc mang lại, bị cắt đứt.

Tuy nhiên, theo tôi, giới hạn của nhận định trên nằm ngay ở điểm này. Kinh tế Trung Quốc cũng cần an ninh vùng biên giới để phát triển. Vì quyền lợi an ninh và kinh tế của chính mình, Trung Quốc cũng muốn vùng biên giới tây nam được bình yên.

Chúng ta không quên vào năm 2009, khi quân đội Miến Điện mở chiến dịch tảo thanh chống du kích sắc tộc Kokang ly khai, hơn 40.000 dân Kokang, trong cơn mưa pháo, chạy sang biên giới Trung Quốc lánh nạn, đã tạo ra những vấn đề lớn cho Trung Quốc. Đạn pháo và bom Miến Điện cũng không tha lãnh thổ Trung Quốc. Hồi năm 2015, một vài vụ oanh kích tương tự cũng đã xảy ra.

Có thể suy ra là Trung Quốc có khả năng giúp cho tiến trình hoà bình tại Miến Điện giữa chính quyền trung ương và các sắc tộc thiểu số. Chúng ta biết là một hội nghị hoà giải dân tộc được tổ chức vào cuối tháng 8. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Trung Quốc sẽ gây sức ép theo kiểu « bắt chẹt » để chính phủ Miến Điện thay đổi quyết định về dự án đập thủy điện. Lợi ích lâu dài không cho phép Bắc Kinh phản ứng như thế.

Thêm vào đó, hiện nay, điện sản xuất tại Vân Nam đã bắt đầu dư thừa cho nên lợi ích của dự án đập Myitsone, trong mắt giới lãnh đạo Bắc Kinh, đã giảm bớt.

RFI : Câu hỏi cuối cùng, chính sách dân chủ hóa và biến chuyển chính trị tại Miến Điện cá ảnh hưởng như thế nào trong quan hệ Trung Quốc-Miến Điện ?

Arnaud Dubus : Trung Quốc đã phải thích nghi với yếu tố dân chủ tại nước láng giềng, trong lãnh vực chính trị cũng như kinh tế. Trung Quốc không còn có thể hành xử với Miến Điện như dưới thời chính quyền quân sự, tranh giành những hợp đồng béo bở với chính phủ mà không cần quan tâm đến quyền lợi của cư dân địa phương. Dự án đập Myitsone là trường hợp điển hình. Trung Quốc đã có cố gắng thích ứng với tình thế mới.

Những doanh nghiệp người Trung Quốc hoạt động tại Miến Điện, trong thời gian gần đây đã chứng tỏ họ có nỗ lực cải thiện quan hệ với xã hội dân sự Miến Điện. Chẳng hạn, họ thành lập những dự án đáp ứng với nguyên tắc Trách Nhiệm Xã Hội của Doanh Nghiệp gọi tắt là RSE ( Responsabilité Sociale des Entreprises).

Doanh nhân Trung Quốc cũng tung ra một loạt chiến dịch cải thiện hình ảnh và chương trình trợ giúp xã hội, chia sẻ lợi nhuận với các cộng đồng địa phương.

Nước Miến Điện mới đặt mình trong tư thế một quốc gia đối tác với Trung Quốc với ý chí duy trì quan hệ thân hữu với Bắc Kinh nhưng không phải với bất cứ giá nào.

Chờ xem vào tháng 11 tới, Ủy ban nghiên cứu xem xét lại dự án đập thủy điện Myitsone cho biết quyết định ra sao. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như dự kiến sẽ không được toại nguyện.

Chuyên gia Tống Quân Doanh (Song Jun Ying) thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc (Bắc Kinh) phân tích : « Trong số các giải pháp khả thi, giải pháp dẹp bỏ dự án là hợp tình hợp lý nhất. Kế hoạch bị ngưng lại đã quá lâu, và được xem là chiến thắng dân chủ của nhân dân Miến Điện. Rất có thể Rangun sẽ hủy bỏ dự án này và mở một số địa điểm khác cho Bắc Kinh ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.