Vào nội dung chính
CAM BỐT - ĐỐI LẬP

Cam Bốt : Chính phủ bóp nghẹt ý kiến chỉ trích

Cam Bốt, một vương quốc pha trộn giữa nền « quân chủ độc tài tham nhũng » và một quốc gia cố thể hiện có nền dân chủ từ 31 năm nay. Và dưới sự cai trị của chế độ chuyên chế của thủ tướng Hun Sen, Cam Bốt dường như chỉ biết đến một triều đại : đó là triều đại thiếu vắng tính nghiêm trị. Đây là nhận định của nhật báo Le Monde trong số đúp ra ngày 24 và 25/07/2016, dưới dòng tựa : « Chính quyền Cam Bốt bóp nghẹt ý kiến chỉ trích ».

Hàng chục nghìn người Cam Bốt đã tiễn đưa nhà đối lập Kem Ley, bị sát hại ngày 10/07/2016, về nơi an nghỉ cuối cùng ngày 24/07 tại Phnom Penh.
Hàng chục nghìn người Cam Bốt đã tiễn đưa nhà đối lập Kem Ley, bị sát hại ngày 10/07/2016, về nơi an nghỉ cuối cùng ngày 24/07 tại Phnom Penh. REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

Do sức ép từ sau chiến thắng sát nút với phe đối lập vào năm 2013, đảng Nhân Dân Cam Bốt của thủ tướng Hun Sen đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc Hội và địa phương vào năm 2017 và 2018. Vụ ám sát nhà đối lập Kem Ley vào ngày 10/07 ngay giữa thủ đô Phnom Penh chỉ là sự kiện mới nhất để dập tắt những ý kiến chỉ trích chính phủ.

Trước đó, tháng 10/2003, Chuor Chetharith, giám đốc truyền thông đài phát thanh Ta Prohm đã bị hai người đàn ông đi xe máy tông chết. Ngày 26/04/2012, Chut Wutt, một nhà đấu tranh vì môi trường, bị giết ở phía tây nam Cam Bốt. Cả hai vụ này vẫn là một ẩn số.

Ông Kem Ley, 45 tuổi, một nhà bình luận, nghiên cứu và là một người nổi tiếng trong xã hội dân sự, bị một người đàn ông dùng súng bắn chết trong một trạm xăng khi đang uống cà phê vào lúc 9 giờ sáng. Theo Le Monde, vụ ám sát mang tính chính trị song được biến thành một vụ thanh toán vì nợ nần. Thủ phạm bị bắt và thú nhận giết Kem Ley vì món nợ 3.500 đô la không đòi được.

Lời thú tội được đánh giá là khó tin. Vợ của thủ phạm thì khẳng định chồng bà quá nghèo để có tiền cho vay. Còn người vợ góa của nhà đối lập thì khẳng định chồng bà chưa bao giờ vay ai một xu và gia đình không cần tiền.

Ngay sau vụ án, các đối thủ của thủ tướng Hun Sen đã nhanh chóng đả kích hệ thống điều hành của người đứng đầu chính phủ, trong đó phải kể đến cáo buộc của ông Sam Rainsy, chủ tịch đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt : « Vì Kem Ley là một mối nguy hiểm chính trị cho chính phủ, nên chính quyền đã thuê sát thủ ám sát ông ».

Thảm kịch cũng khiến giới bảo vệ nhân quyền và đối lập sửng sốt. Vì Kem Ley bị sát hại chỉ hai ngày sau khi một tổ chức phi chính phủ Anh công bố bản báo cáo cáo buộc gia đình thủ tướng Hun Sen có rất nhiều vốn trong các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước và nhà đấu tranh Kem Ley đã bình luận nghiêm khắc về chủ đề này. Còn ông Chak Sopheap, điều hành Trung tâm Nhân Quyền Cam Bốt, thì cho rằng « Vụ ám sát diễn ra trong bối cảnh người ta nhận thấy có nhiều biện pháp đàn áp xã hội dân sự và đối lập chính trị trong khi sắp diễn ra các kỳ bầu cử ».

Liệu đảng cầm quyền tại Cam Bốt đang quyết định loại các đối thủ của mình ? Phải chăng nhà phê bình bị sát hại vì « Kem Ley là một người biết nói tiếng nói của người dân và có óc hài hước không hợp gu các nhà lãnh đạo », theo nhận định của một dân biểu thuộc đảng Cứu Nguy Dân Tộc đối lập ? Đảng này cũng là một trong những mục tiêu trấn áp của thủ tướng Hun Sen, mà đại diện là người đứng đầu Sam Rainsy, từng phải trốn sang Pháp vào tháng 11/2015, sau khi giành được nhiều ý kiến ủng hộ trong các chiến dịch tranh cử năm 2013.

