Vào nội dung chính
PHILIPPINES - ĐỐI LẬP

Philippines: Manila và phong trào Hồi Giáo ly khai Moro trở lại đàm phán

Tổng thống Rodrigo Duterte thực hiện lời hứa hoà giải với các tổ chức Hồi Giáo và Cộng sản nổi dậy. Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo Philippines gọi tắt là Moro trở lại bàn đàm phán. Các cuộc thảo luận đã diễn ra vào hai ngày cuối tuần, 13-14/08/2016, tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Một chiến binh của Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo Moro (Moro Islamic Liberation Front, MILF).
Một chiến binh của Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo Moro (Moro Islamic Liberation Front, MILF). Wikipedia
Quảng cáo

Từ Manila, thông tín viên RFI Marianne Dardard phân tích :

« Hy vọng hòa bình lập lại tại Mondanao, hòn đảo chính ở miền nam Philippines. Tại một số nơi, Mindanao vẫn làm mồi cho một trong những cuộc chiến tranh du kích lâu nhất và tang thương nhất ở vùng Đông Nam Á.

Một thỏa thuận hòa bình lẽ ra đã được ký kết với chính phủ trước để thành lập một vùng bán tự trị ở Mindanao. Đây là vùng duy nhất của Philippines có đa số là người theo Hồi Giáo. Nhưng từ đó, bản thỏa thuận trên vẫn nằm trên giấy.

Hôm nay (14/08), các cuộc đàm phán đã được nối lại với Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo Moro (Moro Islamic Liberation Front, MILF), nhóm ly khai Hồi Giáo lớn nhất, nhưng cũng có sự tham dự của một nhóm vũ trang khác, Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Moro (Moro National Liberation Front, MNLF). Đây là sự kiện chưa từng có. Manila từng chấm dứt mọi cuộc thương lượng với nhóm MNLF, sau nhiều vụ tấn công đẫm máu mà nhóm này từng gây ra.

Chính tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, một người ủng hộ chế độ liên bang, là người khởi xướng nối lại đối thoại với các nhóm nổi dậy khác. Và sự kiện này được cho là đánh dấu một bước ngoặt quan trọng ».

Biểu tình chống quyết định an táng nhà độc tài Marcos như một anh hùng

Trong cơn mưa tầm tã của ngày Chủ nhật 14/08, khoảng 2000 người dân Philippines xuống đường tại thủ đô Manila, chống lại một quyết định gây tranh cãi của tổng thống Duterte : an táng cố tổng thống Ferdinand Marcos ở nghĩa trang dành cho các anh hùng dân tộc, dự trù vào tháng Chín.

Nữ thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, một trong những chính trị gia chống chế độ độc tài cho rằng « Philippines sẽ làm trò cười cho cả thế giới » vì cố tổng thống Ferdinad Marcos (đắc cử năm 1965, bị lật đổ năm 1986) là « kẻ thù không biết hối cải của các anh hùng Philippines ».

Nhà độc tài bị tố cáo biển thủ 10 tỷ đôla từ công quỹ nhà nước tẩu tán sang Mỹ. Một phần số tiền này đã được hoàn lại cho nhà nước Philippines sau khi chế độ dân chủ được tái lập. Ngân Hàng Thế Giới thẩm định khoảng 5 tỷ. Thụy sĩ làm gương trước tiên, năm 2003, Berne trao lại cho Manila 683 triệu đôla Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.