Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KINH DOANH

Trung Quốc : Bị "hất hủi", doanh nghiệp châu Âu giảm đầu tư

Thời sự châu Á nổi bật với kết quả điều tra của Phòng Thương mại châu Âu kết hợp với văn phòng Roland Berger về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc. « Chấm dứt thời kỳ vàng son cho doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc » là nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos.

Hàng hóa tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 22/05/2016.
Hàng hóa tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 22/05/2016. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Vào lúc Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào châu Âu, thì các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới phải chịu hai bất lợi : tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới bị chững lại và ngày càng bị phân biệt đối xử so với các doanh nghiệp địa phương. Ba lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất do khó thâm nhập vào thị trường là cơ khí, dược phẩm và truyền thông đại chúng.

Trong số những người trả lời cuộc thăm dò, 56% nhận định hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn, tăng thêm 5% so với năm 2015 ; 57% cho rằng các pháp chế về môi trường được áp dụng để chống các doanh nghiệp nước ngoài ; 70% cảm thấy không được chào đón nhiệt tình như cách đây 10 năm.

Nguyên nhân đầu tiên được Les Echos nêu bật là tác động của việc chính quyền kiểm soát truy cập internet gây bất bình trong giới doanh nhân nước ngoài. Bản báo cáo ghi rõ : « Dường như Bắc Kinh luôn phản ứng theo hướng ngược lại khi ban hành các đạo luật về an ninh, thường rất mơ hồ và bóp nghẹt việc truy cập internet đến mức trừng phạt các công ty trong nước cũng như quốc tế ».

Lý do thứ hai là quyền sở hữu trí tuệ. Dù có một đạo luật quy định vấn đề này nhưng không được tôn trọng trên thực tế. Trong bối cảnh này, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp châu Âu và Hoa Kỳ chỉ dám tin một cách hạn chế vào những lời hứa mở cửa của chính phủ hay cam kết giảm sản xuất dư thừa công nghiệp, từ ngành công nghiệp nặng như lĩnh vực thép, than, xi-măng đến ngành sản xuất xe hơi hay phân phối. Lý do thứ ba là Trung Quốc đang mất dần khả năng cạnh tranh do lương của người lao động tăng cao và giá bất động sản ngày càng đắt.

Trái với một châu Âu rộng tay chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc, Bắc Kinh lại ngày càng bảo hộ doanh nghiệp nội địa. Les Echos cho biết Liên Hiệp Châu Âu đang đàm phán với bắc Kinh một hiệp ước về đầu tư. Washington cũng đi theo cách này và thảo luận vấn đề trên trong cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Trung để yêu cầu Bắc Kinh mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc.

Nhật Bản dần bỏ Trung Quốc để đầu tư vào Đông Nam Á

Vẫn theo Les Echos, với những lý do được nên trên, Trung Quốc không còn thu hút như trước và « Các tập đoàn Nhật Bản thích Đông Nam Á hơn ». Bằng chứng rõ nhất là chỉ cách đây vài ngày, tập đoàn vận tải hàng hải Nhật Bản Mitsui OSK đã đầu tư 100 triệu đô la để xây dựng một cảng container mới tại cảng Hải Phòng để chuẩn bị cơ sở cho hàng loạt tập đoàn Nhật Bản tìm cơ sở sản xuất mới ngoài Trung Quốc.

Năm 2014, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào thị trường ASEAN khoảng 20,4 tỉ đô la, nhiều hơn gấp ba lần so với đầu tư vào Trung Quốc (6,7 tỉ đô la) vào cùng thời điểm. Trong khi đó, trước năm 2012, các tập đoàn Nhật Bản luôn đầu tư vào Trung Quốc nhiều hơn so với Đông Nam Á.

Lo ngại nền kinh tế thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản hy vọng vào sự tăng trưởng ổn định hơn và bền vững hơn tại Đông Nam Á, nơi có nhiều nước (Việt nam, Malaysia, Singapore…) sẽ được hưởng lợi từ hiệp định tự do mậu dịch (TPP) ký với Hoa Kỳ.

Một lý do khác khiến các tập đoàn Nhật Bản giảm bớt đầu tư vào Trung Quốc chính là môi trường kinh doanh tại đây ngày càng xấu đi. 13% nhà đầu tư Nhật nêu lý do là khung quản lý bị thắt chặt, trong khi đó chỉ 4% doanh nghiệp Nhật tại Đông Nam Á bận tâm về vấn đề này.

Châu Âu tìm cách chặn làn sóng nhập cư châu Phi

Liên Hiệp Châu Âu quyết định đưa vấn đề nhập cư làm trọng tâm chiến lược đối ngoại của mình. Bruxelles tìm cách nối lại hợp tác với các đối tác không thuộc Liên Hiệp, đồng thời cải thiện điều kiện đón nhận người nhập cư và giảm bớt gánh nặng cho các nước thành viên. Chủ đề này được tất cả các nhật báo Pháp đề cập trong số ra ngày hôm nay.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde, ông Frans Timmermans, phó chủ tịch thứ nhất Ủy Ban Châu Âu, nhấn mạnh : « Châu Âu có phương tiện để làm chủ tình hình nhập cư ». Bruxelles phải thuyết phục được các nước trung chuyển (Libya, Tunisia, Liban, Jordiani, Thổ Nhĩ Kỳ) chấp nhận đón những người nhập cư mới nhờ các chương trình hỗ trợ tài chính và hoạt động hữu ích tại chỗ (xây dựng trường học, bệnh viện…)

Ngoài ra, Liên Hiệp sẽ dùng đến vũ khí kinh tế để « tấn công làn sóng nhập cư châu Phi », theo thông tin trên nhật báo Le Figaro. Lần đầu tiên, Ủy Ban Châu Âu đề xuất sử dụng đòn trả đũa kinh tế để buộc lãnh đạo các nước châu Phi cùng hợp tác ngăn chặn làn sóng di dân (Niger, Nigeria, Mali, Senegal, Ethiopia). Bruxelles đang tìm cách đạt được các thỏa thuận để các nước châu Phi này nhận lại công dân của mình.

