Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ĐẦU TƯ

Có nên sợ tiền của Trung Quốc ?

Tham vọng ngày càng lớn của các nhà đầu tư Trung Quốc đang khiến châu Âu lo ngại. Bằng chứng cụ thể và gần đây nhất là chính quyền Anh tuyên bố lùi ngày đưa ra quyết định có xây dựng hay không dự án nhà máy điện hạt nhân tại Hinkley Point (miền nam nước Anh), trong đó có vốn đầu tư của Trung Quốc. Nhật báo công giáo La Croix đặt câu hỏi lớn trên trang nhất số ra ngày 02/08 : « Liệu có nên sợ tiền của Trung Quốc ? »

Thủ tướng Pháp Manuel Valls (T) đón thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và phu nhân tại sân bay Toulouse-Blagnac, Pháp, ngày 02/07/2015.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls (T) đón thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và phu nhân tại sân bay Toulouse-Blagnac, Pháp, ngày 02/07/2015. REUTERS/Pascal Pavani
Quảng cáo

Châu Âu hiện trở thành miếng bánh hấp dẫn đối với Trung Quốc và chiếm đến 20% tổng đầu tư của Bắc Kinh ra nước ngoài. Pháp cũng không nằm ngoài xu thế này, thậm chí trở thành thị trường đầu tư lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Ý, nhưng đứng trước cả Đức và Anh.

Theo La Croix, những « phi vụ » lớn của Trung Quốc tại Pháp tập trung vào ngành du lịch-khách sạn : khách sạn Marriot nổi tiếng trên đại lộ Champs-Elysée có cổ phần của một quỹ đầu tư của Hồng Kông từ năm 2014, câu lạc bộ nghỉ dưỡng Club Med được tập đoàn Phục Tinh (Fosun) đầu tư năm 2015, tập đoàn Louvre Hôtels từ năm 2015 có vốn của tập đoàn khách sạn Cẩm Giang (Jin Jiang). Cẩm Giang không giấu tham vọng trở thành cổ đông số 1 của tập đoàn Accor (sở hữu Ibis, Novotel, Sofitel), đứng đầu châu Âu về lĩnh vực khách sạn.

Ngoài ra, còn phải kể đến khoản đầu tư vào sân bay Toulouse-Blagnac của tập đoàn Symbiose vào năm 2015). Năm 2014, nhà sản xuất xe hơi Đông Phong (Dongfeng) đã có được 14% vốn của tập đoàn Pháp Peugeot. Cuối cùng phải kể đến tham vọng kiểm soát Servair, một chi nhánh của tập đoàn Air France, của tập đoàn HNA, chuyên về sửa chữa cảng hàng không.

Trong vòng một năm, số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Pháp tăng gần gấp 3 lần : từ 1,2 tỉ đô la vào năm 2014 lên 3,2 tỉ đô la vào năm 2015. Trên quy mô châu Âu, số tiền đầu tư cũng tăng : từ 16 tỉ đô la vào năm 2014 lên 20 tỉ đô la vào năm 2015 và 54 tỉ đô la chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2016.

Xu hướng này không khiến các chuyên gia ngạc nhiên và theo đánh giá của họ, sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Lý giải xu hướng đầu tư ồ ạt ra nước ngoài, chủ tịch Asia Centre giải thích : Trong vòng nhiều năm, Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng với hai con số và trở thành công xưởng của thế giới. Để đáp ứng được nhu cầu vật liệu, trong giai đoạn đầu, Bắc Kinh ưu tiên đầu tư vào các nước đang phát triển, chủ yếu là ở châu Phi.

Bước tiếp theo bắt đầu khi Trung Quốc chuyển các nhà máy ra nước ngoài hay thuê lại các công ty nước ngoài gia công để tận dụng nguồn nhân công rẻ, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Và bước thứ ba đang được tiến hành : chính quyền Bắc Kinh định hướng lại mô hình tăng trưởng, thiên về giá trị thặng dư và dịch vụ hơn.

Theo nhà nghiên cứu Philippes Le Corre, thuộc Viện Brookings tại Washington, làn sóng đầu tư bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã tận dụng được cơ hội đồng euro giảm giá. Trước đó, chỉ có vài văn phòng đại diện và một quỹ đầu tư, China International Corporation, của Trung Quốc thật sự hoạt động tại châu Âu. Thế nhưng hiện nay, công ty Trung Quốc có mặt ở mọi lĩnh vực, mọi « phi vụ » và tại khắp các nước châu Âu.

