Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HỒNG KÔNG

Gần một nửa cư dân Hồng Kông muốn bỏ xứ ra đi vì Trung Quốc

Theo một cuộc khảo sát do trung tâm tham vấn độc lập Civic Exchange tại Hồng Kông thực hiện vào tháng 6/2016, 42% cư dân Hồng Kông đang muốn bỏ xứ ra đi. Đối với nhiều người, chính các căng thẳng xã hội, thái độ đàn áp tự do của Trung Quốc đã khiến niềm tin vào tương lai Hồng Kông giảm sụt.

Biểu tình trước lãnh sự Anh tại Hồng Kông, nhân kỷ niệm 19 năm ngày lãnh thổ này trao trả cho Trung Quốc, 01/07/2016
Biểu tình trước lãnh sự Anh tại Hồng Kông, nhân kỷ niệm 19 năm ngày lãnh thổ này trao trả cho Trung Quốc, 01/07/2016 REUTERS/Bobby Yip
Quảng cáo

70% của 1.500 người được khảo sát nhận định rằng Hồng Kông đã trở thành một nơi sinh sống “tệ hại” hoặc "tệ hại hơn”, với ba mối ưu tư xếp theo thứ tự là nhà ở, chất lượng của chính quyền, và giáo dục.

Một cách cụ thể, số lượng người dân Hồng Kông di cư sang Canada gần như tăng gấp đôi trong quý đầu tiên của năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, và số lượng người qua định cư vĩnh viễn tại Đài Loan cũng tăng 36% trong cùng giai đoạn.

Khi người dân bỏ xứ ra đi, điều đó có nghĩa là họ không còn tin tưởng vào tương lai xứ họ. Trong trường hợp Hồng Kông, thái độ tin tưởng vào tương lai vùng lãnh thổ này đã giảm đi đáng kể từ sau khi xẩy ra các cuộc biểu tình của phong trào “ Chiếm Lĩnh Trung Hoàn ” vào cuối năm 2014, đòi Bắc Kinh cho Hồng Kông được hưởng một nền dân chủ đầy đủ.

Những vụ mất tích của năm nhân viên nhà sách Hồng Kông Mighty Current, chuyên xuất bản các sách chính trị về các nhà lãnh đạo Trung Quốc – một số trong đó bị nghi là do Trung Quốc bắt cóc - cũng đã làm xói mòn niềm tin về chính sách “ một quốc gia, hai chế độ ” được áp dụng từ khi cựu thuộc địa của Anh này trở về dưới chủ quyền Trung Quốc vào năm 1997. Một trong những nhân viên nhà sách đã trở về Hồng Kông đã nói với giới truyền thông ông có thể di cư qua Đài Loan vì ông không còn cảm thấy an toàn tại Hồng Kông.

Theo giáo sư Michael DeGolyer, đồng tác giả bản khảo sát thì nếu cách nay hai năm, nhưng người bực bội chính quyền chủ yếu là thanh niên, thì hiện nay, sự bất bình không còn phân biệt tuổi tác.

Theo hãng tin Anh Reuters, cơ quan Di Trú Hồng Kông từ chối bình luận về cuộc khảo sát, trong lúc cục An Ninh Hồng Kông thì từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu chính phủ Hồng Kông có lo ngại hay không về hiện tượng di cư kể trên, hay có nghĩ rằng việc đó bắt nguồn từ những lo ngại về chính trị của người dân hay không.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.