Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HOA KỲ

Vụ kiện Biển Đông : Trung Quốc thông báo với Mỹ không thừa nhận thẩm quyền của Tòa

Bắc Kinh gia tăng nỗ lực ngoại giao ít ngày trước phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông. Hôm qua, 06/07/2016, ngoại trưởng Trung Quốc có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Hoa Kỳ, tái khẳng định sẽ không thừa nhận thẩm quyền của Tòa. Lo ngại xung đột bùng phát, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tại Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 5, Kuala Lumpur, Malaysia, 06/08/2015
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tại Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 5, Kuala Lumpur, Malaysia, 06/08/2015 REUTERS/Olivia Harris/File Photo
Quảng cáo

Theo Tân Hoa Xã, ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) đã nhắc lại với đồng nhiệm Mỹ John Kerry lập trường của Bắc Kinh, bất luận phán quyết của Tòa thế nào, Trung Quốc cũng sẽ « kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền tự do hàng hải hợp pháp, cũng như bảo vệ an toàn và ổn định » tại khu vực này. Ngoại trưởng Trung Quốc khuyến cáo Hoa Kỳ « tôn trọng cam kết không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền, thận trọng trong hành động và lời lẽ, và không có các hành động xâm phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc ».

Bộ Ngoại Giao Mỹ đã xác nhận với hãng thông tấn Reuters về cuộc điện đàm nói trên, nhưng không đưa thêm bất cứ thông tin nào.

Tham vọng chủ quyền trên gần trọn Biển Đông của Trung Quốc, đặc biệt với yêu sách « đường 9 đoạn » (còn gọi là « đường Lưỡi Bò ») bị các nước láng giềng Đông Nam Á, như Philippines hay Việt Nam, bác bỏ. Căng thẳng dâng cao trước ngày 12/07, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông. Theo các chuyên gia, Trung Quốc liên tục gia tăng các nỗ lực ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước vốn không có quyền lợi liên quan trực tiếp đến Biển Đông, do sợ rằng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, có lợi cho Philippines, sẽ khiến Bắc Kinh bị cô lập trong hồ sơ này.

Trong một phát biểu tại Việt Nam cuối tháng 5/2016, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama khẳng định Washington cam kết bảo vệ quyền tự do lưu thông tại Biển Đông, và nhấn mạnh không chấp nhận để cho nước lớn bắt nạt nước nhỏ, cho dù không trực tiếp nhắc đến tên Trung Quốc.

Việc hải quân Mỹ liên tục tiến hành các cuộc tuần tra « bảo vệ tự do hàng hải » trong phạm vi 12 hải lý của một số thực thể địa lý, do Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông, trong những tháng gần đây, khiến Bắc Kinh giận dữ. Hôm thứ Ba, 05/07, một tờ báo chính thống của Trung Quốc cảnh báo sẵn sàng « đối đầu quân sự » với Hoa Kỳ tại Biển Đông. Nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc có thể có các hành động đơn phương tại Biển Đông, như lập vùng nhận dạng hàng không ADIZ, việc Trung Quốc từng làm vào năm 2013 tại biển Hoa Đông.

Hôm nay, trong một cuộc họp báo với ngoại trưởng Trung Quốc tại Bắc Kinh, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng, các tranh chấp tại Biển Đông cần phải được giải quyết bằng con đường hòa bình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.