Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

Trung Quốc: Dân làng Ô Khảm biểu tình đòi trả tự do cho trưởng thôn

Thứ Hai ngày 20/06/16, hơn một ngàn người dân làng chài Ô Khảm nằm ở ven biển miền nam Trung Quốc đã biểu tình đòi chính quyền trả tự do cho trưởng thôn Lâm Tổ Luyến (Lin Zuluan). Ông Lâm đã bị cảnh sắt bắt thứ Bảy ngày 18/06/16. Làng Ô Khảm được coi là ví dụ điển hình cho nền dân chủ của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Dân làng Ô Khảm (Wukan) họp bàn về vụ trưởng thôn Lâm Tổ Luyến (Lin Zuluan) bị bắt, 20/06/2016.
Dân làng Ô Khảm (Wukan) họp bàn về vụ trưởng thôn Lâm Tổ Luyến (Lin Zuluan) bị bắt, 20/06/2016. REUTERS/James Pomfret
Quảng cáo

Ông Lâm Tổ Luyến bị bắt vì chính quyền cáo buộc ông lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Nhưng đa số người dân thì cho rằng chính quyền địa phương bắt ông Lâm để trả đũa cho vụ nổi dậy của dân làng vào năm 2011. Vụ nổi dậy này nhằm phản đối nạn chiếm đất và tham nhũng ở địa phương. Thông tin về các cuộc nổi dậy của dân làng Ô Khảm năm 2011 đã xuất hiện trên nhiều trang nhất của báo chí quốc tế.

Lần này, bất chấp lời kêu gọi không biểu tình của chính quyền Trung Quốc, dân làng Ô Khảm vẫn tuần hành trong làng, la ó phản đối hàng trăm cảnh sát chống bạo động được điều đến để giám sát các vụ biểu tình. Dự kiến một cuộc biểu tình khác sẽ diễn ra vào thứ Tư 22/06/16.

Cuộc nổi dậy ở làng Ô Khảm lần này vẫn liên quan tới việc nạn thu hồi đất bất hợp pháp chưa được giải quyết dứt điểm và về việc thiếu các dự án phát triển kinh tế địa phương dựa vào nông nghiệp và du lịch. Một người dân nói: « Chúng tôi không tin tưởng vào chính phủ. Chúng tôi phải đấu tranh để bảo vệ làng Ô Khảm và giải phóng cho ông Lâm. »

Vợ ông Lâm Tổ Luyến cho báo chí biết bà đã nói chuyện qua điện thoại với ông Lâm sau khi ông bị bắt và ông yêu cầu dân làng tiếp tục đấu tranh đòi công lý và chống lại nạn chiếm đất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.