Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Phán quyết Biển Đông: Báo chí Philippines hân hoan, nhưng kìm chế

Đăng ngày:

Ngày 12/07/2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, thừa nhận lẽ phải thuộc về Philippines trong vụ kiện lịch sử chống lại các yêu sách chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Chiến thắng ngoạn mục của chàng David nhỏ bé trước gã khổng lồ châu Á được nhiều chuyên gia ghi nhận là một bước ngoặt đối với khu vực. Thắng lợi này được người Philippines đón nhận như thế nào ?

Hồ sơ về vụ kiện La Haye trên trang mạng báo The Philippines Star.
Hồ sơ về vụ kiện La Haye trên trang mạng báo The Philippines Star.
Quảng cáo

Trước khi điểm lại một số báo Anh ngữ chính tại quốc gia quần đảo này, xin giới thiệu với quý vị một vài nhận định trong bài « Người Philippines phản ứng như thế nào trước phán quyết về Biển Đông », đăng tải trên trang mạng phân tích thời sự châu Á The Diplomat. Không khó nhận thấy một sự tương phản lớn, giữa phản ứng thận trọng của chính quyền và không khí vui mừng tràn ngập trên các mạng xã hội.

Vài giờ sau khi phán quyết được công bố, #Chexit tràn ngập các trang mạng xã hội. #Chexit là cụm từ viết tắt, bắt chước #Brexit (Anh rời châu Âu), được người Philippines sử dụng như một thông điệp hối thúc Trung Quốc rút các cơ sở khỏi vùng biển lấn chiếm trái phép.

Trang mạng báo The Philippines Star (gọi tắt là « Philstar ») cho biết, đông đảo thành viên cộng đồng gốc Philippines tại Hoa Kỳ bày tỏ niềm tự hào về thành công của chính phủ. Philstar dẫn lời tổng biên tập trang web Filam của người Mỹ gốc Phi, « biển Tây Philippines (tức Biển Đông) đã trở lại quyền của chúng tôi, và không có bất cứ ngoại trưởng nào có thể bán nó, hay đem nó ra đổi chác với Trung Quốc ».

Phán quyết La Haye, « thắng lợi của chung »

Nhật báo Philippine Daily Inquirer (gọi tắt là « Inquirer ») đặc biệt chú ý đến các phát biểu của cựu tổng thống Benigno Aquino III, người chủ xướng vụ kiện chống lại Trung Quốc, từ năm 2012. Bài viết « Một chiến thắng cho tất cả » lược thuật tinh thần chính của bản tuyên bố ba trang của ông Benigno Aquino, công bố sau khi Tòa ra phán quyết.

Cựu tổng thống Philippines nhấn mạnh : « (…) thay vì coi phán quyết này là một thắng lợi của bên này đối với một bên kia, cách tốt nhất để đánh giá, đó là phán quyết này là thắng lợi của tất cả », « luật pháp quốc tế trở nên sáng tỏ hơn, qua phán quyết trọng đại này ». Theo kiến trúc sư của vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông, giờ đây người Philippines cũng như những ai quan tâm cần tìm hiểu kỹ lưỡng về nội dung chính của bản phán quyết để có được những hiểu biết đầy đủ về cục diện hiện nay tại Biển Đông.

Trong khi đó, bài « Thời điểm quyết định tại Biển Đông » của một cây bút hàng đầu báo The Manila Times, ông Yen Makabenta, lưu ý đến « thắng lợi áp đảo » của Philippines trong vụ kiện, với bảy chiến thắng trước Bắc Kinh. Bài viết giới thiệu lại quan điểm « gây ngạc nhiên » của chính một học giả Trung Quốc, tại Đại học Phục Đán (Fudan), Thượng Hải (ông Shen Dingli), theo đó « Bắc Kinh cần ‘‘xem xét lại lập trường của mình’’ (…) để giúp cho Trung Quốc giữ được lâu dài hình ảnh ‘‘hữu nghị’’ ».

