Vào nội dung chính
CHÂU Á - THÁI LAN

Trưng cầu Hiến pháp Thái Lan : Một « thảm họa chính trị »

Trưng cầu dân ý về Hiến pháp Thái Lan hôm Chủ nhật 07/08/2016 là chủ đề của xã luận báo Le Monde. Bài « Sự thụt lùi » giải thích vì sao cuộc trưng cầu dân ý nói trên lại là một « thảm họa chính trị ».

Người dân Thái Lan bỏ phiếu Trưng cầu dân ý ngày 07/08/2016 tại Bangkok.
Người dân Thái Lan bỏ phiếu Trưng cầu dân ý ngày 07/08/2016 tại Bangkok. REUTERS/Kerek Wongsa
Quảng cáo

Xã luận Le Monde mở đầu với mô tả tâm trạng thất vọng, mệt mỏi của người dân Thái trước điều mà họ gọi là « một thập niên phí phạm ». Kể từ cuộc đảo chính năm 2006, lật đổ chính phủ của thủ tướng Thaksin, « vương quốc chìm trong khủng hoảng triền miên, với nhiều biểu tình, bạo động, đôi khi bị quân đội đàn áp khốc liệt, và các cuộc đảo chính ».  Cuộc trưng cầu dân ý dường như không mở ra triển vọng cho việc chấm dứt giai đoạn bất ổn này. 

Theo quan điểm của tập đoàn quân sự cầm quyền và những người ủng hộ họ, thì « nền dân chủ cuối cùng cũng chỉ để phục vụ cho việc bầu lên những ‘‘kẻ tham nhũng’’ và ‘‘những người xấu’’, như kiểu ông Thaksin ». Theo Hiến pháp vừa được đa số cử tri Thái Lan ủng hộ, chính phủ mới được cử tri lựa chọn « sẽ không có nhiều quyền hạn, và liên tục phải đối mặt với nguy cơ bị giải tán ». Hệ thống bầu cử mới « sẽ gây bất lợi cho các đảng phái lớn và buộc họ phải liên minh với nhau để lập ra các chính phủ liên hiệp mong manh, và chắc chắn sẽ không hiệu quả ».

Theo Le Monde, hiến pháp mới nhất này - trong khoảng 20 hiến pháp Thái Lan kể từ năm 1932 – chỉ là một phương tiện để chính quyền quân sự củng cố uy quyền trong bối cảnh nền kinh tế của « con hổ » già châu Á đang suy yếu, đặc biệt trong giai đoạn quá độ hết sức nhạy cảm, khi vua Bhumibol lâm bệnh nặng. Tương lai của nền quân chủ Thái Lan hết sức mờ mịt, uy tín của hoàng gia xuống thấp, khi không ít người dân dành sự ủng hộ cho các thủ tướng bị quân đội lật đổ.

Xã luận của Le Monde kết luận với nhận định : Hiến pháp mới do tập đoàn quân sự áp đặt - một bước thụt lùi của nền dân chủ Thái Lan – « càng trở nên đáng ngại hơn khi nó không giải quyết được ba vấn đề chính đang kìm hãm tương lai của đất nước ». Đó là một nhà nước dựa vào một « nhà vua được thần thánh hóa », « vai trò của quân đội » và những toan tính « của tầng lớp thượng lưu trong một quốc gia đang trở nên bất ổn hơn và nghèo hơn ».

Cũng trong hồ sơ này, Le Monde có bài « Bangkok, một Hiến pháp phục vụ cho giới quân sự », chỉ ra rằng, cho dù có đến 62% cử tri đồng ý với bản Hiến pháp mới, nhưng theo một chuyên gia, ở các vùng nông thôn, nhiều người bỏ phiếu thuận cũng chỉ vì mong muốn « cuộc sống trở lại bình thường ». Tuy nhiên, thực tế là « cũng đã có gần đến 40% cử tri phản đối bản Hiến pháp », cho dù trước đó những người tuyên truyền chống Hiến pháp của tập đoàn quân sự, đã bị chính quyền « truy bức », « bịt miệng ».

Vua Nhật « dân chủ hóa » vai trò hoàng đế

Trong khi xã hội Thái Lan đang rất khổ sở và lúng túng với một nền quân chủ với tương lai bất định, thì tại Nhật Bản, hoàng đế lại tuyên bố muốn về hưu ngay khi còn sống. Báo Libération có bài phân tích về những nỗ lực rất đáng ghi nhận của vua Nhật nhằm « dân chủ hóa » vai trò của một hoàng đế (Bài « Hoàng đế Akihito chuẩn bị cho thời kỳ hoàng hôn của chính mình »).