Bài xã luận của La Croix nhận định các nước phương Tây phải quản lý được các dự án đầu tư ồ ạt ra nước ngoài của Trung Quốc. Dù những khoản đầu tư đó vẫn chưa phải rất lớn, nhưng tại Hoa Kỳ, cũng như tại châu Âu, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hoạt động để chiếm được thị phần trong các lĩnh vực vật liệu, đất đai, các ngành công nghiệp và công nghệ.

Điều trái ngược là dù tích cực đầu tư ra nước ngoài, Bắc Kinh lại tỏ ra ít cởi mở hơn ngay trên sân nhà bằng cách ban hành những quy định chặt chẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Vậy có nên sợ Trung Quốc ? Không trả lời trực tiếp câu hỏi của La Croix, nhưng một chuyên gia luật trấn an : « Mỗi hồ sơ cần được nghiên cứu cận thận để đảm bảo được tính liên kết, minh bạch, hiệu quả đối với việc làm, đảm bảo lợi ích quốc gia… Thay vì phản ứng ngay lập tức, nước Pháp nên tỏ rõ ý kiến của mình về vấn đề này ».

Philippines : Cuộc chiến chống ma túy giết cả người vô tội

Trong vòng chưa đầy hai tháng kể từ cuộc bầu cử tổng thống, số lượng người chết ngoài đường phố tại Philippines tăng đáng kể. Cảnh sát được phép giết chết bất kỳ cá nhân nào được cho là buôn bán ma túy, trong khi Giáo hội cố phản đối những vụ thanh trừng như vậy. Truyền thông Philippines thường đưa hình ảnh những xác chết bị bắn hạ vì buôn bán ma túy. Những hình ảnh này đang chia rẽ người dân đảo quốc.

Thực tế đáng ngại trên được báo La Croix nêu bật trong bài viết : « Tại Philippines : Cuộc chiến chống buôn bán ma túy giết cả người vô tội ».

Cảnh sát thuộc các « barangay », đơn vị hành chính nhỏ nhất tại Philippines, được phép lập danh sách những nghi phạm buôn bán ma túy và họ được phép giết chết những người có tên trên danh sách nhân danh « tự vệ chính đáng » và vì chiến dịch chống buôn bán ma túy do tân tổng thống Rodrigo Duterte phát động.

Chính quyền khẳng định hơn 200.000 người nghiện và buôn bán ma túy đã ra tự thú từ khi tung ra chiến dịch và hơn 4.300 người đã bị tạm giam trong khi chờ xét xử. Tình trạng này khiến các nhà tù trở nên quá tải. Theo thống kê của chính phủ, số phạm nhân nhiều hơn gấp 5 lần số chỗ chứa.

Nhưng rất nhiều người vô tội cũng trở thành mục tiêu của cảnh sát hay các nhóm có vũ trang không rõ danh tính. Trước những vụ lạm dụng quyền lực như vậy, Giáo hội Philippines đã từng ra một chiến dịch nâng cao nhận thức với lời răn trong kinh thánh : « Con sẽ không giết người », vì theo đánh giá của cha Atilano Fajardo, người chủ trương chiến dịch trên, « 3-4% nạn nhân là người vô tội căn cứ vào những lời kể của các gia đình ». Về phần mình, ủy ban nhân quyền, được thành lập theo hiến pháp Phillipines, cũng tiến hành một cuộc điều tra về hàng trăm vụ lạm quyền giết người vô tội.

Cuba bị vạ lây vì khủng hoảng chính trị tại Venezuela

Mười năm sau kể từ ngày Fidel Castro chuyển gia quyền lực cho người em là Raul Castro (31/07/2006-31/07/2016), kinh tế Cuba bên bờ suy thoái. Cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị tại Venezuela có nguy cơ tác động mạnh lên đảo quốc nhỏ bé này, vốn dĩ lệ thuộc khá nhiều vào Caracas trên phương diện dầu hỏa. Trên đây là nhận định của nhật báo Le Monde trong bài viết đề tựa : « Cuộc khủng hoảng tại Venezuela đang kéo Cuba vào vòng suy thoái ».

Bóng suy thoái chập chờn gợi lại giai đoạn những năm 1990, khi Liên Xô sụp đổ, không còn cung cấp viện trợ dẫn đến tình trạng suy sụp nền sản xuất và mức sống của người dân Cuba, và suýt chút nữa gây ra nạn đói.

