Vào nội dung chính
BREXIT - CHÂU Á

Hậu Brexit : Hệ quả địa – chính trị và kinh tế nào với châu Á?

Về những tác động của việc Anh Quốc quyết định rời Liên Hiệp Châu Âu, sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016, trang mạng Diplomate chuyên về chính trị châu Á, có bài « Hậu Brexit : Những hệ quả địa – chính trị nào và kinh tế nào đối với châu Á ? ». Sau đây là phần lược dịch.

Một người ủng hộ Anh ở lại châu Âu, trong một cuộc tuần hành tại Luân Đôn, ngày 31/05/2016.
Một người ủng hộ Anh ở lại châu Âu, trong một cuộc tuần hành tại Luân Đôn, ngày 31/05/2016. PAUL ELLIS/AFP
Quảng cáo

Ngày 23/06, công dân Vương Quốc Anh cuối cùng đã bỏ phiếu quyết định chọn phương án rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, trong cuộc trưng cầu dân ý quốc gia. Quyết định « Brexit » đã khiến các thị trường tài chính quốc tế rơi vào hỗn loạn, chỉ qua một đêm khoảng 3 nghìn tỉ đô la bị bốc hơi. Cũng trong thời gian này, đồng bảng Anh xuống mức thấp ở mức chưa từng có trong lịch sử thế giới đương đại, nhiều hơn bất kỳ ngoại tệ mạnh khác.

Các chấn động của sự kiện Brexit lan ra toàn thế giới. Đối với Trung Quốc, quyết định của Anh Quốc rời khỏi thị trường chung của Liên Hiệp Châu Âu là một hành động gây thất vọng. Tư cách vai trò trung tâm tài chính quốc tế của Anh Quốc bị suy giảm, Brexit sẽ tác động tiêu cực đến tham vọng của Bắc Kinh để đồng nhân dân tệ trở thành một « đồng tiền tự do chuyển đổi ». Về lâu dài, Brexit cũng có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến một thỏa thuận tự do thương mại giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, bởi trong các quốc gia châu Âu, Anh Quốc là một trong những nước ủng hộ Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong vấn đề này. Với Trung Quốc, một hiệp định tự do thương mại riêng với Anh dĩ nhiên là sẽ dễ dàng hơn, nhưng các lợi ích kinh tế do thỏa thuận này là không thể sánh với thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu.

Đối với Trung Quốc, trong cái rủi, có cái may. Vấn đề Brexit chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý toàn cầu trong những tuần tới. Đối với Bắc Kinh, việc cơn bão tài chính thế giới trở thành tâm điểm thời sự quốc tế có thể khiến cho một quyết định bất lợi cho Trung Quốc tại Tòa Án Trọng Tài Thường Trực trong vụ kiện của Philippines về Biển Đông, trong những ngày tới, sẽ trở nên ít nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, người kế nhiệm chức thủ tướng Anh có thể cũng sẽ ít quan tâm hơn đến vị trí trên tuyến đầu của nước Anh tại một số khu vực chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương. Việc Anh ra đi cũng làm giảm mạnh tiềm lực quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu, khiến Pháp buộc phải trở thành quốc gia duy nhất đảm nhiệm trụ cột quốc phòng cho châu Âu.

Về phần Nhật Bản, Brexit là một tai họa. Năm khó khăn này đang trở nên tồi tệ hơn đối với thủ tướng Shinzo Abe và thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Haruhiko Kuroda. Việc giá đồng yen tăng vọt đe dọa chương trình chấn hưng kinh tế của thủ tướng Abe (tương đương với tỉ giá cách đây ba năm, trước khi Ngân hàng Nhật Bản tung ra một chương trình đại quy mô, góp phần vào việc làm giảm giá đồng yen trên 30% đối với đồng đô la). Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Nhật đã từng lựa chọn giải pháp hạ giá đồng yen, khi áp dụng lãi suất âm vào đầu năm nay. Hiện nay, Nhật chỉ còn một giải pháp duy nhất, đó là trực tiếp can thiệp vào tỉ giá hối đoái, nhưng đây là điều mà Hoa Kỳ không chấp nhận. Đối với thủ tướng Nhật, biến cố Brexit có thể mang lại một lợi thế nhỏ nhoi : Đó là bối cảnh hỗn loạn tài chính toàn cầu nói chung có thể mang lại một biện minh về chính trị cho nền kinh tế Nhật Bản đang trong tình trạng rối ren.

Trong khi đó, đối với khu vực Nam Á, Ấn Độ đón nhận quyết định Brexit với phản ứng dè dặt. Bộ trưởng Tài Chính Ấn Độ Arun Jaitley ra thông cáo, ghi nhận Brexit « hiển nhiên ít nhất cũng sẽ làm tăng tính chất bất ổn, khi hệ quả của nó đối với nước Anh, châu Âu và phần còn lại của thế giới vẫn còn chưa rõ ràng ». Hiện tại, Ấn Độ, với tỉ lệ tăng trưởng hết sức ấn tượng, là nền kinh tế lớn đang trỗi dậy duy nhất trên thế giới thu hút được giới đầu tư. Nguy cơ lãi suất toàn cầu tăng cao, đặc biệt do việc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, đe dọa đà tăng trưởng của Ấn Độ. Trong thời điểm hiện tại, Ấn Độ vẫn được hưởng lợi từ lãi suất thấp, do các thị trường phải đối mặt với một tình thế đầy bất trắc hậu Brexit. Với New Delhi, ảnh hưởng tiêu cực trước hết của Brexit là đối với các tập đoàn đa quốc gia lớn của nước này, ví dụ như Tata Group, có nhiều cơ sở tại Anh Quốc. Khi Anh Quốc rời châu Âu, doanh thu của tập đoàn giảm, có thể tác động dây chuyền đến nền kinh tế Ấn.