Libération cho biết, tuyên bố muốn thoái vị của hoàng đế Ahikito khiến nhiều người dân Nhật Bản xúc động. Hoàng đế Nhật là một người kín đáo, ít khi xuất hiện trên trang nhất các báo. Các cử chỉ của ông được một học giả Mỹ chuyên về Nhật Bản (Donald Keene) đánh giá là đã thể hiện cho « một nước Nhật dân chủ và hòa bình ».

Sau thảm họa Fukushima, hoàng đế Akihito cùng hoàng hậu đến quỳ bên các nạn nhân. Điều « không thể tưởng tưởng nổi với các hoàng đế Nhật tiền bối ». Hoàng đế Nhật cũng nhiều lần thừa nhận những đau khổ do quân đội Nhật gây ra trong Thế chiến Hai, và ngay hồi năm ngoái, ông đã một lần nữa bày tỏ « nỗi hối hận sâu sắc » đối với quá khứ quân phiệt Nhật Bản.

Đề nghị thảo luận về khả năng thoái vị cũng là « một cử chỉ » cho thấy hoàng đế là « một người bình thường ». Ông tự xếp mình vào nhóm những người cao tuổi, kêu gọi mọi người « thông cảm về những bất lực mà ông có thể sẽ gặp phải khi đảm đương nhiệm vụ ». Bài báo kết luận, với đề nghị thoái vị, hoàng đế Akihito « đã đặt chính phủ vào một tình thế gần như là bắt buộc phải xem xét lại luật về hệ thống quân chủ » Nhật Bản.

« Sa hoàng Nga » và « hoàng đế Thổ » tái hòa giải

Về thời sự quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ là chủ đề nhiều trang đầu của Le Monde. Nhật báo Pháp giới thiệu bài phỏng vấn đặc biệt với tổng thống Erdogan, được thực hiện ngày thứ Bảy 06/08, với tựa đề « Erdogan : ‘‘Phương Tây đã bỏ mặc Thổ Nhĩ Kỳ’’ ». Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dành cho báo chí phương Tây kể từ cuộc đảo chính. Ông Erdogan bác bỏ các cáo buộc đàn áp thanh trừng hậu đảo chính, đồng thời đe dọa sẽ cắt đứt các thỏa thuận về nhập cư đã ký với châu Âu.

Vẫn theo Le Monde, ngày Chủ nhật vừa qua, con đường ven biển tại thành phố Istanbul ngập trong màu đỏ, khi hơn một triệu người xuống đường theo lời kêu gọi của tổng thống Erdogan. Trong cuộc biểu tình vì « dân chủ và các liệt sĩ » này, ông Erdogan kêu gọi dân chúng ủng hộ tái lập án tử hình. Quan hệ giữa chính quyền Ankara và Liên Hiệp Châu Âu đang ở vào một thời khắc hết sức khó khăn với xu thế độc tài đang lên tại Thổ, trong lúc nước Thổ của ông Erdogan lại đang sáp gần với nước Nga Putin.

Về cuộc hội kiến hôm nay giữa tổng thống Putin và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý : « Sự tái hòa giải của sa hoàng Nga và hoàng đế Thổ ». Theo Le Figaro, nếu như loại bỏ một số khác biệt nhỏ về hình thức, có thể coi Putin và Erdogan là « anh em sinh đôi ».

Cả hai đều rất mê thể thao (một người judo và người kia bóng đá), nhưng đặc biệt là cả hai đều là « kẻ độc tài và dân tộc chủ nghĩa ». Cả hai đều « hoài niệm » về một đế chế oai hùng xưa. Với ông Putin là Liên Xô và trước đó là đế quốc Nga. Với ông Erdogan, đó là đế chế Ottoman ngự trị tại Trung Cận Đông suốt một thiên niên kỷ.

Hai lãnh đạo Nga, Thổ đều là « bậc thầy của nghệ thuật sử dụng … các tôn giáo để phục vụ chính trị, dị ứng với sự phê phán, không chịu nổi các đối trọng quyền lực ». Cả hai « đều có chung một tâm lý hoang tưởng, đẩy họ vào chỗ phải tạo ra những kẻ thù tưởng tượng », và mong muốn cầm quyền đến mãn đời.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nằm ở vị trí chiến lược giữa hai lục địa Á-Âu. Cả hai ông Putin và Erdogan đều cho rằng phương Tây không thừa nhận họ đúng như sức mạnh và vị trí của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, nhưng ông Erdogan cũng đang hy vọng tìm thấy lập trường chung với tổng thống Nga trong một loạt vấn đề khu vực, đặc biệt là vấn đề người Kurdistan tại Syria (được Nga hậu thuẫn), mối đe dọa đối với chế độ Ankara. Le Figaro đặt câu hỏi : Liệu ông Erdogan có thay đổi lập trường chống nhà độc tài Syria Assad, để đổi lấy sự ủng hộ của Nga.