Vào đầu tháng 07/2016, chủ tịch Raul Castro thừa nhận khủng hoảng Venezuela đã có những tác động tiêu cực lên đảo quốc. Lượng tiêu thụ nhiên liệu và điện tại những doanh nghiệp phi sản xuất bị giảm đến 50%.

Nguyên nhân là do Venezuela, đối tác quan trọng nhất của Cuba, đã cắt giảm nguồn cung cấp dầu hỏa xuống đến một nửa. Theo thỏa thuận, mỗi ngày Caracas cung ứng đến 105.000 thùng dầu đổi lấy các dịch vụ y tế từ Cuba. Nay mức cung xuống còn 55.000 thùng, một mức cung gần đủ để đáp ứng nhu cầu thường nhật tại Cuba.

Nhà máy lọc dầu Cienfuegos, món quà tặng mà ông Hugo Chavez dành cho Fidel Castro, đang gặp khủng hoảng. Lương các bác sĩ Cuba tại Venezuela cũng bị giảm. Trao đổi mậu dịch đôi bên có lẽ sẽ giảm đến 20%.

Venezuela đã thay thế Nga làm đồng minh kinh tế chính với chế độ anh em nhà Castro. Theo các ước tính của kinh tế gia Pavel Vidal Alejandro, khủng hoảng kinh tế - chính trị Venezuela có lẽ sẽ khiến kinh tế Cuba không tăng trưởng, thậm chí giảm, và sau đó là một vòng suy thoái 2,9% vào năm 2017. Điều này có nghĩa là lần đầu tiên trong vòng 24 năm qua (tính từ "giai đoạn đặc biệt", hậu Xô Viết), tổng thu nhập quốc dân GDP bị suy giảm.

Mùa du lịch 2016 : Paris vắng khách, các vùng nhộn nhịp 

Trái với mọi năm, ngành du lịch-khách sạn của Paris đang phải đối mặt với lượng khách nước ngoài giảm đáng kể, giảm 32% trong vòng 2 tuần cuối tháng Bẩy. Trong khi đó, theo Les Echos, các phòng nghỉ tại nhà dân và các khách sạn nằm giữa thiên nhiên tại những vùng khác trên nước Pháp lại kín khách. Hình thức này đang được người Pháp ưa chuộng.

Nhật báo Le Figaro cũng có cùng nhận định với Les Echos khi cho biết các khách sạn tại Pháp vừa trải qua một tháng Bẩy không khả quan. Thu nhập trung bình trên quy mô toàn quốc giảm 5,5%, riêng tại Paris, con số này giảm đến 14,8% và 14,3% tại Nice do xảy ra khủng bố đêm Quốc Khánh 14/07.

Vẫn vì lý do khủng bố, lượng du khách nước ngoài đến Pháp giảm hẳn sau loạt tấn công tại Paris ngày 13/11/2015. Hơn nữa, tình trạng khẩn cấp kéo dài đến đầu năm 2017 cũng là một lý do khiến du khách Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, thường rất nhạy cảm về vấn đề an ninh, « ngại » đến Pháp.

Tuy nhiên, nhật báo Le Figaro khẳng định « Châu Âu vẫn thu hút khách du lịch ». Với người Pháp, các địa điểm du lịch được ưa chuộng mùa hè năm nay là Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý và Bồ Đào Nha.

Lời chào đầu tiên từ Internet

Trong loạt bài mùa hè về « 10 ngày làm thay đổi ngành khoa học », nhật báo Les Echos trở lại ngày 29/10/1969 khi một sinh viên đại học California ở Los Angeles, làm việc cho các dự án nghiên cứu được quân đội Hoa Kỳ tài trợ, đã gửi cho một sinh viên của đại học Stanford một tin nhắn đầu tiên thông qua mạng Arpanet, thủy tổ của internet ngày nay.

Tin nhắn chỉ gồm đúng hai từ L O, sau đó hệ thống bị treo. Phải mất hai tiếng sau, toàn bộ nội dung tin nhắn mới đến « tay » người nhận. Một tháng sau cuộc trao đổi đầu tiên này, hai trường đại học đã kết nối với nhau qua mạng Arpanet. Trong vòng một năm, 20 trường đại học đã kết nối mạng với nhau và 10 năm sau, lên đến 200 trường. Internet đã ra đời !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.