Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Cái bẫy của quy chế kinh tế thị trường

Đăng ngày:

Trung Quốc đã thất vọng vì vào giữa tháng 5/2016 Nghị Viện Châu Âu từ chối công nhận là một nền kinh tế thị trường. Quy chế đó là gì và có thực đấy là chìa khóa mở rộng thêm cửa cho hàng « made in China » vào châu Âu hay không ? Với Hoa Kỳ quy chế kinh tế thị trường là một công cụ tinh vi để vẫn có thể trừng phạt một đối tác áp dụng chính sách trợ giá.

Thủ tướng Trung Quốc tại thượng đỉnh Á -Âu, ASEM, Mông Cổ, ngày 15/07/2016.
Thủ tướng Trung Quốc tại thượng đỉnh Á -Âu, ASEM, Mông Cổ, ngày 15/07/2016. Reuters
Quảng cáo

Sau 15 năm gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, hy vọng được công nhận là « một nền kinh tế thị trường » của Bắc Kinh lại tiêu tan. Ngày 12/05/2016 với 546 phiếu thuận, Nghị Viện Châu Âu đã từ chối cấp cho Trung Quốc « thẻ thông hành » quý giá này để hàng của Trung Quốc dễ du nhập hơn nữa vào thị trường chung của 28 thành viên trong Liên Hiệp.

Theo quan điểm của Bruxelles, Bắc Kinh chưa hội tụ đủ năm điều kiện để được cấp quy chế kinh tế thị trường. Năm thiếu sót đó là : thứ nhất Nhà nước Trung Quốc còn trực tiếp can thiệp vào các hoạt động của nền kinh tế nước này. Thứ hai là khả năng sản xuất dư thừa quá lớn của Trung Quốc, thí dụ như là trong lĩnh vực công nghiệp luyện kim.

Thủ tướng TQ (giữa) tiếp lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu tại Bắc Kinh. Ảnh tháng 7/2016.
Thủ tướng TQ (giữa) tiếp lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu tại Bắc Kinh. Ảnh tháng 7/2016. Reuters

Châu Âu xem đây là mối đe dọa nhắm vào nhiều hoạt động kinh tế của châu lục này. Kèm theo đó là những tác động tai hại về mặt xã hội và đối với thị trường lao động trong lúc bản thân 28 nước thành viên đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ tiến trình phi công nghiệp hóa đến nạn thất nghiệp gia tăng.

Thứ ba là khả năng sản xuất dư thừa của Trung Quốc bắt nguồn từ chính sách trợ giá, không phản ánh đúng luật cung cầu của một nền kinh tế thị trường. Châu Âu cũng chỉ trích Bắc Kinh không phân phối một cách công bằng các phương tiện sản xuất, cụ thể là các tập đoàn Nhà nước dễ dàng huy động vốn, trong lúc khu vực tư nhân thì phải đi vay tín dụng với giá cao hơn. Đó là cơ sở thứ tư để Bruxelles chưa công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường.

Sau cùng, Liên Hiệp Châu Âu đòi Trung Quốc phải tôn trọng các quyền sở hữu, và chấp nhận mở cửa thị trường trên nguyên tắc có đi có lại. Châu Âu quan niệm thị trường của Trung Quốc còn quá khép kín với các nhà đầu tư phương Tây.

Hiện tại Bruxelles đang đâm đơn kiện phá giá đối với 73 mặt hàng, trong đó có tới 56 hồ sơ liên quan đến Trung Quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh thừa biết Liên Hiệp Châu Âu là một khối gồm 28 thành viên, và sẽ còn là 27 một khi Anh Quốc chính thức ra khỏi đại gia đình này, cho nên, mỗi người một ý. Nếu như Paris và Roma quyết liệt đòi Trung Quốc phải cải tổ thì ngược lại, thái độ của Berlin hay Amsterdam được coi là dễ dãi hơn một chút. Hà Lan chẳng hạn, lệ thuộc nhiều vào mức giao thương với Trung Quốc chủ yếu là qua cửa ngõ bến cảng Rotterdam.

Một công trình nghiên cứu của Viện Chính trị Kinh tế EPI chỉ ra rằng nếu như Trung Quốc được công nhận quy chế kinh tế thị trường, kim ngạch nhập khẩu của châu Âu với khách hàng Trung Quốc sẽ tăng mạnh. Sản xuất của châu Âu thì sẽ bị giả đi mất gần 230 tỷ euro một năm và sẽ có thêm từ 1,7 đến 3,3 triệu người lao động trên lục địa Già bị mất việc.

Hiệp hội AEGIS Europe đại diện 30 ngành nghề trong mạng lưới công nghiệp của châu Âu quan niệm « cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc đồng nghĩa với việc cấp giấy phép cho quốc gia này tự do áp dụng chính sách phá giá ».

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ, J.Lew trong đối thoại Mỹ Trung 2016.
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ, J.Lew trong đối thoại Mỹ Trung 2016. Reuters

Mỹ, « vỏ quýt dầy, móng tay nhọn»

Dù muốn hay không, đến cuối năm 2016 Tổ Chức Thương Mại Thế Giới cũng sẽ đưa chủ đề này ra thảo luận. Thế còn về phía Hoa Kỳ thì sao ? Mời quý thính giả theo dõi phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California.

