Vào nội dung chính
TRIỀU TIÊN

Mùi chiến tranh lạnh trên bán đảo Triều Tiên

Tháng 8/2015, Seoul và Bình Nhưỡng mỗi bên đều tỏ ra lạc quan sau một cuộc đàm phán dài hơi đưa đến kết quả là đồng thuận tránh một cuộc binh đao. Nhưng chỉ mười ngày sau, xung khắc bùng lên cho đến hôm nay 18/08/2016, với những hành động đáp trả qua lại như thời chiến tranh lạnh.

Truyền đơn tố cáo chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được thả tại vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm, 26/03/2016.
Truyền đơn tố cáo chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được thả tại vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm, 26/03/2016. REUTERS/Kim Hong-Ji
Quảng cáo

Theo AFP, những vụ người Bắc Triều Tiên đào thoát liên tục, những bản tin phát thanh bằng mật mã nhắn gián điệp nằm vùng tại miền Nam, những luận điểm tuyên truyền thô thiển, là một số bằng chứng cho thấy mức độ căng thẳng trong quan hệ giữa hai anh em thù địch.

Nhà phân tích Kim Yong Hyun, đại học Dongkuk, Seoul nhận định : Quan hệ giữa hai miền Nam- Bắc hiện nay chưa bao giờ căng đến cao độ như thế kể từ thời chiến tranh lạnh trong thập niên 1970.

Dấu hiệu đầu tiên là hiện tượng dân chúng, quan chức Bắc Triều Tiên đào thoát. Trường hợp mới nhất, nhà ngoại giao Thae Yong Ho, nhân vật số hai trong sứ quán Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn, cùng vợ con chạy sang Hàn Quốc đã tặng cho Seoul một cơ hội bằng vàng để tuyên truyền.

Lý do sâu xa thúc đẩy Thae Yong Ho bỏ chế độ Bình Nhưỡng có lẽ vì tương lai của hai đứa con, nhưng Seoul gọi đây là sự lựa chọn giữa Thiện và Ác. Theo bộ Thống Nhất Hàn Quốc, nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên đã « chán ngán và mệt mỏi » chế độ Bình Nhưỡng, và tìm đất sống nơi chế độ Tự do, Dân chủ ở miền Nam.

Từ sau vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ tư, bầu không khí tại bán đảo Triều Tiên xấu đi một cách đột ngột. Bắc Triều Tiên cắt đứt hai kênh liên lạc với Hàn Quốc. Đến tháng 7 vừa qua, một trong những kênh liên lạc cuối cùng với Washington bị cắt luôn. Bắc Triều Tiên tránh không tiếp xúc với Mỹ qua phái bộ ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc.

Sự kiện này « đáng lo ngại », theo phân tích của chuyên gia về tình hình Bắc Triều Tiên Kim Yong Hyun. Nói cách khác, hai miền nam bắc chỉ còn cách « đối thoại » duy nhất là « la thật to » khi muốn trao đổi điều gì.

Vùng giới tuyến, tên chính thức là vùng phi quân sự không phải là một nơi bình yên. Hai bên thiết lập lại những loa phát thanh cực mạnh để tuyên truyền. Bắc Triều Tiên còn sử dụng lại một động thái của thời chiến tranh lạnh là phát những đọan « tin » được ngụy hóa bằng số trên làn sóng ngắn. Có lẽ để liên lạc, chỉ thị cho các điệp viên ẩn mình ở miền Nam như 20 năm về trước.

Vào mùa hè 2015, Seoul và Bình Nhưỡng thông báo đạt được một thỏa hiệp tránh nội chiến được ca ngợi là « bước ngoặt ». Thế nhưng , chỉ mười ngày sau là « khẩu chiến » lại nổ ra. Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên thả giàn sử dụng những từ ngữ thô lỗ để công kích, mạ lỵ nữ tổng thống Hàn Quốc, trong khi chế độ quyết định đóng cửa khu công nghệ Keasong, dự án hợp tác cuối cùng.

Tình hình sẽ còn gay go hơn vào tuần tới với cuộc tập trận Mỹ-Hàn huy động hàng chục ngàn quân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.