Cơ hội lớn

Thắng lợi tại La Haye đã mở ra cho Philippines một vận hội mới. Bài xã luận của The Manila Times « Chiến thắng phi thường tại LHQ, nhưng sau đây là gì ? » đưa độc giả trở lại với cuộc sống hàng ngày của những người Philippines gắn bó từ nhiều đời nay, với vùng biển phía tây. The Manila Times nhấn mạnh đến một thực tế bi thảm : « Các ngư dân của chúng ta vẫn thường xuyên bị quấy phá ngoài khơi, bị các đội tàu cá Trung Quốc có vũ trang, được tuần duyên hỗ trợ, tấn công, người Trung Quốc sẽ tiếp tục xua đuổi họ khỏi các ngư trường thuộc chủ quyền của chúng ta. Và tàu Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục đến phá hủy các rặng san hô, và vơ vét các tài nguyên biển quý hiếm của chúng ta ».

The Manila Times mỉa mai, để « làm hài lòng cường quốc mạnh và giàu thứ hai thế giới », phải chăng người Philippines « sẽ phải từ bỏ chủ quyền tại vùng biển phía Tây và những gì mà chúng ta coi là thiêng liêng, như danh dự và phẩm giá ». The Manila Times nhắc đến các « Riaz, Bonifacio », những anh hùng lịch sử trẻ tuổi Philippines trong cuộc đấu tranh giành độc lập, để nhắc nhở dân chúng về nỗi bất hạnh không gì tồi tệ hơn sự quy hàng, phản bội.

« Hành động được trông đợi của chính phủ sau chiến thắng La Haye » của Business World, tờ báo thương mại hàng đầu Philippines, hướng thẳng về phía trước, khi kêu gọi chính phủ tiến hành thương thuyết với Trung Quốc, với các phán quyết của Tòa Trọng Tài làm cơ sở. Trả lời Business World qua điện thoại, nhà phân tích chính trị châu Á Richard Heydarian (tác giả cuốn « Asia’s New Battefield : US, China and the Struggle for Western Pacific »), nhắc nhở với thắng lợi này chính quyền Duterte có cơ hội khiến « Bắc Kinh chấp nhận không thực thi vùng nhận dạng phòng không ADIZ tại Biển Đông, rời khỏi bãi cạn Scarborough, không hành hung ngư dân Philippines tại các vùng tranh chấp ».

Chính phủ Duterte thận trọng

Báo chí Philippines cũng thấp thỏm trước các phản ứng sắp tới của tân chính phủ Philippines. Tờ Inquirer dẫn lời một viện tư vấn Philippines Trident Defense, kêu gọi chính phủ « suy nghĩ thật sự chín chắn trước khi quyết định đàm phán trực tiếp với Trung Quốc ». Người đứng đầu think tank này nhấn mạnh « chúng ta tuy là một quốc gia nhỏ, nhưng là một dân tộc chiến binh. (…) Hãy chứng tỏ với họ là chúng ta rất cương quyết ».

Vẫn theo Inquirer, Philippines đã vượt qua được kịch bản « David » tí hon phải một mình đương đầu với gã khổng lồ Goliath khi đưa vụ việc ra tòa, với phán quyết này, Manila ở vào thế đứng mới trong các thương lượng với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh « tôn trọng phán quyết của Tòa », như tuyên bố của tân ngoại trưởng Perfecto Yasay hồi tuần trước.

Trang mạng Manila Bulletin - vốn không dành chú ý đặc biệt cho phán quyết về vụ kiện Biển Đông - thì có bài « Philippines hành xử thận trọng », với tiểu tựa « Trung Quốc sẵn sàng làm việc với chính phủ Duterte ». Tờ báo có tuổi đời hơn thế kỷ cho biết chính quyền Manila cẩn thận cho kế hoạch hành động mới, trong bối cảnh giới lập pháp nước này kêu gọi chính phủ nỗ lực khai thác hết các giải pháp ngoại giao với Trung Quốc, để giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông, trước khi yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cũng cho biết, theo lập trường của tổng thống, quân đội Philippines tỏ ra « chừng mực », để không khiến phía bên kia hiểu lầm là « khiêu khích ».

