Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÍNH TRỊ

Tập Cận Bình sẽ thành « Putin Trung Quốc » ?

Hàng năm vào tháng 8 giới lãnh đạo Trung Quốc họp kín tại Bắc Đới Hà (Beihaihe), một khu an dưỡng bên bờ biển Bột Hải, để ra các quyết định quan trọng. Năm nay, cuộc họp diễn ra dường như sớm hơn lệ thường. Theo nhiều chuyên gia, vấn đề chủ yếu của năm nay là dàn nhân sự lãnh đạo dự kiến cho Đại hội lần thứ 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, sẽ diễn ra vào cuối năm 2017. Câu hỏi lớn đặt ra là : Liệu ông Tập Cận Bình có phá lệ « hai nhiệm kỳ », để tiếp tục nắm giữ quyền lãnh đạo tối cao tại Trung Quốc, sau năm 2022.

Chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga gặp nhau tại diễn đàn APEC, ngày 25 tháng 6/2016.
Chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga gặp nhau tại diễn đàn APEC, ngày 25 tháng 6/2016. Ảnh : Kim Kyung-Hoon/Reuters
Quảng cáo

Về nguyên tắc, thành phần của Ủy Ban Thường Vụ của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc, cơ quan quyền lực tối cao của chế độ, trong Đại hội 19 sẽ thay đổi. Đương kim chủ tịch và tổng bí thư đảng Tập Cận Bình sẽ phải rời chức vụ vào năm 2022, trước thềm Đại hội 20. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Tập Cận Bình chưa chỉ định bất cứ ai là người kế nhiệm.

Theo AFP, một số chuyên gia như nhà phân tích Christophe Johnson (chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, Washington) cho rằng, rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ tìm cách tiếp tục ở lại. Nhà chính trị học đại học Hồng Kông Willy Lam thì ước đoán, xác suất từ « 60 dến 70% là ông Tập sẽ từ chối rời vị trí lãnh đạo ».

Tập Cận Bình đã phá vỡ nhiều quy tắc bất thành văn

Theo Hiến pháp Trung Quốc, người giữ chức chủ tịch nước chỉ được đảm nhiệm tối đa hai nhiệm kỳ, tuy nhiên, không có quy định nào tương đương đối với chức vụ tổng bí thư đảng Cộng Sản. Tuy nhiên, kể từ thời Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) – người đứng đầu Trung Quốc từ năm 1978 đến 1989 -, tồn tại một quy tắc bất thành văn. Đó là các tổng bí thư đảng phải thoái vị sau 10 năm cầm quyền. Quy định này được đặt ra nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực không gây đổ vỡ, cho các thỏa hiệp và không cho phép một nhà độc tài mới nổi lên thâu tóm quyền lực.

Theo ông Victor Shih, đại học California, trên thực tế, ông Tập Cận Bình đã thâu tóm rất nhiều quyền lực vào tay mình, khi trực tiếp đứng đầu nhiều ủy ban kinh tế và quân sự quan trọng hàng đầu của chế độ. Trả lời AFP, ông cho biết, tình thế này « gây khó khăn cho bất cứ người nào có tham vọng kế nhiệm ». Vẫn theo chuyên gia Christophe Johnson, kể từ khi trở thành lãnh đạo đảng, ông Tập Cận Bình đã phá vỡ hàng loạt quy định bất thành văn, vốn được coi như là bất di bất dịch.

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã khiến cựu lãnh đạo ngành an ninh đầy uy quyền Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) phải vào tù, trong khi các cựu lãnh đạo cao cấp, vốn là thành phần được coi là bất khả xâm phạm.

Những người ủng hộ ông Tập Cận Bình cho rằng, nếu ông Tập lãnh đạo Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ nữa thì điều này sẽ cho phép ông tiếp tục các cải cách mang tính cấu trúc, và đặc biệt là chính sách quân sự của Bắc Kinh hiện nay tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, cùng với nhiều mục tiêu kinh tế đầy tham vọng.

AFP nhận xét nếu Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), người thân cận và thành viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị, tiếp tục có mặt trong ban lãnh đạo khóa mới, thì đây sẽ là một tiền lệ. Vương Kỳ Sơn là người tổ chức thực hiện chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập tại Trung Quốc. Tiền lệ này, nếu xảy ra, cho thấy lệ « hai nhiệm kỳ » của Đặng Tiểu Bình có khả năng sẽ bị phá vỡ.