Tính đến hiện nay, vẫn còn 26 chính trị gia và nhà đấu tranh vì nhân quyền đang bị cầm tù tại Cam Bốt. Thế nhưng, ông Sok Eysan, phát ngôn viên của đảng Nhân Dân Cam Bốt thì khẳng định : « Đó không phải là tù chính trị, tất cả những người này đều phạm tội và phải bị trừng phạt ! » Nhận định về vụ ám sát Kem Ley, ông lại cho rằng « chính phủ không liên can đến vụ ám sát mà vụ này dường như đã được dàn dựng để trách nhiệm đổ lên đầu chính phủ ».

Nhận xét về thủ tướng Hun Sen, trong cuốn sách Hun Sen’s Cambodia (Nước Cam Bốt của ông Hun Sen, được phát hành năm 2014), nhà báo Sebastian Strangio khẳng định : « Hun Sen là một nhà ảo thuật đại tài biết dựng nên hình ảnh một nền dân chủ nhưng đằng sau lại điều hành đất nước bằng bàn tay thép ». Còn theo ý kiến của một người Pháp đang sống tại Phnom Penh, « Phương pháp của Hun Sen, chính là mua chuộc hoặc trừ khử ».

Thái Lan : Hoàng gia khó xử vì ảnh hoàng tử kế nghiệp ăn mặc lố lăng

Le Monde tiếp tục quan tâm đến châu Á với sự kiện thái tử kế nghiệp Thái Lan xuất hiện tại sân bay München (Đức) lên chiếc phi cơ riêng, trong trang phục lố lăng, không thích hợp với vị trí của người kế vị. Bức hình được những tay săn ảnh của tờ Bild(Đức) ghi lại và đang được lan tải với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội bất chấp việc kiểm soát nghiêm ngặt những vụ việc liên quan đến hoàng gia Thái.

Thông tín viên của báo Le Monde tại Bangkok cũng không dám miêu tả chi tiết bức hình, vì luật khi quân tại Thái Lan có thể kết án đến 15 năm tù giam những cá nhân xúc phạm nhà vua và hoàng tộc. Chính hình phạt này khiến các nhà báo nước ngoài tự kiểm duyệt bài viết của mình nếu không sẽ bị trục xuất.

Thái tử Maha Vajiralongkorn, 63 tuổi, sẽ là người kế vị quốc vương Bhumibol, 88 tuổi, đang trong tình trạng sức khỏe nguy kịch. Tờ Le Monde cho biết, thái tử Thái Lan sống phần lớn thời gian trong năm tại bang Bayern, Đức, với người tình mới là một cựu nữ phi công của hãng hàng không Thai Airways.

Thái tử là một trong những người gây nhiều tai tiếng tại Thái Lan. Ngay cả trong hoàng cung, không phải ai cũng có thiện cảm với người kế vị tương lai, được đánh giá là một tay ăn chơi (playboy), dù đã 63 tuổi.

Nhiều người tự hỏi liệu hình ảnh trên được công bố để nhằm làm mất uy tín về nhân cách của người sắp kế vị. Ai cũng biết là cựu thủ tướng Prem Tinsulanonda, 95 tuổi, hiện đang làm chủ tịch Hội Đồng Tư Vấn Quốc Vương, một cơ quan đầy quyền lực, kịch liệt phản đối thái tử Maha kế nghiệp.

Vụ viêc loan tải bức hình trên có lẽ sẽ không um sùm như vậy nếu cảnh sát không thẩm vấn vợ, người Thái Lan, của nhà báo người Scotland Andrew Mac Gregor Marshall, từng sống tại Bangkok. Và từ nước ngoài, ông không ngừng châm chọc hoàng gia Thái. Sau nhiều giờ bị thẩm vấn ngày 22/07, cuối cùng cô đã được thả khi chứng minh được rằng cô không xúi giục chồng đăng ảnh lên trang Facebook của nhà báo.

Từ tháng 05/2014, Thái Lan nằm dưới quyền kiểm soát quân sự. Đây là lần thứ 12 kể từ năm 1937, quân đội nắm quyền hành sau cuộc đảo chính và là lực lượng ủng hộ hoàng gia. Thế nhưng, dưới sự điều hành đất nước của quân đội, vài trò của hoàng gia ngày càng bị lu mờ.

Clinton-Trump : Cặp đôi chính thức trong cuộc đua vào Nhà Trắng

Bà Hillary Clinton thuộc đảng Dân Chủ và ông Donald Trump thuộc đảng Cộng Hòa chính thức trở thành đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11/2016.

Nhật báo kinh tế Les Echos đăng tựa lớn trên trang nhất : « Clinton-Trump, cặp đối thủ vào Nhà Trắng đã bắt đầu ». Ông « Donald Trump hứa lập lại trật tự tại Mỹ » là chủ đề trên trang nhất của nhật báo Le Figaro và ông muốn trở thành « chiến sĩ của dân tộc Mỹ ». Vì theo bài diễn văn đọc trong buổi bế mạc kỳ Đại Hội tại Cleveland, ứng viên chính thức của đảng Cộng Hòa đã phác họa hình ảnh ảm đạm của một nước Mỹ bị suy yếu vì nền kinh tế và bị bạo lực đe dọa.

