Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - TÒA TRỌNG TÀI

Biển Đông: Tòa Án Trọng Tài bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc

Hôm nay, 12/07/2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc và tuyên bố rằng “không có cơ sở pháp lý” cho việc Trung Quốc đòi hỏi quyền lịch sử trên những tài nguyên tại các vùng nằm trong bản đồ đường chín đoạn, còn được gọi là bản đồ “đường lưỡi bò”.

Biểu hiệu của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye
Biểu hiệu của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye
Quảng cáo

Trong phán quyết, Tòa ghi rõ “ mặc dù các ngư dân và nhà hàng hải của Trung Quốc, cũng như của những nước khác, trong lịch sử đã từng sử dụng các "đảo" ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã từng độc quyền kiểm soát các vùng biển và các nguồn tài nguyên tại đây.”

Về quy chế của các thực thể, Tòa cũng phán quyết rằng không một thực thể nào của quần đảo Trường Sa “có thể tạo các vùng biển mở rộng”, không một thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền “có thể tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế”. Do vậy, Tòa tuyên bố - tuy không xác định ranh giới - rằng một số khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vì những khu vực này không chồng lấn với bất cứ khu vực nào của Trung Quốc.

Liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cho rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này, vì đã cản trở việc thăm dò dầu khí và đánh cá của Philippines, xây dựng các đảo nhân tạo, cũng như đã không ngăn cản ngư dân Trung Quốc đến đánh cá trái phép ở vùng này.

Tòa còn phán quyết rằng các ngư dân Philippines ( cũng như ngư dân Trung Quốc ) có quyền đánh cá truyền thống ở vùng bãi cạn Scarborough và Bắc Kinh đã cản trở việc thực thi các quyền đó khi hạn chế việc đi vào vùng này. Cũng theo Tòa án Trọng tài Thường trực các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã hành xử trái phép khi họ dùng tàu cản đường các tàu Philippines gây nguy cơ đụng tàu nghiêm trọng.

Về môi truờng biển, Tòa nhận định là các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường bãi san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo về môi trường sinh thái biển.

Cuối cùng, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực còn cho rằng các hành động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc không phù hợp với nghĩa vụ của một Nhà nước trong tiến trình giải quyết tranh chấp, gây ra những tổn hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển, xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tàn phá môi trường tự nhiên của các thực thể ở Biển Đông. 

Xin nhắc lại là phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không phán quyết về chủ quyền biển đảo, mà chỉ xác định là những thực thể nào trên biển có thể tạo ra chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển xung quanh chiếu theo luật quốc tế.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố là không chấp nhận và cũng không tham gia vào vụ kiện “đơn phương” của Philippines. Tuy nhiên, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cho rằng, việc Bắc Kinh từ chối tham gia không ảnh hưởng gì đến thẩm quyền xét xử của tòa và việc Philipines đơn phương kiện không phải là một hành động vi phạm các thủ tục giải quyết tranh chấp theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Biển Đông : Các dữ liệu cơ bản

Từ hàng thập kỉ nay, những đòi hỏi chủ quyền trái ngược nhau trên Biển Đông, hay còn gọi là biển Hoa Nam, vẫn luôn là nguồn gốc của các căng thẳng. Dưới đây là đôi nét chính của « kho thuốc súng » này.

Địa lý

Vốn được quốc tế biết đến nhiều hơn với tên « Biển Hoa Nam », Biển Đông – cách gọi quen thuộc của Việt Nam - có diện tích hơn 3 triệu km2, giáp với Trung Quốc (phía nam), Đài Loan, Philippines, đảo Bornéo và Đông Nam Á.

Lúc sơ khai ban đầu, phần lớn trong số hàng trăm đảo lớn, nhỏ và bãi đá trong khu vực đều không có người ở. Các đảo lớn nhất đều nằm ở quần đảo Hoàng Sa (tên nước ngoài là Paracels, bao gồm khoảng 130 đảo nhỏ) và Trường Sa (tên nước ngoài là Spratley, gồm hơn 700 đảo nhỏ).

Các lợi ích

Với vị trí được coi như con đường huyết mạch nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khu vực này có giá trị vô cùng to lớn cả về kinh tế và quân sự.

Các tuyến đường vận tải hàng hải tại đây cho phép nối Đông Á với châu Âu và Trung Đông. Hàng năm, hơn 4500 tỷ euro hàng hoá được vận chuyển qua khu vực này.

Khu vực biển này được cho là có các mỏ nhiên liệu lớn.