Còn tại khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, Brexit mở ra hai viễn cảnh. Một mặt, điều này làm gia tăng tính bất ổn định về tài chính, nhưng mặt khác, cũng có thể mang lại những cơ hội. Vương Quốc Anh xuất khẩu khoảng 15 tỷ bảng vào thị trường khối các nước Đông Nam Á, việc đồng bảng Anh bị hạ giá có thể là một cơ may cho các nền kinh tế ASEAN. Malaysia, một cựu thuộc địa của Anh, cho biết muốn thương lượng với Anh một thỏa thuận tự do mậu dịch. Trong khi đó, thủ tướng Úc thì cho rằng nền kinh tế nước này sẽ tránh được các hệ quả tồi tệ của cơn sốc tài chính Brexit, cho dù Anh Quốc là một « cánh cửa tự nhiên » vào châu Âu của Úc.

Brexit làm chậm lại nỗ lực xoay trục của Mỹ sang châu Á

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Úc rất lo ngại về các ảnh hưởng tiêu cực của Brexit đến chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ sang châu Á. Tờ báo Úc « Sydney Morning Times » (trong bài « Brexit: Australia will be hit as world will become more fragmented, less safe, say experts »), dẫn lời ông Stephan Fruehling, một cố vấn quốc phòng của chính phủ Úc, giáo sư Đại Học Quốc Gia Úc. Theo đó, những bất ổn do Brexit sẽ buộc Washington phải can dự nhiều hơn tại châu Âu về mặt an ninh, và như vậy « sẽ dành ít thời gian hơn cho các đồng minh châu Á ». Ông Euan Graham, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Viện Lowy Institute, dự đoán Brexit là « một thảm họa », và tính chất bất định về địa chiến lược và chính trị có thể sẽ lâu dài và nghiêm trọng hơn là các đảo lộn về kinh tế.

Một khảo sát mang tựa đề « Các hệ lụy địa chính trị của Brexit » (công bố hồi tháng 4/2016), của cơ sở nghiên cứu kinh tế toàn cầu BMI Research, cũng cho thấy với Brexit, sức mạnh của phương Tây sẽ bị suy giảm, trong lúc quyền lực của các cường quốc « phía Đông », như Nga, Trung Quốc đang tăng lên.

Cũng có nhiều người không đồng ý với quan điểm này. Theo chuyên gia Hoa Kỳ về quốc phòng và quan hệ Nga- Mỹ, bà Emma Ashford, người ta đã phóng đại các hệ lụy của biến cố Brexit (bài "5 Myths About Brexit/5 huyền thoại về Brexit" trên "The National Interest"). Phần lớn các luận điểm cho rằng Brexit chủ yếu là có lợi cho Nga là không có cơ sở. Việc Anh ra đi sẽ không có tác động đáng kể đến NATO, đối thủ đáng gờm của Nga. Anh chắc chắn sẽ tiếp tục đóng góp cho NATO, giống như Hoa Kỳ, Canada hay Thổ Nhĩ Kỳ, các nước không phải thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia về chính trị quốc tế Mỹ gốc Nga Nikolas K. Gvosdev (trong bài viết « Four Geopolitical Consequences of Brexit/Bốn hệ quả địa chính trị của Brexit », cũng trên báo mạng Mỹ "The National Interest") cần phải nhìn nhận vấn đề trên nhiều phương diện. Đối mặt với một châu Âu phân tán, Nga sẽ có lợi hơn rất nhiều. Chính quyền Anh, dưới sự lãnh đạo của người kế nhiệm ông Cameron, rất có thể sẽ không mặn mà với các chính sách chung của khối trong việc trừng phạt Nga, vì sự can dự của Matxcơva trong khủng hoảng Ukraina.

Chuyên gia chính trị quốc tế Nikolas Gvosdev cũng ghi nhận những ảnh hưởng tiêu cực của Brexit đến chiến lược xoay trục sang châu Á của Washington. Hệ quả là chính sách của Hoa Kỳ tại châu Á sẽ mang tính phản ứng trước từng vụ việc, hơn là một chiến lược được tính toán chủ động nhằm tạo ra được một môi trường thuận lợi. Đối với chuyên gia này, việc Hoa Kỳ coi nhẹ « các phương tiện địa - kinh tế » đã cản trở việc giải quyết vấn đề Ukraina, hạn chế khả năng giữ được Anh Quốc trong Liên Hiệp Châu Âu. Brexit không chỉ là một thất bại của thủ tướng Anh, mà cũng là thất bại của cả tổng thống Mỹ. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.