Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN

Trung-Đài đồng thuận : bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông

Vào lúc quan hệ của Trung Quốc với tân tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang gặp trục trặc thì hãng tin Bloomberg, ngày 13/07/2016, có bài nhận định «Trung-Đài tìm được điểm đồng thuận : bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông »

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (G) thăm tàu La Fayette tại căn cứ Cao Hùng (Kaohsiung) ngày 13/07/2016
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (G) thăm tàu La Fayette tại căn cứ Cao Hùng (Kaohsiung) ngày 13/07/2016 Military News Agency/ via REUTERS
Quảng cáo

Ngày 13/07, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã điều một tàu khu trục đi tuần tra hải lộ đang có tranh chấp để chứng tỏ « quyết tâm » của chính phủ trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia.

Lệnh điều động tàu hải quân này được đưa ra vài giờ sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực – PCA – phán quyết rằng các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc – và do vậy của Đài Loan – đối với nhiều vùng biển là không có cơ sở pháp lý.

Cụ thể, Tòa cho rằng thực thể tự nhiên lớn nhất trong vùng quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp - Itu Aba hiện do Đài Loan chiếm giữ - chỉ là một bãi đá thay vì là một đảo và do vậy không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Theo phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Đài Loan, cuộc tuần tra của khu trục hạm đã được lên kế hoạch từ trước, bao gồm cả việc đến tiếp tế cho thực thể mà Đài Loan gọi là Thái Bình (Việt Nam gọi là Ba Bình).

Quyết định triển khai tàu chiến có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực sau phán quyết của Tòa Trọng Tài. Trung Quốc tuyên bố không công nhận thẩm quyền của Tòa và hôm qua, 13/07, đe dọa tìm cách thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở khu vực đang có tranh chấp.

Phán quyết của Tòa, được đưa ra sau khi Philippines kiện, đã bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc dựa theo bản đồ « đường 9 đoạn ». Các đòi hỏi của Trung Quốc chồng lần lên các đòi hỏi của những nước như Malaysia, Việt Nam và Philippines và dựa trên bản đồ được lập ra từ năm 1947. Đài Loan quản lý thực thể Itu Aba (Thái Bình – Ba Bình) từ những năm 1950.

Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin), hôm thứ Tư 13/07, đã ca ngợi các nỗ lực của Đài Loan trong việc bảo vệ các quyền lợi chung của hai bên vốn là kẻ thù trong cuộc nội chiến.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ông Lưu nói : « Phán quyết của Tòa Trọng Tài làm tổn hại quyền lợi của tất cả những người Trung Hoa ; vì lợi ích và trách nhiệm chung, cả hai bên cần phải bảo vệ các lợi ích trên biển của mình tại Biển Đông ». Ông còn tố cáo các thẩm phán của tòa án trong vụ này là thiên kiến và không hiểu nổi lẽ thường.

Khi từ chối tham gia vụ kiện, Trung Quốc đã công bố một tài liệu bày tỏ lập trường và hoạt động ở hậu trường để tác động lên Tòa.

Còn Đài Loan, dưới thời tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou), đã gửi tài liệu đến các thẩm phán về trường hợp vùng đặc quyền kinh tế xung quanh Itu Aba, nêu ra lý do là thực thể này có đủ khả năng hỗ trợ cho cuộc sống của con người trên đó.

Bất đồng

Trong thông cáo theo hướng phản ứng của Trung Quốc, hôm thứ Ba 12/07, tổng thống Thái Anh Văn nói rằng phán quyết của Tòa La Haye không có hiệu lực ràng buộc đối với Đài Loan và gây tổn hại cho các quyền lợi của chính phủ Đài Bắc. Nguyên là giáo sư luật, người đã gạt được Quốc Dân Đảng của ông Mã Anh Cửu ra khỏi vị trí lãnh đạo trong một cuộc bầu cử ngoạn mục hồi tháng Giêng, bà Thái Anh Văn đã kêu gọi đàm phán đa phương để thúc đẩy ổn định trong vùng.

Các đề nghị này đã đẩy tân lãnh đạo Đài Loan vào vị thế bất đồng với Mỹ, nước kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa. Các đề nghị này cũng tạo điều kiện hiếm hoi cho một sự đồng thuận giữa bà Thái Anh Văn và các lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong lúc Bắc Kinh vừa cắt đứt các liên lạc với Đài Bắc do việc bà Thái Anh Văn từ khối khẳng định luận điểm hai bên bờ eo biển Đài Loan chỉ là « một nước Trung Hoa ».

Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn chính thức ủng hộ Đài Loan độc lập. Ông Jerome Cohen, giáo sư luật tại đại học New York, chuyên gia về luật pháp Trung Quốc và là thầy dạy của ông Mã Anh Cửu, nói rằng bà Thái Anh Văn đã phải đấu tranh để « điều chỉnh lại một tình huống không mấy dễ chịu ».

« Sai lầm lớn »

Trên blog của mình, giáo sư Cohen viết hôm thứ Ba 12/07 đã viết : « Phản ứng công khai (của bà Thái Anh Văn) ngày hôm nay bác bỏ quyết định của Tòa là một sai lầm lớn và khác biệt với điều mà ngay cả ông Mã có thể làm ».

« Bà Thái Anh Văn sẽ bị chỉ trích ở Đài Loan là đi theo đường hướng coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh vào cùng thời điểm Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc không cho Đài Loan tham gia vụ kiện tại Tòa Án Trọng Tài ».

Báo chí cho biết, các tàu của cơ quan tuần duyên Đài Loan, của các trạm ở Itu Aba cũng như một khu trục khác, tàu Wei-Shine, đã tới thực thể này vào chiều tối hôm thứ Ba.

Ông Nick Bisley, giáo sư về quan hệ quốc tế tại đại học La Trobe, ở Melbourne, Úc, cho rằng, vị thế của bà Thái Anh Văn « thực sự khó khăn » bởi vì các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc và Đài Loan giống nhau. Ông nói : « Vạch ra một hướng đi duy trì được lập trường của Đài Loan nhưng lại không gây ra cảm tưởng là giống Trung Quốc, đó là một công việc rất khó khăn ».

Quyết định của Tòa Án Trọng Tài cho rằng không có một thực thể nào ở Trường Sa là đảo – tức là chỉ có vùng biển xung quanh rộng nhất là 12 hải lý – có thể mở đường cho các cuộc thương lượng giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và các bên tranh chấp khác.

Theo ông Eric Shrim, nguyên là nhà ngoại giao, hiện là cố vấn về chính sách tại Văn phòng luật sư Alston & Birk, trụ sở Washington, thì « đột nhiên, Biển Đông lại có những vùng biển cả rộng lớn, mở cửa cho tự do lưu thông hàng hải. »

« Câu hỏi đặt ra sau đó sẽ là : các bên liên quan hợp tác với nhau như thế nào để bảo đảm an ninh cho các vùng biển cả này ? »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.