Biển Đông còn có nhiều bãi san hô ngầm, thuộc loại lớn nhất thế giới. Do các nguồn đánh bắt hải sản đang dần cạn kiệt dọc bờ biển, khu vực biển này cũng là một nguồn đánh bắt cá lớn đối với số dân cư ngày càng gia tăng.

Các yêu sách

Trung Quốc và Đài Loan đòi hỏi gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng có yêu sách, nhưng đôi khi các yêu sách đó chồng lấn lên nhau.

Trung Quốc chủ yếu dựa vào vùng giới hạn bởi « đường chín đoạn », được thể hiện trên các bản đồ của nước này vào những năm 1940. Phần « đường chín đoạn » này áp sát bờ biển của các quốc gia lân cận.

Tên gọi

Bắc Kinh cũng như phần lớn các quốc gia khác đều biết đến khu vực biển này với tên gọi « Biển Hoa Nam ». Đối với Hà Nội, đó là « Biển Đông », còn đối với Manila thì là « Biển Tây Philippines ».

Chiếm giữ

Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, vào thời điểm đó, quần đảo này do chế độ miền Nam Việt Nam quản lý, trong lúc Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Từ 2012, Trung Quốc kiểm soát bãi cạn nhiều hải sản Scarborough, cách hòn đảo chính Luzon của Philippines 230 km.

Tính ra Trung Quốc chiếm ít nhất 7 thực thể trong quần đảo Trường Sa. Việt Nam dường như chiếm hoặc kiểm soát 21, trong khi đó Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan kiểm soát các thực thể còn lại.

Các xung đột

Có hai xung đột trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Năm 1974, khoảng 50 quân nhân Việt Nam đã chết trong các cuộc chạm trán giữa quân lực Trung Quốc và hải quân miền Nam Việt Nam.

Vào năm 1988, một trận hải chiến trên bãi cạn Johnson, tức Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa khiến khoảng 70 người thiệt mạng về phía Việt Nam.

Thỉnh thoảng, các tàu chiến của Trung Quốc bắn các tàu cá của Việt Nam qua lại trong khu vực.

Bành trướng của Trung Quốc

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tìm cách củng cố sự hiện diện của mình, làm tăng thêm căng thẳng giữa nước này và các nước láng giềng, và cả các quốc gia khác nữa.

Vào năm 2012, Bắc Kinh đã thiết lập một thành phố mới - có tên là Tam Sa - trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, trực thuộc tỉnh Hải Nam về hành chính. Tam Sa là đầu cầu nối với tất cả các vùng biển mà Bắc kinh đang đòi chủ quyền trên Biển Hoa Nam (Biển Đông). Trong khi đó, Trung Quốc cũng dự tính phát triển đảo Phú Lâm thành một địa điểm du lịch.

Trong quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã tiến hành rất nhiều công trình nạo vét và bồi đắp để tạo các đảo nhân tạo, trên quy mô rất lớn so với những hoạt động tương tự mà các nước khác đã làm.

Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã tạo ra thêm 1.295 hecta và đã xây dựng trên đó nhiều cơ sở hạ tầng như hệ thống radar và các đường băng hạ cánh, có thể tiếp nhận các máy bay quân sự cũng như dân dụng cỡ lớn.

Các tàu tuần tra của lực lượng tuần duyên Trung Quốc tăng cường hiện diện tại các vùng biển chiến lược.

Thất bại về ngoại giao

10 thành viên của Hiệp hội Đông Nam Á – viết tắt là ASEAN - và Trung Quốc, năm 2002, đã thông qua một bản « tuyên bố chung về cách ứng xử » không mang tính ràng buộc, trong đó các bên cam kết không dùng vũ lực, cũng như đe dọa để áp đặt các đòi hỏi của mình.

Từ đó đến nay, Bắc Kinh từ chối biến đổi tuyên bố chung này thành một văn bản mang tính ràng buộc và vấn đề này làm cho ASEAN chia rẽ sâu sắc. Manila đấu tranh để ASEAN thể hiện sức mạnh của mình, nhưng các đồng minh của Trung Quốc là Lào và Cam Bốt thì chống lại điều này.

Dùng phương tiện pháp lý

Vào năm 2013, Philippines đã kiện lên Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA), và là nước duy nhất dùng pháp lý để chống lại các đòi hỏi của Trung Quốc.

Việt Nam và Indonexia tuyên bố dự tính có hành động pháp lý.

Vào năm 2014, Hà Nội đã đệ trình lên PCA các tài liệu bác bỏ đường « chín đoạn ».

Trung Quốc bác bỏ tính chính đáng của PCA và tuyên bố không tuân thủ quyết định của định chế này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.