Cuộc thanh trừng trong hàng ngũ ban lãnh đạo Đoàn Thanh Niên Cộng Sản mới đây là một dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình muốn kiểm soát thành trì của lực lượng được coi là « cải cách » trong đảng, nơi xuất thân của tổng bí thư khóa trước Hồ Cẩm Đào, và của thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường.

Tổng bí thư không giữ chức chủ tịch nước sau 2022 ?

Theo nhà chính trị học Hồng Kông Willy Lam, mô hình lý tưởng của Tập Cận Bình chính là lãnh đạo Nga Vladimir Putin, người đã nắm quyền liên tục tại Nga từ 15 năm nay, khi thì với vai tổng thống, khi thì với vai thủ tướng.

Tuy nhiên, theo ông Bo Zhiyue, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại, đại học Victoria New Zealand, triển vọng ông Tập phá lệ để tiếp tục nắm quyền không dễ dàng trở thành hiện thực, cho dù Tập Cận Bình có tỏ ra công khai ngưỡng mộ đồng nhiệm Putin.

Chuyên gia New Zealand về chính trị Trung Quốc phân tích, việc ông Tập Cận Bình không còn là chủ tịch nước – kể từ năm 2022 trở đi, theo Hiến pháp – sẽ không cho phép ông ta tiếp tục thâu tóm toàn bộ quyền lực. Còn theo chuyên gia Victor Shih đại học California, Tập Cận Bình chắc chắn vẫn bị kết cục Liên Xô sụp đổ ám ảnh, và điều này sẽ khiến ông ta phải thận trọng. Chuyên gia nói trên nhấn mạnh : Chính sự nổi lên của một « nhóm lãnh đạo già nua », quyết bám quyền bằng mọi giá như tại Liên Xô trước đây, là một trong những nguyên nhân khiến chế độ cộng sản Liên Xô trở nên già cỗi, và điều này đã khiến chế độ này tan rã.

Nhận định trên báo Singapore

Về chủ đề Tập Cận Bình có tiếp tục nắm quyền hay không sau 2022, sau 2 nhiệm kỳ lãnh đạo, báo Singapore Straits Times đầu tháng 8 giới thiệu một số bài phân tích. Nổi bật lên qua các bài viết là nỗi lo ngại về ảnh hưởng của các xu thế chính trị lớn tại Trung Quốc đến nền kinh tế toàn cầu.

Nữ giáo sư kinh tế Trường Kinh tế Luân Đôn Keyu Jin, có bài « Tập Cận Bình không phải Mao Trạch Đông ». Tác giả cho rằng, trái ngược với nỗi sợ của nhiều người, trên thực tế ông Tập Cận Bình không phải là nhà độc tài như Mao Trạch Đông. Đích nhắm của chương trình chống tham nhũng của Tập Cận Bình hiện nay là giới cầm quyền địa phương, vốn nằm ngoài vòng kiểm soát của nhà nước. Trong ba thập niên kinh tế phát triển nhảy vọt, giới cầm quyền ở các địa phương Trung Quốc được hưởng một quyền tự trị lớn, các mạng lưới cánh hẩu trong chính quyền được hình thành rộng khắp và rất khó thâm nhập, tham nhũng vượt vòng kiểm soát. Chính vì vậy, theo chuyên gia Anh, cuộc chiến chống tham nhũng của Tập Cận Bình là cần thiết để « thanh lọc » hệ thống, và giúp cho kinh tế Trung Quốc có thể phát triển ổn định và bền vững.

Ngược lại với cái nhìn lạc quan của bà Keyu Jin, chuyên gia chính trị quốc tế Mỹ Noah Feldman (giáo sư luật trường Harvard Law School) (bài "Con đường nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc hiện tại đã khép lại") cho rằng việc ông Tập Cận Bình tấn công vào phe Đoàn Thanh Niên là một dấu hiệu cho thấy cán cân quyền lực truyền thống của chế độ cộng sản Trung Quốc đang bị phá vỡ tận gốc. Theo chuyên gia Mỹ, kinh tế trong chế độ cộng sản Trung Quốc sở dĩ phát triển mạnh mẽ được trong hơn 30 năm qua là nhờ ở « mối đồng thuận » ngầm phức tạp này. Phe Đoàn từng là lò ươm cho sự trỗi dậy trong môi trường đại học của những người cải cách, có năng lực, nhưng xuất thân từ tầng lớp thấp. Chuyên gia Mỹ dự đoán, cuộc tấn công của Tập Cận Bình nhắm vào « Đoàn phái » sẽ khiến tình hình tại Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt trong bối cảnh người Trung Quốc có học vấn có xu hướng ra nước ngoài sinh sống ngày càng nhiều.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.