Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG

Các nhà sách Hồng Kông vẫn không ngán sợ Bắc Kinh

Các nhà sách ở Hồng Kông tiếp tục bán những cuốn sách chỉ trích chế độ Bắc Kinh, mặc dù 5 người trong số họ đã bị « mất tích ». Thái độ thách thức Trung Quốc được thể hiện qua hội chợ sách hàng năm ở Hồng Kông, khai mạc hôm nay. 

Jimmy Pang (G), giám đốc nhà xuất bản Subculture, nói chuyện với độc giả đến hội chợ sách Hồng Kông. Ảnh ngày 20/07/2016.
Jimmy Pang (G), giám đốc nhà xuất bản Subculture, nói chuyện với độc giả đến hội chợ sách Hồng Kông. Ảnh ngày 20/07/2016. Anthony WALLACE / AFP
Quảng cáo

Toàn bộ 5 nhân viên nhà sách bị « mất tích », mà thực tế là bị công an Trung Quốc bắt cóc, cuối năm 2015, trước khi xuất hiện trở lại ở Trung Hoa lục địa, đều làm việc cho nhà xuất bản « Mighty Current ». Nhà xuất bản này chuyên bán những tựa sách nói về đời tư của các lãnh đạo Trung Quốc và các vụ đấu đá nội bộ trong thượng tầng chế độ Bắc Kinh.

Một trong 5 người « mất tích » hiện vẫn còn bị giam. Một người khác thì hiện đã trở về Hồng Kông, và bất chấp lệnh cấm, đã công khai kể việc ông đã bị thẩm vấn suốt nhiều tháng trời mà không hề được gặp luật sư hoặc thân nhân.

Sau những vụ « mất tích » nói trên, một số nhà sách lớn ở Hồng Kông đã rút đi những tựa sách với nội dung có thể khiến chính quyền Bắc Kinh giận dữ. Các nhà sách độc lập cho hãng tin AFP biết là họ vẫn trữ những cuốn sách về đời tư các lãnh đạo Trung Quốc hay có nội dung chỉ trích Bắc Kinh, nhưng những cuốn sách này nay còn rất ít, vì các nhà xuất bản không muốn in ra nữa.

Tại hội chợ sách Hồng Kông hôm nay, giám đốc nhà xuất bản Subculture khẳng định : « Với tư cách một nhà xuất bản, tôi nghĩ là không nên lo sợ. Nếu chúng ta bắt đầu sợ là chúng ta thua ». Ông tuyên bố sẽ tiếp tục in các sách có nội dung chính trị, và lên án điều mà ông gọi là « khủng bố trắng », tức là những áp lực của Bắc Kinh lên các nhà xuất bản Hồng Kông. Theo lời giám đốc Subculture, nếu chính quyền Hoa lục quyết định cấm một cuốn sách nào, thì toàn bộ dây chuyền đều có thể gặp rắc rối, từ tác giả, nhà xuất bản, nhà phân phối, cho đến độc giả.

Tại hội chợ sách ở Hồng Kông hôm nay, AFP cũng đã gặp một tác giả viết sách chính trị đến đây để quảng bá một cuốn sách nói về quyền tự quyết của Hồng Kông, phản ánh xu hướng của ngày càng nhiều nhà hoạt động trẻ muốn đặc khu hành chính này thoát khỏi sự kiểm soát của Bắc Kinh. Vấn đề là một số tác giả nay không dám viết nữa và một số nhà xuất bản không dám ấn hành nữa.

Theo AFP, hội chợ sách Hồng Kông cho tới nay vẫn bán những sách bị cấm ở Trung Quốc và nhiều người Trung Quốc đã nhân dịp này đi sang Hồng Kông để có thể đọc các sách đó. Hội chợ Hồng Kông năm nay cũng không ra ngoài thông lệ này. Tại đây khách có thể mua được những cuốn sách về đời sống tình dục của các lãnh đạo Trung Quốc hoặc những sách cổ vũ cho phong trào đòi các quyền chính trị cho dân Hồng Kông. Một nhà sách cho biết là nhu cầu của khách từ Trung Quốc về những loại sách này không hề giảm. Nhưng vụ « mất tích » của 5 nhân vien nhà sách dầu sao cũng đã gây tác động nặng nề cho ngành xuất bản ở Hồng Kông, không ít nhà xuất bản cắt đứt mọi liên lạc với các tác giả hoặc không còn in ấn gì nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.