Trở lại với nhận xét đầu tiên The Diplomat về sự tương phản giữa thái độ hân hoan của dân chúng với phản ứng hết sức kiệm lời của chính phủ Philippines, báo Philstar có bài « Dân mạng hỏi : Yasay (tên ngoại trưởng Philippines), tại sao ông không cười ? ». Một người sử dụng Twitter phàn nàn : « Một quyết định lịch sử có lợi cho đồng bào ta sao lại có thể được tuyên bố với một giọng nói buồn thiu như vậy ». Cùng lúc đó, trên mạng xã hội lan truyền bức hình ngoại trưởng Yasay cười rất tươi bên cạnh đại sứ Trung Quốc. Một dân mạng khác đưa ra lời giải thích : « Lý do ông ấy buồn vì kể từ giờ ông sẽ phải chuẩn bị cho các thương thuyết ngoại giao rất kinh khủng với Trung Quốc ». Thái độ của tân ngoại trưởng đặc biệt khiến nhiều thành viên của Liên đoàn sinh viên Philippines hết sức bất bình.

Biển Đông : Hiệp 2

Sau phán quyết của Liên Hiệp Quốc, Philippines phải chuẩn bị cho một « Hiệp 2 » là nhận định của nhà bình luận Ricardo Saludo trên tờ Manila Times, với hai đối thủ chính là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ba kịch bản chính có thể xảy ra. Một là « đối đầu », hai là « hòa giải » và ba là « xây dựng một nền an ninh chung ». Một yếu tố then chốt của các kịch bản này là việc Trung Quốc gây áp lực buộc Philippines phải từ bỏ hiệp định an ninh song phương với Hoa Kỳ (ECDA), vừa đạt được hồi đầu năm nay, sau rất nhiều nỗ lực.

Bài phân tích của phóng viên, chính trị gia kỳ cựu Francisco Tatad, trên tờ The Manila Times « Điều gì sẽ xảy ra sau phán quyết của Tòa La Haye ? », mô tả thế đi dây của chính quyền Duterte. « Bắc Kinh cứng, Manila mềm », « Lầu Năm Góc lo âu, ông Duterte đả Mỹ »… Theo nhà phân tích, chính quyền Mỹ đã dự đoán trước xu hướng ngả theo cộng sản của tân tổng thống Philippines bằng việc cử tới Manila một đại sứ mới, rất quen làm việc với chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên. Chính trị gia Tatad thiên về quan điểm, hướng Philippines đến một chế độ trung lập như kiểu Thụy Sĩ, để khỏi bị kẹt trong cuộc đối đầu giữa hai đại cường, mà vẫn được hưởng các lợi ích do hợp tác kinh tế mang lại. « Thế tiến thoái lưỡng nan » của ông Duterte từng là chủ đề một bài phân tích của nhà chính trị học Philippines Richard Heydrian trên tờ The Diplomat, ít ngày trước khi Tòa ra phán quyết.

Dân chúng ủng hộ rộng rãi

Thắng lợi của Philippines trước Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông là kết quả của một quá trình chuẩn bị hết sức công phu của chính quyền Benigno Aquino III, kể từ sau vụ Trung Quốc tấn công bãi cạn Scarborough năm 2012, khiến Bắc Kinh tự lộ bộ mặt thật là kẻ ưa dùng vũ lực, bất chấp luật pháp. Phán quyết của Tòa La Haye gây bất ngờ - với thắng lợi gần như trên toàn bộ các vấn đề chính mà Manila yêu cầu Tòa giải đáp – nhận được các phản ứng rất khác nhau tại Philippines. Chính quyền của tân tổng thống Duterte – được thừa hưởng các nỗ lực của chính phủ tiền nhiệm – tỏ ra thận trọng trước bước đi kế tiếp, không muốn đẩy Trung Quốc vào thế đối đầu với luật pháp quốc tế.

Phản ứng của chính quyền bị đánh giá là dè dặt, thế nhưng thái độ của người dân Philippines với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là hết sức rõ ràng. Tờ Philstar hôm nay, 14/07/2016, dẫn lại kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây, cho thấy 78% người Philippines ủng hộ việc chính phủ Aquino kiện Trung Quốc. 87% tin vào thắng lợi. Chỉ có 12% dự đoán sẽ thua. Trong một chế độ dân chủ, người dân là chủ và chính là sức mạnh của đất nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.