Vào nội dung chính
CAM BỐT - CHÍNH TRỊ

Sam Rainsy, vật cản với đối lập Cam Bốt ?

Sự ra đi của cựu thủ tướng Pháp Michel Rocard và các nỗ lực để giúp người tị nạn hội nhập tại châu Âu là chủ đề lớn của các tuần báo Pháp đầu tháng 7/2016. Nhưng trước hết, về thời sự châu Á, tuần san Le Courrier International dẫn lại một bài viết đáng chú ý về thách thức lớn của đối lập Cam Bốt, hai năm trước cuộc bầu cử Quốc Hội, trong bối cảnh thủ lĩnh Sam Rainsy liên tục bị lên án là kẻ « hèn nhát ».

Ông Sam Rainsy trong một cuộc mít tinh tại Phnom Penh, ngày 17/12/2013.
Ông Sam Rainsy trong một cuộc mít tinh tại Phnom Penh, ngày 17/12/2013. REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

Bài viết « Cam Bốt. Sam Rainsy, một nhà đối lập bị lên án », dẫn lại từ tờ The Diplomat, mô tả trước hết các đàn áp tại Cam Bốt của chính quyền Hun Sen, nhằm triệt hạ đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc. Năm 2015, thủ lĩnh Sam Rainsy chọn con đường lưu vong sang Pháp, phó chủ tịch đảng phải lẩn trốn, để tránh lệnh truy nã của chính quyền. Ông Sam Rainsy cũng đồng thời phải đối mặt với một làn sóng chỉ trích trên truyền thông. Thủ lĩnh đối lập - vốn tự so mình với nhà đối lập lịch sử Miến Điện Aung San Suu Kyi - bị lên án là « hèn nhát », khi chọn con đường lưu vong.

Theo bài phân tích của The Diplomat, tương lai chính trị của nền dân chủ Cam Bốt trong những năm tới phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của thủ lĩnh Sam Rainsy. The Diplomat ghi nhận « tính cách công dân toàn cầu » của lãnh đạo đối lập Cam Bốt, và nỗ lực để Cam Bốt tiếp tục là một hồ sơ « trọng tâm của cộng đồng quốc tế », và theo hướng này, quyết định lưu vong của lãnh đạo đối lập là « có lý ».

Nhưng bài viết cũng đặt nghi vấn về một quan điểm cơ bản của ông Sam Rainsy về tương lai chính trị Cam Bốt : Ông tin tưởng « Lịch Sử đứng về phía mình », tin tưởng « sự chán ngán của dân chúng đối với chế độ Hunsen cuối cùng sẽ khiến đối lập chiến thắng qua bầu cử », tin tưởng là với thời gian « dân chúng Cam Bốt ngày càng trẻ hơn và đô thị hóa hơn » sẽ đứng về phía đối lập…

Hai năm quyết định với Sam Rainsy

Nếu tin tưởng vào quan điểm « Lịch Sử » chắc chắc sẽ tiến lên, chắc chắn sẽ đi từ độc tài đến dân chủ tự do và kinh tế thị trường, Sam Rainsy sẽ chiến thắng Hun Sen. Cuộc bầu cử 2013 với kết quả đảng đối lập chỉ thua đảng Hun Sen có 300.000 phiếu là một chứng minh cho xu thế này.

The Diplomat lật ngược lại vấn đề, với câu hỏi : Liệu Lịch Sử có được viết sẵn từ trước, và phải chăng cuộc bầu cử năm 2018 sẽ chỉ là sự nối tiếp thành tích của năm 2013, và ông Sam Rainsy sẽ chỉ cần chờ thời điểm thuận lợi để trở thành thủ tướng Cam Bốt ? Tuy nhiên, theo The Diplomat, cũng có thể nhìn Lịch Sử theo hướng hoàn toàn khác. Bài viết mỉa mai, nếu như trong hai năm tới, thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy không làm gì để chứng tỏ mình là một Aung San Suu Kyi và « từ chối nhường chỗ » cho một thế hệ đối lập trẻ trung hơn, thì ắt hẳn là ông « sẽ phải quen với việc bị coi là đồ hèn, và trở thành một vật cản thực sự đối với sự phát triển của đối lập Cam Bốt ». The Diplomat cho rằng, hiện tại chưa có gì chứng tỏ ông Sam Rainsy đã thay đổi định hướng.

Thượng đỉnh NATO : Trắc nghiệm quan trọng đối với phương Tây

Về thời sự quốc tế, Le Courrier International chú ý đến « Thượng đỉnh NATO : Một trắc nghiệm quan trọng đối với phương Tây ». Bài phân tích trích từ Financial Times nhấn mạnh đến bối cảnh hậu Brexit, và căng thẳng với Nga buộc các nước phương Tây phải « thể hiện rất đoàn kết » trong cuộc thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày, hôm qua và hôm nay 07 và 08/07, tại Varsava.