Ông Donald Trump cũng khiến các đồng minh của Mỹ lo ngại, là tựa một bài viết trên tờ Le Monde. Khối NATO đã đau đầu về mối đe dọa Nga, những hệ quả của Brexit, tình hình bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ và bây giờ thêm « vấn đề về Trump » cùng với những tuyên bố của ứng viên đảng Cộng Hòa trên nhật báo New York Times ngày 20/07. Theo đó, nhà tỉ phú Mỹ lật lại vấn đề về sự cam kết cứng nhắc của nước mình trong việc bảo vệ các đồng minh. Ông còn nêu khả năng bãi bỏ những hiệp ước mà ông cho là « bất lợi ».

Chỉ còn « 100 ngày để chặn ông ta » là dòng tựa lớn của Libération, bên cạnh hình ảnh Donald Trump trên trang nhất. Theo nhật báo thiên tả, giờ chỉ còn bà Hillary Clinton là người có thể ngăn người đàn ông này trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Thế nhưng, bà Hillary Clinton, ứng viên đảng Dân Chủ, cũng đang phải vận động để giành thêm được sự ủng hộ của cử tri. « Hillary Clinton đối mặt với những bất bình phía đảng Dân Chủ » là tựa trên trang nhất nhật báo Le Monde, đặc biệt là đối với một bộ phận đảng viên yêu cầu bà phải tỏ ra thiên tả hơn nữa. Đại hội đảng Dân Chủ sẽ diễn ra vào tuần này, nhưng cựu phu nhân Mỹ đã có chút thay đổi khi giới thiệu ông Tim Kaine, thượng nghị sĩ bang Virgina, sẽ đứng trong liên danh với bà. Với ông Tim Kaine, ứng viên đảng Dân Chủ hy vọng sẽ hạn chế số lượng cử tri nam có nguy cơ bị mất về tay đối thủ đảng Cộng Hòa.

Đêm kinh hoàng tại Munchen, Đức

Nỗi sợ vẫn lan tỏa trong cộng đồng người dân bang Bayern, Đức, sau hai vụ tấn công xảy ra liên tiếp trong vòng một tuần.

Trang nhất của Le Monde chạy tựa lớn : « Sự sợ hãi và những câu hỏi tại Đức sau đêm kinh hoàng tại München ». Tối thứ Sáu 22/07, một thanh niên 18 tuổi mang hai quốc tịch Đức và Iran đã xả súng gần một trung tâm thương mại tại München (Munich) khiến 9 người chết và 16 người bị thương. Đây là một cú sốc lớn cho người dân Đức, thêm vào đó là sự kiện cảnh sát đã phong tỏa thành phố với khoảng 1,3 triệu dân trong vòng nhiều giờ.

« Xúc động và bất ngờ về vụ thảm sát tại München, nước Đức tranh luận về tình hình an ninh » là thông tin trên nhật báo kinh tế Les Echos. Dù động cơ của thủ phạm vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhưng một điều chắc chắn là thanh niên này đang được điều trị tâm thần, và đã lên kế hoạch tấn công từ một năm nay.

Nhật báo công giáo La Croix nhận định : « Nước Đức giữ bình tĩnh trước tình trạng bạo lực ». Theo thói quen, thủ tướng Đức Angela Merkel thận trọng, không đưa ra phản ứng ngay lập tức. Xuất hiện trước báo giới đầy xúc động, bà tưởng niệm các nạn nhân và ca ngợi công việc của lực lượng an ninh trong « đêm kinh hoàng » đó. Bộ trưởng Nội Vụ Thomass de Maizière, trên nhật báo Bild, đánh giá cần phải thắt chặt quy chế quản lý vũ khí, vì kẻ xả súng ở  München đã mua được một khẩu súng lục và đạn một cách bất hợp pháp.

Pháp : Chính quyền các thành phố tăng cường an ninh sau khủng bố

Cùng với Đức, Pháp cũng là nạn nhân của nhiều vụ khủng bố, mà gần đây nhất là vụ tấn công bằng xe tải trên đại lộ Promenade des Anglais, ở thành phố Nice, trong đêm Quốc Khánh 14/07.

Les Echos cho biết các thị trưởng Pháp sẵn sàng đảm bảo an ninh cho thành phố mình, như dựng rào cản, lắp camera thông minh theo dõi… Vì các thị trưởng lo ngại việc « Nhà nước đổ trách nhiệm cho mình trong lĩnh vực an ninh », theo nhận định của chủ tịch Hiệp hội các thị trưởng Pháp, François Baroin, thuộc đảng Những Người Cộng Hòa. Vấn đề an ninh trong cuộc tấn công ở Nice vẫn là chủ đề gây tranh luận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.