Diễn đàn Xã hội Thế giới : Chống năng lượng hóa thạch

Về thời sự quốc tế, Diễn đàn Xã hội Thế giới (WSF/FSM) lần thứ 14 tổ chức tại Montreal, Canada, từ hôm nay đến ngày 14/08, là một chủ đề được quan tâm khác. Báo La Croix có bài « Diễn đàn Xã hội Toàn cầu có thể mang lại điều gì ? ».

La Croix giới thiệu quan điểm của một chuyên gia Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp. Theo ông Eddy Fougier, so với những năm đầu tiên, sự kiện này ít thu hút được sự chú ý của truyền thông quốc tế. Số lượng người tham gia cũng giảm đi. Vài chục nghìn người tham dự hiện nay so với hơn 100.000 người trong diễn đàn đầu tiên năm 2001 tại Brazil.

Sáng kiến diễn đàn xã hội dân sự toàn cầu được tổ chức để làm đối trọng với diễn đàn kinh tế thế giới của giới tinh hoa, được tổ chức thường niên tại thành phố Davos, Thụy Sĩ.

Theo nhà nghiên cứu Pháp, cho dù về quy mô kinh tế toàn cầu nói chung, phong trào diễn đàn xã hội dân sự thế giới không mang lại đóng góp lớn nào, nhưng ở quy mô địa phương, phong trào này đã gây cảm hứng cho rất nhiều sáng kiến nhỏ của cá nhân, của cộng đồng, với niềm tin tưởng rằng « một thế giới khác » với thế giới hiện nay « là có thể được ».

Libération có bài phóng sự giới thiệu diễn đàn xã hội dân sự được tổ chức lần đầu tiên tại Bắc Bán Cầu, với hai chủ đề chính là : « chống năng lượng hóa thạch và bảo vệ các cộng đồng dân cư bản địa ».

Gặp gỡ Hướng đạo sinh : Nơi đối thoại Hồi giáo-Thiên chúa giáo

Cuộc tụ hội của 5000 Hướng đạo sinh, thuộc 56 quốc gia, tại Pháp là chủ đề chính của báo La Croix. Tờ báo công giáo có bài phóng sự, « Hướng đạo sinh, cơ sở thử nghiệm cho đối thoại giữa các tôn giáo ».

Bài phóng sự của La Croix cho biết nhiều nhóm Hướng đạo sinh thuộc đạo Hồi và đạo Thiên chúa sẽ chung sống trong vòng một tuần lẽ tại Salvizinet, tỉnh Loire. Theo tổng thư ký một phong trào Hướng đạo sinh Tin Lành của nước Pháp, dịp sinh hoạt tập thể này hết sức quan trọng, bởi nó cho phép tạo nên một « thành trì » chống lại xu thế ngả theo tôn giáo cực đoan (Hồi giáo cực đoan).

Hiệp hội Hướng đạo sinh Hồi giáo Pháp, được thành lập năm 1991, đã có nhiều nỗ lực để nối kết các giá trị của đạo Hồi với nền tảng sư phạm của phong trào Hướng đạo. Điều cho phép nhiều thanh niên Hồi giáo biết đến « một đạo Hồi vừa mang tính công dân, vừa mang tính an bình ».

Bằng sáng chế : Một trận địa mới của Trung Quốc

Ảnh hưởng gia tăng gây lo ngại của kinh tế Trung Quốc là một chủ đề chính của Les Echos. Tờ báo kinh tế của bài xã luận : « Trung Quốc chuyển hướng ».  Bài viết nêu bật một thay đổi lớn trong chiến lược kinh tế của Trung Quốc. Đó là việc các tập đoàn kinh tế lớn gia tăng đầu tư trong lĩnh vực « bằng sáng chế ».

Theo Les Echos, nếu như trước đây ít năm, Trung Quốc nổi tiếng là xứ sở của nạn đánh cắp bản quyền, và làm hàng giả. Thì từ giờ trở đi châu Âu phải chú ý đến thế đang lên của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Tập đoàn viễn thông Huawei – Hoa Vi Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 50.000 bằng sáng chế, và đang sẵn sàng cho cuộc chiến tư pháp chống hãng Samsung – Hàn Quốc, để giành vị trí ngôi đầu bảng trong lĩnh vực điện thoại di động.

Les Echos kết luận, các tập đoàn Trung Quốc sẽ còn gặp nhiều khó khăn trên con đường này, nhưng châu Âu cũng không thể chủ quan cho rằng, « chỉ cần đưa ra các quy định mới là đủ để cạnh tranh lại với đế chế Trung Hoa mới ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.