Thượng đỉnh NATO này còn đặc biệt ở chỗ : Đây là thượng đỉnh cuối cùng với nhiều lãnh đạo chủ chốt của NATO (Mỹ, Anh, và rất có thể là cả Pháp), đường lối quốc phòng của các quốc gia này như vậy có thể sẽ có nhiều thay đổi, và Nga hiểu rõ điều này. Theo Financial Times, chính trong bối cảnh như vậy mà tinh thần đoàn kết lại càng phải được đề cao.

6 giải pháp để cứu Liên Hiệp Châu Âu

Vẫn về thời sự châu Âu hậu Brexit, Le Courrier International dẫn lại bài « Sáu giải pháp để cứu Liên Hiệp Châu Âu », từ báo Ailen « The Irish Times ». Theo nhà phân tích Fintan O’Toole, để cứu Liên Hiệp, trước hết các lãnh đạo khối này phải tỏ ra « khiêm nhường », bởi để xảy ra quyết định Brexit, lỗi không chỉ ở một phía. Thứ hai là, Liên Hiệp Châu Âu nên miễn cho Hy Lạp nghĩa vụ hoàn trả các khoản nợ bất khả thi, để chứng tỏ Bruxelles đã hiểu được bài học Brexit. Thứ ba là thay vì vội vã xây dựng một siêu Nhà nước châu Âu hùng mạnh, với những dự án « điên rồ » như xây dựng một quân đội chung cho toàn châu lục, Liên Hiệp Châu Âu nên hướng đến một liên minh trên nền tảng « bình đẳng » hơn, không chỉ về mặt kinh tế…. Theo nhà phân tích Ailen, đồng euro cũng là một định chế cần phải từ bỏ, vì điều này chỉ có lợi cho một nhóm nước giàu phía bắc, đặc biệt là Đức.

Giải pháp cuối cùng để cứu Liên Hiệp Châu Âu, đó là minh bạch hóa ngân sách của khối này, theo đòi hỏi của các phong trào dân chủ, như DiEM25, do cựu bộ trưởng Tài Chính Hy Lạp khởi xướng. Tờ báo Ailen nhấn mạnh, để Liên Hiệp Châu Âu sống sót, không được ảo tưởng rằng, sự ra đi của Vương Quốc Anh sẽ mở đường cho việc xây dựng một Nhà nước châu Âu siêu quốc gia.

Đức : Chính sách tị nạn thiếu một cơ quan điều phối chung

« Tị nạn: Hội nhập là có thể » là tựa của hồ sơ chính của Le Courrier International. Hơn 1,5 triệu người tị nạn đổ vào châu Âu kể từ năm 2015. Tiếp theo việc cung cấp chỗ ở, để đón tiếp khẩn cấp người nhập cư là vấn đề làm thế nào để giúp họ hội nhập. Đức là quốc gia tuyến đầu của châu Âu, với hơn một triệu dân nhập cư được tiếp nhận. Le Courrier International dẫn lại nhiều bài viết trên các báo Đức, Ý và Thụy Sĩ, cho thấy mặc dù chính quyền cũng như dân chúng địa phương châu Âu có nhiều nỗ lực giúp dân tị nạn hội nhập, về chỗ ở, việc làm và học tiếng, tuy nhiên, vẫn thiếu « một cơ quan quản lý thống nhất », tập hợp thông tin về các hoạt động trợ giúp khác nhau, để giúp cho chính quyền trung ương có một cái nhìn tổng thể. Trên đây là nhận định của báo Die Zeit (Đức).

Bên cạnh vấn đề chỗ ở và việc làm, việc dạy tiếng cho dân tị nạn là điều được ưu tiên. Một quỹ khẩn cấp được lập ra, với 559 triệu euro, do bộ Nội Vụ Đức và nhiều cơ sở khác chi trả. Hiện tại quỹ đã cạn tiền, vì nhu cầu thực tế là rất lớn. Bên cạnh việc nhờ đến các giảng viên dạy miễn phí, nhiều người tị nạn cũng đang tự xoay xở để học tiếng Đức qua internet.

Rocard – Người làm rung chuyển cánh tả Pháp

Hình ảnh cựu thủ tướng Pháp vừa qua đời tràn ngập các mặt báo. « Rocard lúc sinh thời » là tựa trang nhất l’Express, báo Le Point giới thiệu « Michel Rocard 1930-2016. Cuộc đời và những bí mật lần đầu công bố ». Tuần báo Le Nouvel Observateur ra số đặc biệt « Rocard và chúng ta ». L’Obs cũng là nơi công bố nhiều bài viết của cựu thủ tướng Pháp. Sự ra đi của chính trị gia đặc biệt này là dịp để giới truyền thông đưa ra những tổng kết về đời sống chính trị Pháp trong gần nửa thế kỷ qua, và những dự cảm tương lai. Những nhận xét về chính trị gia quá cố trên báo chí là rất nhiều tương phản, cũng giống như cuộc đời đầy thăng trầm của Rocard.

