Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - QUÂN SỰ

Quân khu miền Nam Trung Quốc phô trương vũ khí mới

Theo hãng tin Ấn Độ PTI, ngày 22/07/2016, Bộ chỉ huy Khu quân sự chiến lược miền Nam Trung Quốc vào hôm qua đã phô trương một loạt vũ khí mới, trong đó có cả các loại tên lửa tầm xa. Đây là một động thái rõ ràng nhắm mục đích thị uy, vì cùng một lúc, nhiều lãnh đạo cao cấp đã kêu gọi quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết bác bỏ « quyền lịch sử » của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tên lửa DF-16 được Trung Quốc cho ra mắt trong cuộc duyệt binh tháng 9/2015.
Tên lửa DF-16 được Trung Quốc cho ra mắt trong cuộc duyệt binh tháng 9/2015. Ảnh : Wikipedia
Quảng cáo

Nhân chuyến thị sát của nhiều lãnh đạo quân sự cao cấp, Khu quân sự chiến lược miền Nam của Quân Đội Trung Quốc, phụ trách mặt trận Biển Đông, đã giới thiệu một loạt vũ khí mới dùng trên biển và trên không. Hình ảnh về các loại vũ khí này được trình chiếu trên truyền hình nhà nước.

Khu quân sự chiến lược miền Nam (Trung Quốc gọi là « Chiến Khu Nam Bộ ») vừa được thành lập đầu năm 2016, trên cơ sở sát nhập quân khu Quảng Châu và một phần của quân khu Thành Đô cũ. 

Theo giới chuyên gia quân sự, động thái phô trương hiếm hoi này không ngoài mục tiêu cho thấy rằng Khu quân sự vừa được thành lập này đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ một vụ đối đầu quân sự nào với Mỹ.

Việc phô trương vũ khí diễn ra nhân chuyến ghé thăm của nhân vật lãnh đạo thứ hai trong quân đội Trung Quốc là tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Theo Tân Hoa Xã, tướng Phạm Trường Long đã kêu gọi quân đội nhận thức rõ các « mối đe dọa hiện thời đối với chủ quyền, an ninh và lợi ích của Trung Quốc ».

Tháp tùng tướng Phạm Trường Long, còn có tướng Mã Hiểu Thiên (Ma Xiaotian), tư lệnh Không Quân, và tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), chỉ huy lực lượng tên lửa.

Một chuyên gia phân tích quân sự tại Bắc Kinh nhận định : « Tất cả các loại vũ khí được cho thấy trên các phương tiện truyền thông nhà nước là loại vũ khí phòng thủ tầm ngắn và tầm trung, phạm vi hoạt động lên đến 1.500 km. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sử dụng chiến lược răn đe hạn chế để cảnh cáo Mỹ là không nên thách thức Bắc Kinh ở Biển Đông ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.