Kết hợp với các nước láng giềng của Liên Hiệp Châu Âu để giải quyết khủng hoảng nhập cư không phải là ý tưởng mới của Bruxelles. « Bruxelles trông cậy vào các nước láng giềng để giải quyết khủng hoảng nhập cư » là nhận định của La Croix. Nhật báo công giáo trích lời phát biểu của người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Frederica Mogherini : « Hàng triệu người đang di chuyển trên khắp thế giới, và điều này chỉ có thể giải quyết được nếu chúng ta hành động tập thể, trong quan hệ đối tác toàn cầu ». Còn theo đánh giá của nhật báo kinh tế Les Echos, với chiến lược di dân mới, « Châu Âu muốn làm nản lòng những người nhập cư trong tương lai ».

Hillary Clinton, phụ nữ đầu tiên chạm tay vào Nhà Trắng ?

Ứng viên đảng Dân Chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng thông báo đạt được số phiếu đại cử tri cần thiết để được đề cử tham gia tranh cử tổng thống trong đại hội đảng vào tháng Bẩy tới đây.

Les Echos nhận định : « Hillary Clinton là phụ nữ đầu tiên chạm tay vào Nhà Trắng ». Thế nhưng, trước khi đến được thời khắc đó, cựu ngoại trưởng Mỹ còn phải đối mặt với thách thức tập trung được toàn bộ phe Dân Chủ đằng sau mình. Vì đối thủ chính của bà trong đảng Dân Chủ, thượng nghị sĩ bang Vermont, ông Bernie Sanders vẫn không thừa nhận thắng lợi của bà Clinton, trong khi đó ông được đông đảo thanh niên ủng hộ.

Theo nhận định của ông William Daley, cựu giám đốc chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ứng viên Al Gore, « Bernie Sanders đang tạo tiền lệ cho đảng Dân Chủ nếu ông không truyền lại năng lượng cần thiết cho bà Hillary Clinton để đánh bại Donald Trump ».

Quay lại cặp đôi Hillary Clinton-Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, trang nhất nhật báo Le Monde đánh giá cả hai ứng viên đều có một điểm chung là « không được lòng người Mỹ ». Ứng viên đảng Dân Chủ đang vất vả thuyết phục cử tri nam da trắng, còn ứng viên đảng Cộng Hòa thì không được lòng cử tri nữ, đặc biệt trong cộng đồng người Mỹ la-tinh và người Mỹ gốc Phi.

Zlatan "có thể khiến tổng thống Hollande nổi tiếng hơn"

Sau bốn năm thi đấu trong mầu áo của Paris Saint-Germain và giúp CLB bóng đá này bốn lần vô địch nước Pháp, Zlatan Ibrahimovic quay lại Pháp để thi đấu cho mầu áo Thụy Điển tại giải Euro 2016.

Trả lời phỏng vấn độc quyền với nhật báo Le Monde, cựu tiền đạo của PSG cảm ơn Qatar đã cho anh khám phá Paris, thành phố huyền diệu. Đồng thời cũng cho rằng nước Pháp phải cảm ơn Qatar vì nếu không có Quỹ Đầu tư Qatar (Qatar Investment Authority) thì nước Pháp không bao giờ được chứng kiến Zlatan thi đấu.

Bốn năm sống tại Pháp, Zlatan khẳng định giúp đỡ rất nhiều đất nước này. Anh không trốn thuế, dù mức thuế áp dụng đối với thu nhập trên 1 triệu euro lên đến 75% và đích thân khai thuế thu nhập hàng năm.

Chưa từng gặp trực tiếp François Hollande, Zlatan cho rằng tổng thống Pháp đã không gặp may vì không được gặp tiền đạo PSG. Khi được hỏi ý kiến về tỷ lệ bất tín nhiệm của người dân đối với người đứng đầu nhà nước Pháp, Zlatan khẳng định « có thể làm tổng thống Pháp nổi tiếng hơn nếu tôi muốn ».

Tự nhận là một người bình thường, đơn giản và kín tiếng, Zlatan cho rằng trong bảng thành tích của mình, anh chỉ còn thiếu mỗi giải thưởng Nobel và vẫn còn thời gian để có thể đạt được.

Thời sự Pháp nổi bật trên trang nhất các nhật báo

Ngành đường sắt Pháp SNCF tiếp tục đình công, mà theo nhận định của bài xã luận trên tờ Le Figaro là « một nỗi xấu hổ quốc gia », tác hại của thuốc diệt cỏ Glyphosate, đảm bảo an ninh cho giải Vô địch Bóng đá châu Âu Euro 2016 và cựu trader Jérôme Kerviel của ngân hàng Pháp Société Générale được xử thắng kiện và được bồi thường 450.000 euro vì bị sa thải « không có lý do chính đáng ». Đây là những chủ đề thời sự chính của Pháp trên các nhật báo trong số ra ngày hôm nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.