Le Nouvel Observateur có bài xã luận « Rocard và chúng ta », ca ngợi chính trị gia quá cố : « Ông đã tự khẳng định như người duy nhất thực sự sáng suốt, có thể đánh giá được đúng những rối ren (trong nội bộ) cánh tả ». Một trong những lý do là, khác với nhiều lãnh đạo đảng Xã Hội, Michel Rocard có một lập trường rất rõ ràng với chủ nghĩa cộng sản, ông « không bao giờ nhân nhượng tư tưởng cộng sản Bolcheviks và Staline sau này ». Đối với ông, « chủ nghĩa Mác là một tư tưởng lớn, nhưng chủ nghĩa cộng sản là một ảo tưởng hết sức nguy hiểm ».

Le Nouvel Observateur ghi nhận, bên cạnh tư tưởng cải cách, hai trong những quyết định chính trị quan trọng khiến Michel Rocard rất được ca ngợi, đó là thái độ kiên quyết của ông trong việc chống lại chiến tranh Algeri đầu những năm 1960, và người đã can thiệp để lập lại hòa bình tại Tân Đảo (la Nouvelle Calédonie), giành cho xứ thuộc địa cũ này một quyền tự trị rộng rãi, khi ông vừa nắm quyền thủ tướng năm 1988.

Về Rocard, Le Nouvel Observateur có bài viết đáng chú ý của cựu thủ tướng Lionel Jospin, nguyên ứng cử viên tổng thống đảng Xã Hội với tựa đề « Người đã rất nhanh chóng làm rung chuyển các xác quyết của chúng tôi ». Cựu thủ tướng Jospin từng là một lãnh đạo hàng đầu của đảng Xã Hội Pháp, nguyên là ứng cử viên tổng thống đảng Xã Hội năm 2002. Cho dù không đồng ý về tất cả các quan điểm của Rocard, Lionel Jospin đánh giá rất cao cách nhìn của nhà chính trị, về đòi hỏi phi tập trung hóa nhà nước, tìm kiếm thỏa hiệp xã hội, đề cao phương thức tự quản trong doanh nghiệp… Đây là những đề tài gây bối rối rất lớn trong hàng ngũ đảng Xã Hội trong những năm 1970, bởi đi ngược lại tư tưởng chính thống của đảng lúc đó, nhưng lại « rất được xã hội Pháp quan tâm ». Theo Lionel Jospin, ông Rocard « đã có những đóng góp rất lớn - chính (tổng thống) François Mitterand cũng hiểu điều đó - trong việc đưa đảng Xã Hội trở thành động lực cách tân xã hội trong những năm tháng đó ».

Về Rocard, báo Le Point ngược lại có bài « Bi kịch của những người nghiêm túc » của nhà nghiên cứu Nicolas Bavarez, nhấn mạnh đến những thất bại của chính trị gia này, mà cơ bản là thất bại trước « cánh tả cấp tiến ». Theo tác giả,  « không hề đóng góp giúp nước Pháp thích ứng với thế giới hiện đại, Michel Rocard thuộc về một thế hệ đã tham gia vào việc làm cho nước Pháp suy tàn, thay vì mang lại giải pháp ». Nghịch lý - và đó cũng là thất bại của Michel Rocard là ở chỗ: khác với đa số các nhà lãnh đạo Pháp, Michel Rocard hiểu được những thay đổi sâu rộng của thế giới và cần phải có những cải cách triệt để đối với mô hình Pháp, thế nhưng, ông lại không biết cách "giành chính quyền" trước các thủ đọan chính trị xảo quyệt của François Mitterrand. Và ông cũng không biết xây dựng và đưa ra một dự án thay thế thực sự giúp cho sự phục hồi nước Pháp.

Những người kế thừa truyền thống Rocard

Còn « Rocard lúc sinh thời » của báo L’Express chú ý đến sự tương phản hết sức lớn giữa « sự nghiệp trí thức » và « thành tích tranh cử » của chính trị gia này với nhận xét : Học thuyết của ông Rocard đã từ từ được khẳng định trong cánh tả, tuy nhiên, với tư cách là một chính trị gia, ông đã thất bại trong việc đi đến đỉnh cao quyền lực.

Khẳng định những ưu điểm của Michel Rocard với tư cách một nhà tư tưởng cải cách, bài viết của L’Express cũng lưu ý độc giả về nhiều nhược điểm của chính trị gia, người vừa là đối thủ của François Mitterand, vừa làm việc dưới quyền vị tổng thống này. Trước hết là « sự mong manh trong tính cách, khó khăn trong giao tiếp và sự kém cỏi trong việc điều hành một tổ chức chính trị » đã khiến Rocard thất bại.

Tuy nhiên, l’Express cũng nhấn mạnh là, hiện tại Rocard đã có được « những người  kế thừa », như đương kim thủ tướng Manuel Valls hay bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron. Tờ báo dự đoán, « thất bại rất có thể của ông Hollande trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới sẽ là thất bại cuối cùng của truyền thống Mitterand, và việc tái sinh của đảng Xã Hội, của truyền thống xã hội chủ nghĩa Pháp, chắc chắn sẽ phải khởi đầu với sự lên ngôi của truyền thống Rocard ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.