Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - TRUNG QUỐC - PHILIPPINES

Biển Đông : Philippines chịu bị Trung Quốc bắt bí để có dầu khí?

Phán quyết ngày 12/07/2016 vừa qua của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã khẳng định quyền Philippines được hưởng tại khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) được cho là giàu tiềm năng dầu khí. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn bác bỏ phán quyết quốc tế, cho rằng Biển Đông vẫn thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Bản đồ Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đang có tranh chấp với Trung Quốc.
Bản đồ Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đang có tranh chấp với Trung Quốc. (@wikipedia.com)
Quảng cáo

Phải đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng để phát triển, tại Philippines đang có xu hướng sẵn sàng bắt tay với Trung Quốc để cùng khai thác nguồn dầu khí tại vùng bị Bắc Kinh tranh chấp.

Theo hãng Reuters ngày 22/07/2016, với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, Philippines sẽ ngày càng phải nhập khẩu thêm nhiên liệu, trong lúc nguồn cung cấp chính của nước này đang càng lúc càng cạn kiệt. Do vậy, Manila rất muốn khai thác các mỏ dầu khí nằm ngoài Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Một trong những khu vực này là Bãi Cỏ Rong, tên quốc tế là Reed Bank, nằm cách bờ biển Philippines 85 hải lý.

Philippines hiện đang dựa vào khu mỏ khí đốt Malampaya chẳng hạn, ở ngoài khơi Philippines trong vùng không bị tranh chấp, cung cấp 40% năng lượng cho hòn đảo chính Luzon, nơi có thủ đô Manila. Do tập đoàn Royal Dutch Shell khai thác, khu mỏ này bắt đầu hoạt động vào năm 2001, và đang bước vào giai đoạn cuối thời kỳ sản xuất.

Trong khi đó, theo công ty dịch vụ mỏ dầu Weatherford của Mỹ, chỉ riêng một lô tại vùng Reed Bank - như lô SC 72 - đã có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn hơn gấp ba lần trữ lượng của mỏ Malampaya.

Vấn đề đối với Philippines là cho đến nay, vùng Bãi Cỏ Rong, dù rất xa Trung Quốc, nhưng vẫn bị Bắc Kinh cho là của mình, và Trung Quốc đã không ngần ngại dùng võ lực xua đuổi các tàu khảo sát của Philippines đến thăm dò tại vùng này, đồng thời gây sức ép trên các công ty ngoại quốc khiến cho không hãng nào dám hợp tác với Manila để khai thác vùng Reed Bank.

Theo lời công nhận của ông Antonio Carpio, một thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines, thành viên đoàn luật gia nước này tham gia vụ kiện Trung Quốc tại La Haye, thì một yếu tố quan trọng thúc đẩy Philippines viện đến trọng tài quốc tế vào năm 2013 là các hành vi cản trở của Trung Quốc xung quanh vùng Reed Bank.

Ngày nay, Philippines đã thắng kiện, nhưng thái độ ngoan cố phủ nhận phán quyết quốc tế của Bắc Kinh tiếp tục là cản lực đối với Manila, vì trong thực tế, ngày nào mà Trung Quốc không chịu lùi bước, thì ngày đó không một hãng quốc tế nào dám lao vào khai thác vùng Reed Bank, trong lúc bản thân Philippines thiếu năng lực làm việc này.

Giải pháp gần như là duy nhất khả thi trong tình hình hiện nay đối với Manila có lẽ là bắt tay với các tập đoàn Trung Quốc để cùng khai thác. Giải pháp này đã từng có tiền lệ : Vào năm 2003, một thỏa thuận đồng hợp tác thăm dò vùng Bãi Cỏ Rong đã từng được ký kết giữa ba tập đoàn nhà nước PNOC của Philippines, CNOOC của Trung Quốc và PetroVietnam của Việt Nam. Đến năm 2008, thỏa thuận này không được Manila triển hạn sau những chỉ trích liên quan đến chủ quyền Philippines bị tổn hại.

Giờ đây, nhiều lãnh đạo ngành dầu khí Philippines đã cho rằng để tháo gỡ bế tắc, cần phải bắt tay trở lại với tập đoàn Trung Quốc CNOOC.

Trước mắt CNOOC chưa bình luận về những ước mong hợp tác do phía Philippines đưa ra, trong lúc bộ Ngoại Giao Trung Quốc vẫn tái khẳng định rằng Reed Bank là lãnh thổ Trung Quốc. Có điều là Bắc Kinh vẫn bắn tin cho biết là sẵn sàng tạm gác tranh chấp chủ quyền để đàm phán việc đồng khai thác.

Nếu khả năng hợp tác Philippines-Trung Quốc thành hiện thực, thì rõ ràng là Manila đã chấp nhận để cho Bắc Kinh bắt bí, vì lẽ theo phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, Trung Quốc không được phép cản trở các hoạt động của Philippines ở Reed Bank, một khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.