Vào nội dung chính
ĐÔNG BẮC Á - QUÂN SỰ

Mỹ, Nhật, Hàn lần đầu tập trận hỏa tiễn chống Bắc Triều Tiên

Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ hôm 28/06/2016 cùng tham gia cuộc tập trận ba bên chưa từng có từ trước đến nay, nhằm đối phó với nguy cơ Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn. Bình Nhưỡng gọi cuộc tập trận tại Hawai này là « khiêu khích quân sự ».

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tìm thấy một đầu đạn rớt xuống bờ biển nước này, nghi là tên lửa Bắc Triều Tiên. Ảnh được cung cấp cho báo chí ngày 23/06/2016.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tìm thấy một đầu đạn rớt xuống bờ biển nước này, nghi là tên lửa Bắc Triều Tiên. Ảnh được cung cấp cho báo chí ngày 23/06/2016. REUTERS/Toru Hanai
Quảng cáo

Cuộc tập trận ba bên diễn ra một tuần sau vụ Bắc Triều Tiên bắn thử thành công hỏa tiễn tầm trung, mà theo Bình Nhưỡng là có thể tấn công các căn cứ quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương.

Hệ thống chống hỏa tiễn Aegis của Hoa Kỳ được đưa vào thử nghiệm, qua đó các bên tham gia tập trận có thể tăng cường khả năng tương tác, các kênh thông tin, thu thập dữ liệu.

Điều quan trọng nữa là Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tham gia. Hai láng giềng châu Á lâu nay vẫn lấn cấn trong quan hệ ngoại giao khiến Hoa Kỳ gặp khó khăn trong việc tạo dựng một mặt trận chung nhằm đối phó với Bình Nhưỡng.
Phó đô đốc Nora Tyson, tư lệnh Đệ tam Hạm đội Mỹ tuyên bố cuộc tập trận ba bên đã « củng cố mối quan hệ vốn đã chặt chẽ giữa ba nước ». Bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên cho đây là « một vụ khiêu khích quân sự mới của Hoa Kỳ », và tái khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không ngần ngại « tấn công hạt nhân phủ đầu » trong trường hợp bị đe dọa.

Từ đầu năm nay, Bắc Triều Tiên đã tiến hành một loạt thử nghiệm thuộc chương trình nguyên tử và đạn đạo, với mục tiêu hoàn chỉnh loại hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Vụ bắn thử một hỏa tiễn Musudan mới vào thứ Tư tuần trước có thể giúp Bình Nhưỡng đạt mục đích này từ nay đến năm 2020.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter tuần trước nhận định, các vụ bắn thử hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên chứng tỏ sự cần thiết phải tăng cường các hệ thống lá chắn chống tên lửa như THAAD để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ cũng như các đồng minh châu Á.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.