Vào nội dung chính
PHILIPPINES - XÃ HỘI

Tổng thống Philippines duy trì lệnh « truy sát » bất chấp phê phán

565.806 người bán ma túy và nghiện ma túy ra trình diện, nghi can nằm chật nhà tù, không kể 800 người bị bắn chết, đó là tổng kết một tháng cầm quyền của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Đây chỉ là bước đầu của « cuộc chiến chống tội phạm » với mục tiêu sẵn sàng giết « 100.000 người cho cá ăn » để trong sạch hóa xã hội.

Tổng thống Philippines Duterte đọc diễn văn trước Quốc hội, Manila, ngày 25/07/2016
Tổng thống Philippines Duterte đọc diễn văn trước Quốc hội, Manila, ngày 25/07/2016 REUTERS
Quảng cáo

Trong diễn văn truyền thanh vào sáng Chủ nhật 07/08/2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra một danh sách đen gồm 7 thẩm phán và 25 chính trị gia có máu mặt từ dân biểu mới, cũ, thị trưởng và đại biểu địa phương mà theo ông có dính líu buôn bán ma túy. Tổng thống Philippines ra lệnh thu hồi súng, dẹp cận vệ và tất cả các nhân vật này phải đầu hàng nêu không ông sẽ cho cảnh sát « bắn chết hết ».

Với chủ trương « dùng bạo lực diệt bạo lực », tổng thống Philippines đề nghị tái lập án tử hình và nhất là công khai chống lưng cho cảnh sát bắn nghi phạm và khuyến khích dân chúng tham gia cuộc chiến mà ông gọi là liều thuốc hiệu nghiệm nhất để làm « trong sạch hóa xã hội rệu rã » của Philippines.

Tuy là luật sư xuất thân, nhưng tổng thống Philippines thẩm định « tuân thủ pháp luật không còn là nguyên tắc ».

Theo đài truyền hình ABS-CBN, từ khi ông Rodrigo Duterte đắc cử , 852 nghi can « ma túy hay bất hảo » bị bắn chết.

Chính sách dùng bạo lực của tổng thống Duterte đã được báo trước và thực hiện từ thời ông làm thị trưởng thành phố Davao. Trong 20 năm , ông bị giới bảo vệ nhân quyền tố cáo ủng hộ các « lữ đoàn tử thần », sát hại ít nhất 1000 người.

Bị Liên Hiệp Quốc chỉ trích, ông Duterte khẳng định là « ông bất chấp vì nhân quyền không có chỗ đứng trong chính sách trong sạch hóa xã hội ». Ông còn dám tuyên bố là để thực hiện mục tiêu này « sẽ có 100.000 xác người nằm chật thủ đô Manila và sẽ được vất xuống biển để nuôi cá ».

Theo giới quan sát, tác phong « nghĩ sao nói vậy » của tổng thống Duterte lúc còn là ứng cử viên rất hợp ý với dân chúng bình dân tin tưởng vào công lý « có tội đền tội ». Tuy nhiên, một tháng sau, trong số cử tri bầu cho ông đã có người bị chết oan vì mũi súng của những kẻ được gọi là « hiệp sĩ » như trường hợp của Michael Siaron, một người đạp xích-lô, thân thể bị chặt ra từng mảnh, kèm theo bản cáo trạng hai chữ : buôn ma túy. Ông Duterte không một chút xúc động mà còn so sánh hình ảnh người vợ ôm xác chồng, đăng trên báo, với bức danh họa Thánh nữ Maria ôm xác chúa Jesus của Michel Ange.

Làn sóng bạo lực vô giới hạn này đã làm cho hàng trăm ngàn người nghiện ma túy và con buôn ma túy ra trình diện để không ăn đạn một cách bất ngờ. Theo nguồn tin cảnh sát, 565.806 người đã đầu thú, với hệ quả là nhà giam đầy ấp tù nhân, trong số này có người còn mang chiếc vòng đeo tay có tên « Rodrigo Duterte » được tặng trong mùa bầu cử.

Thứ Tư tuần trước, Cơ quan Liên Hiệp Quốc chống ma túy và tội ác ONUDC cùng với nhiều tổ chức nhân quyền lên án tổng thống Duterte gây ra làn sóng bạo lực tại Philippines. Nhưng, một lần nữa, những lời kêu gọi giảm bạo lực đã bị gạt qua một bên với lý do « dân Philippines đòi công lý ».

Liệu tình trạng này kéo dài đến bao giờ ? Tổng thống Philippines cho biết « lệnh truy sát sẽ kéo dài cho đến khi (ông) hết nhiệm kỳ, nếu còn sống ». Cho đến nay, chính sách trấn áp dường như vẫn còn hấp dẫn một bộ phận dân chúng công giáo sẵn sàng tha thứ cho ông.

Tuy nhiên, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Philippines, Đức Cha Socrate Villegas, trong thông điệp gửi toàn Giáo Hội, khẩn thiết kêu gọi dân chúng Philippines tố cáo tệ nạn giết người hiện nay : « Tôi chỉ là con người. Đó là những gì cần thiết để đứng dậy và nói : hãy dừng lại đi ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.