Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Bài toán nông dân của Trung Quốc

Đăng ngày:

Từ cả chục năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh đã đề ra mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn với thành thị, san bằng những bất công. Nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện tại nước đông dân nhất địa cầu. Sự phẫn uất của một số nông dân Trung Quốc là bài toán "sinh tử" cho an ninh nước này.

Nhọc nhằn của nông dân Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Nhọc nhằn của nông dân Trung Quốc. Ảnh minh họa. Reuters
Quảng cáo

Theo thống kê được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF công bố vào tháng 4/2016, tổng sản lượng năm 2015 của Trung Quốc lên tới 11.000  tỷ đô la. Với dân số khoảng một 1,35 tỷ người, thu nhập bình quân đầu người tại nước này là khoảng 8.000 đô la/năm. Trung Quốc thuộc nhóm quốc gia có lợi tức trung bình thấp.

Nhưng kinh tế nước này gặp nhiều vấn đề về cơ cấu nên có thể bị rơi vào hiện tượng mà các chuyên gia về phát triển gọi là “cái bẫy của lợi tức trung bình”, không trở thành một quốc gia công nghiệp như Bắc Kinh vẫn mong ước.

Một trong các vấn đề được quan tâm, ít ra từ hàng chục năm nay là tình trạng phát triển thiếu cân đối, không công bằng và thiếu phối hợp nên không bền vững. Tình trạng này được phản ánh một cách rõ ràng nhất qua sự khác biệt quá lớn về lợi tức và nhận thức giữa nông thôn và thành thị.

Bài toán an ninh cho chế độ

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích vấn đề này và chỉ ra bài toán nan giải là chế độ hộ khẩu.

RFI : Thưa anh Nguyễn Xuân Nghĩa, theo IMF trung bình lợi tức một người dân Trung Quốc ở khoảng 8.000 đô la. Nhưng con số chính thức ấy che giấu sự thật đáng ngại là 760 triệu người sống ở thành thị lại có lợi tức cao gấp ba lần lợi tức của 590 triệu người sinh sống ở nông thôn. Vì sao tình hình chưa cải thiện cho dù Bắc Kinh từ những năm 2007 đã nói tới mục tiêu san bằng hố sâu ngăn cách giữa nông thôn và thành thị ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Trung Quốc có một vấn đề từ tiền kiếp, là khác biệt quá lớn về địa dư hình thể giữa các tỉnh duyên hải ở miền Đông và các tỉnh bị khóa trong nội địa, vốn dĩ khô cằn và khó phát triển. Sau ba chục năm cải cách và tăng trưởng mạnh kể từ 1980, Trung Quốc đã công nghiệp hóa và đô thị hóa một phần lãnh thổ, nhưng chưa giải quyết được bài toán dị biệt ấy.

Trung bình thì người dân ở đô thị có thể kiếm ra hơn 14.000 đô la một năm, mà cư dân ở thôn quê thì chỉ kiếm được chưa tới bốn ngàn. Tại các tỉnh bị kẹt trong lục địa, khoảng 400 triệu người ở nông thôn chưa tìm ra được bốn đô la một ngày.

Ngoài khác biệt lợi tức đó, dân cư ở thành thị còn được hưởng phúc lợi xã hội như gia cư, y tế và giáo dục. Dân chúng ở thôn quê thì không. Đấy là bài toán sinh tử cho một quốc gia tự xưng là xã hội chủ nghĩa, thành lập từ nỗ lực đấu tranh của lực lượng nông dân nghèo khốn trong trận nội chiến quốc - cộng 70 năm về trước. Ngày nay, sự bất mãn của lớp người cùng khốn ấy đang là bài toán an ninh cho chế độ.

Nguyên nhân đầu tiên thuộc về ý thức hệ là chế độ khai thác nông nghiệp để nuôi công nghiệp và áp dụng chế độ hộ khẩu để điều tiết lực lượng lao động.

Chế độ ấy có từ mấy ngàn năm mà được Mao Trạch Đông tinh vi hóa để kiểm soát và đoàn ngũ hóa quần chúng. Sau khi Đặng Tiểu Bình cải cách kinh tế từ 1980, chế độ kiểm soát hộ khẩu sử dụng được dân số đông đảo ở thôn quê ra tỉnh kiếm việc với lương thấp. Ít ai chú ý đến sự kiện là chế độ hộ khẩu của Trung Quốc chỉ phân biệt hai thành phần là dân cư trong nông nghiệp và ngoài nông nghiệp.

Sau khi cải cách thì cư dân có hộ khẩu trong nông nghiệp có thể ra tỉnh kiếm việc mà vẫn là kẻ không có hộ khẩu, không có phúc lợi xã hội, gọi là “dân công”. Trung Quốc có từ 250 đến 300 triệu dân công xấu số này. Từ cả chục năm nay, Bắc Kinh đã nói đến việc cải cách chế độ hộ khẩu ấy mà chưa tiến hành được.

