Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - TÂY TẠNG

Quốc tế kêu gọi Trung Quốc ngừng phá hủy tu viện Tây Tạng ở Tứ Xuyên

Ngày 26/07/2016, một số tổ chức quốc tế bảo vệ văn hóa của người Tây Tạng kêu gọi chính quyền Bắc Kinh ngừng chiến dịch phá hủy nhà ở của các tăng ni, thuộc Học viện Phật giáo Tây Tạng Larung Gar, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Cảnh phá hủy ở Larung Gar, trung tâm Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới. Ảnh ngày 21/07/2016.
Cảnh phá hủy ở Larung Gar, trung tâm Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới. Ảnh ngày 21/07/2016. @freetibet
Quảng cáo

Theo hiệp hội Phong trào Quốc tế vì Tây Tạng (International Campaign for Tibet - ICT), có trụ sở tại Hoa Kỳ và nhiềuchi nhánh tại châu Âu, kể từ tuần trước, chính quyền Trung Quốc bắt đầu phá hủy nhiều khu phố thuộc Học viện Phật giáo Larung Gar. Còn theo tổ chức phi chính phủ Free Tibet, vào tháng trước,  khoảng 10.000 nhà tu hành thuộc học viện này đã bị trục xuất.

Chủ tịch Phong trào Quốc tế vì Tây Tạng tố cáo : các biện pháp phá hủy này nằm trong chính sách đàn áp tự do tôn giáo nói chung của Bắc Kinh, chiến dịch nguy hiểm này cho thế giới bên ngoài thấy rõ quyền tự do tôn giáo tại Trung Quốc đang bị đe dọa đến mức nào.

Tu viện Larung Gar, được thành lập năm 1980 tại một thung lũng hẻo lánh ở độ cao 4.000 mét, đã nhanh chóng trở thành một trong các trung tâm Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới. Hàng ngàn tăng, ni và học viên sống trong những căn nhà nhỏ bằng gỗ trên các quả đồi bao quanh trung tâm.

Trả lời AFP, một giới chức địa phương cho biết từ nay đến tháng 9/2016, chính quyền có kế hoạch phá hủy hơn một trăm ngôi nhà, sau đó các tăng ni có thể được ở tại một số chung cư mới. Cũng theo giới chức này, việc phá hủy nhằm mục tiêu « phòng hỏa hoạn » đã được sư tăng « hợp tác tích cực ».

Tại khu tự trị Tây Tạng Serthar (tỉnh Tứ Xuyên), nơi tọa lạc của tu viện Larung Gar, từng diễn ra nhiều cuộc biểu tình vì tự do tôn giáo hồi đầu năm 2012. Công an Trung Quốc đã nổ súng vào đoàn biểu tình, khiến ít nhất một người thiệt mạng.

Nhà sư sáng lập tu viện Khenpo Jigme Phuntsok, qua đời năm 2004, vừa duy trì quan hệ tốt với chính quyền, nhưng vẫn gắn bó với Đạt Lai Lạt Ma. Năm 2001, Học viện Phật giáo Larung Gar từng có nguy cơ bị xóa sổ khi cảnh sát dùng vũ lực trục xuất hàng trăm tăng ni, phá hủy hơn 1.000 nơi ở. Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc gây áp lực buộc các tu sĩ phải ký giấy tố cáo đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhà sư Phuntsok bị giam cầm trong một năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.