Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - QUÂN SỰ

Liệu Trung Quốc đủ khả năng ra tay cùng lúc ở biển Hoa Đông và Biển Đông?

Bắc Kinh điều tàu hải cảnh và máy bay quân sự đến biển Hoa Đông và Biển Đông nhằm bắn đi tín hiệu rằng họ có thể « tung ra cú đấm » bất kỳ lúc nào. Đó là nhận định của giới phân tích trong bài viết « Trung Quốc phô trương sức mạnh ở hai vùng biển có tranh chấp », đăng trên báo Hồng Kông South China Morning Post, ngày 08/08/2016.

Tầu tuần duyên Trung Quốc số 31239 trong khu vực biển Hoa Đông, gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh chụp của tuần duyên Nhật Bản ngày 22/12/2015.
Tầu tuần duyên Trung Quốc số 31239 trong khu vực biển Hoa Đông, gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh chụp của tuần duyên Nhật Bản ngày 22/12/2015. REUTERS/11th Regional Coast Guard Headquarters-Japan Coast Guard
Quảng cáo

Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện tại những vùng biển có tranh chấp qua việc điều các tàu tuần tra đến gần vùng quần đảo có tranh chấp ở biển Hoa Đông trong những ngày gần đây. Đồng thời, Quân đội Giải phóng Nhân dân cũng đi tuần tra trên không ở Biển Đông. Theo giới phân tích, cả hai chiến dịch trên chỉ nhằm chứng tỏ là Bắc Kinh cùng lúc có khả năng hiện diện mạnh mẽ tại hai vùng biển có tranh chấp.

Tuần duyên Nhật Bản cho hay hôm thứ Hai (08/08/2016) có đến 14 tầu hải cảnh Trung Quốc, trong đó một số tàu được trang bị vũ khí, đã được phát hiện trong khu vực quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkalu, và ngoại trừ hai chiếc, tất cả số tầu trên đều ở lại trong khu vực. Tổng cộng, trong ngày Chủ nhật, có 13 chiếc tầu đã được nhìn thấy trong khu vực này và thứ Bẩy có 7 chiếc.

Đội tầu hải cảnh hộ tống 230 chiếc tầu đánh cá Trung Quốc, đang hoạt động ngay trong « vùng tiếp giáp » với Senkaku/Điếu Ngư, tức là khu vực nằm giữa vùng biển 12 và 24 hải lý của những đảo nhỏ mà các chủ sở hữu của những lãnh thổ này được hưởng những đặc quyền chiểu theo luật pháp quốc tế. Một số tầu hải cảnh Trung Quốc đôi khi cũng đi hẳn vào trong vùng 12 hải lý của các đảo nhỏ.

Tokyo đã phản đối mạnh mẽ vụ triển khai các tàu Trung Quốc và đã triệu đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa (Cheng Yonghua) lên. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, tuyên bố, « lực lượng tuần duyên và nhiều đơn vị khác có liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ để đối phó với tình huống này ».

Tân bộ trưởng Quốc Phòng vừa được bổ nhiệm, bà Tomomi Inada, nói là Nhật Bản sẽ hết sức « cảnh giác, giám sát và thu nhập thông tin, đồng thời bình tĩnh hành động, nhằm kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, vùng biển và vùng trời của Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo Senkaku ».

Hoạt động của Trung Quốc ở biển Hoa Đông diễn ra ngay sau khi quân đội nước này hôm thứ Bảy 06/08/2016 thông báo đã điều máy bay ném bom H-6K, chiến đấu cơ Su-30 và nhiều máy bay quân sự khác bay qua vùng quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, những nơi có tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước.

Những khu vực này nằm trong « đường chín đoạn » mà Trung Quốc tuyên bố thuộc lãnh thổ của mình. Vào tháng trước, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết rằng đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc dựa theo bản đồ này là không có giá trị, nhưng Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ phán quyết và gia tăng các hoạt động quân sự để tăng cường kiểm soát khu vực này.

Về điểm này, đại tá về hưu, ông Nhạc Cương (Yue Gang) cho biết, phần đông lực lượng hải quân Trung Quốc được tập trung ở biển Hoa Đông. Ông nói : « Chúng tôi cần duy trì sức mạnh (không quân) ở một mức độ nào đó tại Biển Đông để có thể tung ra một cú đấm bất kỳ lúc nào ».

Nhà bình luận quân sự, Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), làm việc tại Thượng Hải cho rằng các chiến dịch không quân và hải quân gần đây có mục đích chứng tỏ rằng Trung Quốc có khả năng can thiệp đồng thời ở cả hai vùng xung đột. Ông nói : « Đó còn là một thông điệp gởi đến Nhật Bản rằng Trung Quốc chủ động chọn chiến trường theo ý muốn ».

Còn theo ông Kim Xán Vinh (Jin Canrong), giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế, trường đại học Nhân Dân, thì Trung Quốc gởi đi một tín hiệu rằng Bắc Kinh đã sững sờ về việc bổ nhiệm bà Inada (làm bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản), được cho là người có thái độ chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc.

Ông Kim còn cho rằng đây cũng là một thông điệp gởi đến Nhật Bản về việc Tokyo kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế sau phán quyết của tòa trọng tài. Ông nói : « Động thái mới gần vùng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là nhằm phản đối những phát ngôn và hành động vừa qua của Nhật Bản ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.