Thành phố Thượng Hải, biểu tượng thành công của Trung Quốc.
Thành phố Thượng Hải, biểu tượng thành công của Trung Quốc. @Flickr

Muốn có nhân công rẻ, nhưng lại sợ nông dân ồ ạt đổ về thành phố

RFI : Tầng lớp lãnh đạo mới, lên cầm quyền từ cuối năm 2012, đã chủ trương lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy thay cho đầu tư và xuất khẩu. Nếu lợi tức cư dân tại nông thôn lại quá thấp như vậy thì làm sao Bắc Kinh có thể chuyển hướng ? Tại sao việc cải cách chế độ hộ khẩu lại chậm thi hành như vậy ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Lãnh đạo Trung Quốc biết rằng về lý thuyết thì cải cách hộ khẩu sẽ giải phóng lực lượng lao động cho thôn dân vào thành thị. Đồng thời cải cách chế độ quản lý đất đai tại nông thôn thì sẽ cho nông dân còn lại có quyền sử dụng đất rộng rãi hơn hầu nâng cao năng suất nông nghiệp. Thế nhưng Bắc Kinh lại rất thận trọng và chỉ cho thử nghiệm ở vài thí điểm, như tại Trùng Khánh từ năm 2007, vào thời Bí thư Bạc Hy Lai, là người đã bị bãi chức và nay đang ngồi tù chung thân.

Nguyên nhân thứ nhất : giải tỏa hộ khẩu có thể dẫn tới làn sóng người từ nông thôn ra tỉnh khiến các tỉnh thành không đủ ngân sách cho nhu cầu gia cư, y tế, giáo dục. Nhiều nơi chỉ muốn có dân công rẻ và sống tạm bợ, chứ không muốn phải lo cho đời sống của thành phần lao động này. Nguyên nhân thứ hai : Bắc Kinh sợ nông dân ào ạt bỏ ruộng đồng, làm sản lượng nông nghiệp sa sút và không đạt yêu cầu an toàn về thực phẩm.

Nguyên nhân thứ ba : việc cải cách chế độ hộ khẩu phải tiến hành đồng bộ với việc cải thiện hệ thống luật lệ về đất đai. Đó là chuyện còn sinh tử hơn cho các chính quyền địa phương, vì bán quyền sử dụng đất là nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương. Ta không quên là tính trung bình thì nguồn thu của các địa phương chỉ đáp ứng 57% nhu cầu công chi, và tại các tỉnh nghèo ở bên trong thì chỉ được có 10-20% mà thôi.

Nguyên nhân thứ tư, quan trọng nhất, là phải tái cân bằng hệ thống công chi thu trên toàn quốc, vì chính quyền địa phương không đủ ngân sách cho cả nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất lẫn hạ tầng cơ sở xã hội. Ngày nay, tỷ lệ đô thị hóa tại Trung Quốc mới là 56%. Muốn tiến lên trình độ công nghiệp cao hơn, với nhiều đô thị hơn, họ phải giải quyết bài toán hộ khẩu để hấp thụ được một lượng người đông đảo hơn.

Có một sự nới lỏng chừng mực cho nông thôn

RFI : Trong khi chờ đợi đến ngày khắc phục được ngần ấy vấn đề thì Bắc Kinh có thể làm gì trước số phận quá đen tối của người dân tại thôn quê ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đến phương châm “mò chân dưới nước kiếm đường qua sông” của Đặng Tiểu Bình, nhưng theo kiểu “se hâter lentement” như một thành ngữ của Pháp ! Trung Quốc sẽ tích cực khuyến khích các địa phương phát huy sáng tạo để thử nghiệm giải pháp mới và thận trọng theo dõi kết quả, nhất là mức độ an toàn về chính trị, khi sự bất mãn tại nông thôn đang trở thành vấn đề nóng, với nhiều cuộc xô sát giữa nông dân và cảnh sát địa phương.

Một số nơi đã thử áp dụng việc cho phép nông dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp và đổi lấy tiền thuê cùng một số lợi tức hàng tháng. Điều đó có nghĩa là nông dân vẫn là chủ đất nhưng nhiều doanh nghiệp về canh nông có thể ra đời và canh tác trên một diện tích lớn hơn. Nhưng then chốt vẫn là việc cải cách hệ thống công chi thu, hay tài chính công quyền, và nâng cao phẩm chất của đảng viên cán bộ để dẹp được nạn tham ô tại địa phương.

Nếu quá chậm thì chế độ mặc nhiên gieo mầm cho một cuộc cách mạng khác của nông dân khi nằm chết trong cái bẫy sập của lợi tức trung bình.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.