Nguyễn Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ là quốc gia phát huy kinh tế thị trường, tức là Nhà nước không can thiệp vào giao dịch của thị trường mà để quy luật cung cầu được tự do vận hành. Từ triết lý kinh tế chính trị đó, Hoa Kỳ mới chấp nhận «quy chế tối huệ quốc» – sau này được gọi là «quy chế thương mại bình thường» – cho các quốc gia áp dụng quy luật tự do của thị trường.

Nhưng trong thời Chiến tranh lạnh, đạo luật thương mại của Hoa Kỳ từ năm 1974 đưa ra một số điều kiện đặc miễn cho các nước cộng sản theo kinh tế tập trung kế hoạch tức là không theo kinh tế thị trường khi mua bán với Hoa Kỳ. Trong mục tiêu chính trị, các điều kiện miễn cách đặc biệt ấy cho các nền kinh tế không theo quy luật thị trường vẫn được dễ dàng bán hàng vào Mỹ mà không bị rào cản về thuế nhập nội hay hạn ngạch.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Mỹ có thể bị thiệt hại vì hàng nhập vào thị trường nội địa quá rẻ hay được trợ giá từ các nền kinh tế phi thị trường. Do vậy Hoa Kỳ có thêm đạo luật cho phép các doanh nghiệp bị thiệt hại được quyền khiếu nại và có biện pháp trả đũa nếu chứng minh rằng họ bị cạnh tranh bất chính. Khi thương thuyết việc các nước gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế giới, OMC hay WTO, Hoa Kỳ có chấp nhận cho một số quốc gia được duy trì chế độ kinh tế phi thị trường trong một thời khoảng nhất định.

Nhưng trong thời khoảng đó, các quốc gia này vẫn có thể bị doanh nghiệp Mỹ khiếu nại và đòi áp dụng biện pháp trả đũa nếu chứng minh là họ bị thiệt hại. Thời gian ân hạn đó cho Trung Quốc sẽ kết thúc vào ngày 11/12/2016 tới đây và thời hạn cho Việt Nam sẽ kết thúc ngày 11 Tháng Giêng năm 2025.

RFI : Khi thương thuyết việc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Trung Quốc và Việt Nam đã yêu cầu Hoa Kỳ chấp nhận cho quy chế phi thị trường trong một khoảng thời gian nhất định, Trung Quốc được 15 năm và Việt Nam được 18 năm. Kỳ hạn 15 năm của Trung Quốc sẽ chấm dứt vào tháng 12/2016. Khi ấy tình hình sẽ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Các quốc gia này bị mắc bẫy mà cứ tưởng rằng khôn! Họ tưởng rằng khôn khi yêu cầu một thời gian chuyển tiếp để cải cách theo quy luật thị trường mà thật ra chẳng cải sửa gì vì Đảng và Nhà nước vẫn kiểm soát kinh tế để xây dựng chế độ tư bản Nhà nước và tiếp tục thao túng thị trường. Nhưng họ mắc bẫy vì khoản 15 trong Hiến ước gia nhập Tổ Chức Tự Do Thương Mại. Khoản 15 này quy định là trong thời gian đặc miễn, doanh nghiệp của các thành viên khác mà bị thiệt hại vì cạnh tranh bất chính thì có quyền khiếu nại và yêu cầu biện pháp trả đũa.

Khi chứng minh rằng họ bị thiệt hại thì các doanh nghiệp khỏi cần điều tra từng tiêu chuẩn rắc rối về hối đoái, lương bổng, việc trợ giá, v.v… mà chỉ áp dụng phép ứng trắc vào một nền kinh tế tương tự cũng đủ kết an. Và Trung Quốc hay thành viên vi phạm phải mất tiền chứng minh ngược lại, rằng họ không thao túng thị trường.

Đã vậy, từ năm 2012, giới luật sư Hoa Kỳ về thương mại còn tìm ra một cách suy diễn khoản 15 này: Sau thời gian đặc miễn, Hoa Kỳ và Liên Âu hay các thành viên khác mà bị thiệt hại vì cạnh tranh bất chính của chế độ kinh tế phi thị trường vẫn có thể kiện và đòi áp dụng biện pháp trả đũa. Khác biệt duy nhất là lần này thì họ phải gánh chịu việc chứng minh là có cạnh tranh bất chính.

RFI : Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ và các nước dân chủ Tây phương đều ngả theo quy chế thị trường và phát triển vững mạnh. Một số quốc gia chuyển hướng từ chế độ cộng sản ra thì áp dụng quy chế thị trường có chọn lọc để bảo vệ khu vực kinh tế của Nhà nước và yêu cầu được đặc miễn. Kết luận của anh là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Trung Quốc tưởng rằng đã có kinh tế đủ mạnh để xây dựng một trật tự mới có thể lật đổ và thay thế trật tự Tây phương, từ quân sự qua kinh tế. Sự thật thì bên trong họ vẫn chưa giải quyết được bài toán quản lý kinh tế, việc chuyển hướng hứa hẹn từ Hội nghị Ba của Ban Chấp Hành Trung Ương vào cuối năm 2013 còn bị đẩy lui và chế độ can thiệp mạnh hơn vào kinh tế như chúng ta vừa thấy trong lãnh vực tài chánh ngân hàng. Bên ngoài thì họ chẳng tôn trọng những cam kết quốc tế, điển hình là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Cho nên, nếu họ có bị hệ thống luật lệ rất tinh vi của Hoa Kỳ đẩy vào chân tường với quy chế phi thị trường – thực chất là phi cầm phi thú và chẳng giống ai – thì đấy cũng là một bài học.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.