Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - BẮC TRIỀU TIÊN

Trung Quốc hé mở đối thoại với Bắc Triều Tiên

Về thời sự châu Á, báo chí Pháp ngày 07/06/2016 quan tâm nhiều đến tình hình căng thẳng Biển Đông, và nhất là Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần 8 diễn ra tại Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp Ri Su Yong, quan chức cao cấp của Bắc Triều Tiên thăm Bắc Kinh, ngày 01/06/2016.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp Ri Su Yong, quan chức cao cấp của Bắc Triều Tiên thăm Bắc Kinh, ngày 01/06/2016. Xinhua/Pang Xinglei/via REUTERS
Quảng cáo

La Croix có bài giải thích « Trung Quốc và Hoa Kỳ mặt đối mặt tại Châu Á », nhằm giúp độc giả hiểu rõ căng thẳng trên Biển Đông qua ba câu hỏi lớn : Bản chất của những tranh chấp trên Biển Đông là gì ? Liệu những căng thẳng đó có làm bùng nổ chiến tranh hay không ? Và Khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn sẽ là một khu vực căng thẳng hay không ?

Cũng nhân đối thoại lần này, « Trung Quốc và Hoa Kỳ phơi bày các bất đồng của mình » như nhận xét của Les Echos. Ngoài vấn đề Biển Đông, một loạt các chủ đề lớn khác đã được đưa ra thảo luận trong kỳ đối thoại này từ hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, vấn đề Đài Loan, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, cho đến khủng bố, nhân quyền và tỷ giá đồng nhân dân tệ.

Cơ hội sưởi ấm quan hệ Trung – Triều ?

Về phần mình, Le Monde quan tâm đến quan hệ Trung Quốc – Bắc Triều Tiên. Tờ báo nhận thấy, trong tuần trước, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp đặc phái viên của chế độ Bình Nhưỡng và một lần nữa, Bắc Kinh tỏ thái độ cứng rắn trong hồ sơ vũ khí nguyên tử. Đầu tuần này, nhân đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã tuyên bố là nhất thiết phải duy trì sức ép với Bắc Triều Tiên.

Theo nhận định của báo Le Monde, nếu như Bắc Kinh có vai trò chủ chốt trong việc tăng cường cấm vận đối của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư, hồi tháng Giêng vừa qua, thì Trung Quốc cũng muốn chứng tỏ cho Hoa Kỳ thấy là Bắc Kinh không chấp nhận bị áp đặt chính sách đối ngoại trong quan hệ với Bắc Triều Tiên.

Đây cũng chính là thông điệp mà chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra khi tiếp ông Ri Su-yong, vụ trưởng phụ trách quan hệ quốc tế của đảng Lao Động Triều Tiên, ủy viên Bộ Chính Trị. Nhật báo Global Times cho rằng cuộc gặp này đã gạt bỏ « cái bẫy » mà « nhiều thế lực quốc tế » đưa ra nhằm «đẩy Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đến đối đầu với nhau ».

Được báo chí Trung Quốc đưa tin rộng rãi, cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và đặc phái viên Bắc Triều Tiên đã diễn ra ngay sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ bắn thử tên lửa đạn đạo bị Liên Hiệp Quốc nghiêm cấm.

Về mặt chính thức, sứ giả Bắc Triều Tiên đến Bắc Kinh để thông báo cho chủ tịch Trung Quốc về kết quả Đại hội đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ bẩy, được tổ chức hồi tháng Năm. Trung Quốc đã không cử một quan chức cao cấp nào tới dự. Tại Bắc Kinh, đặc phái viên của chế độ Bình Nhưỡng tuyên bố là Bắc Triều Tiên đã quyết định « tiến hành đồng thời xây dựng kinh tế và lực lượng hạt nhân ».

Theo chuyên gia Thì Vĩnh Minh (Shi Yong-ming), thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Trung Quốc, được báo Le Monde trích dẫn, thì dường như nguyên thủ Trung Quốc đã tỏ thái độ cứng rắn trong vấn đề hạt nhân : Chính sách của Trung Quốc là tách bạch các hồ sơ : Bắc Kinh lên án việc phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng đồng thời nói với Bắc Triều Tiên là hai nước vẫn có thể có quan hệ tốt đẹp.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 05/2013, chủ tịch Trung Quốc tiếp một nhân vật cấp cao của Bắc Triều Tiên. Trong giai đoạn vừa qua, quan hệ giữa hai nước đã xấu đi, Trung Quốc ve vãn Hàn Quốc. Tháng 09/2015, tổng thống Park Geun-hy đã là khách mời của Bắc Kinh đến dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc đệ nhị thế chiến ở châu Á.

Vào tháng 03/2016, khi mà Trung Quốc đang rất bực bội sau vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong tháng Giêng, thì xã luận của Nhân Dân nhật báo đã đưa ra một lập luận mới của Bắc Kinh. Theo đó, các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên đe dọa tính mạng của hàng triệu người Trung Quốc ; Bắc Triều Tiên chỉ tìm cách phục vụ tối đa các lợi ích chiến lược của mình.

Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc nhấn mạnh : Bắc Triều Tiên không hơn không kém chỉ là vùng đệm đối với Trung Quốc, cũng như Hàn Quốc là vùng đệm của Hoa Kỳ ; và các vùng phía đông bắc Trung Quốc cũng sẽ phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Seoul nếu như có đường biên giới chung với Hàn Quốc, chứ không phải với Bắc Triều Tiên.

Theo báo Le Monde, điều hiếm khi xẩy ra trước đây, một cuộc cách mạng nhỏ trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã được nói thẳng ra trên báo chính thống của Trung Quốc.

Cách tiếp cận mới này vẫn được tiếp tục cho đến nay : Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ hơn cả mức nhận định của một số nhà phân tích, cho khả năng thống nhất Nam-Bắc Triều Tiên và Bắc Kinh không chấp nhận để cho Bình Nhưỡng bắt bí, chi phối chính sách đối ngoại của mình trên phạm vi quốc tế.

Quan hệ giữa hai nước trong ba năm qua đã phần nào nguội lạnh vì Trung Quốc đã mất các kênh thảo luận, trao đổi truyền thống với Bắc Triều Tiên. Giờ đây, « Trung Quốc vẫn hé mở đối thoại với Bắc Triều Tiên », như tựa đề bài viết, nhằm tìm kiếm lại một đòn bẩy trong quan hệ đôi bên.

Tuy nhiên, chuyến thăm Bắc Kinh của sứ giả Bắc Triều Tiên không phải là một sự hòa giải thực sự giữa hai nước vì Bình Nhưỡng không từ bỏ chương trình hạt nhân. Theo nhận định của giới chuyên gia Trung Quốc thì Bắc Kinh « sẽ không thỏa hiệp và mối quan hệ song phương sẽ không tiến triển chừng nào Bắc Triều Tiên không thay đổi ý kiến ».

Brexit : cuộc chiến số liệu giữa phe ủng hộ và phe chống

Thời sự châu Âu nổi bật với hồ sơ « Brexit ». Chỉ còn có hơn hai tuần nữa là đến kỳ bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc Anh có nên ở lại hay ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Le Monde trên trang nhất cho biết « Bruxelles đang chuẩn bị kịch bản của một sự ly dị dài hơi ».

Liên Hiệp Châu Âu đang cố dự đoán các hậu quả tác động lên các định chế trong trường hợp phải « chia tay » với Anh quốc. Nếu như phe « Out » (tức ra khỏi châu Âu) thắng trong kỳ bỏ phiếu trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 23/6 tới đây, các cuộc thương lượng cho sự ra đi sẽ phải kéo dài từ 4-6 năm.

Bruxelles và Luân Đông sẽ phải đàm phán về những dàn xếp trong nhiều lĩnh vực, cả về kinh tế lẫn trong lập pháp. Một điểm lạ mà nhật báo quan sát thấy được đó là cho dù rất ủng hộ ở lại trong Liên Hiệp, nhưng giới trẻ nước Anh lại không mấy mặn nồng trong các chiến dịch vận động.

Les Echos quan tâm đến cuộc chiến số liệu giữa hai phe chống và ủng hộ qua hàng tựa « Brexit : phần đóng góp của Anh cho Liên Hiệp Châu Âu thổi bùng cuộc tranh luận ». Phe ủng hộ « Brexit » cho rằng nước Anh đóng góp quá nhiều mà nhận lại chẳng có bao nhiêu.

Tính từ năm 1973, thời điểm Anh gia nhập Liên Hiệp đến nay, Anh đã đóng góp đến hơn 511.487.000.000 bảng Anh. Họ cho rằng Anh quốc có lẽ sẽ tiết kiệm được 350 triệu bảng Anh mỗi tuần nếu ra khỏi Liên Hiệp, bấy nhiêu cũng đủ để « xây dựng được một bệnh viện mỗi tuần ».

Đương nhiên, phe chống « Brexit » cũng như Liên Hiệp Châu Âu phải lên tiếng phản bác những con số do phe « out » đưa ra là không chính xác. Phe ủng hộ « in » cho biết các con số của phe « Out » đã không tính đến những khoản tiền Bruxelles đổ lại cho Luân Đôn để hỗ trợ các chính sách nông nghiệp cũng như lĩnh vực tư nhân.

Bernie Sanders – Hillary Clinton : cuộc chiến dài hơi sắp đến hồi kết

Một chủ đề khác cũng được các báo Pháp hôm nay bàn tán sôi nổi là cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Le Figaro trên trang nhất đặt câu hỏi lớn : « Ông Trump có thể thắng cuộc hay không ? ».

Cách nay một năm, ông bị đánh giá là ít có uy tín, nhưng nhà tỷ phú Mỹ này đã biết thực hiện một chiến dịch vận động khi đánh mạnh vào cảm giác phản hệ thống. Kể từ giờ được các nhân vật tiếng tăm trong đảng Cộng Hòa ủng hộ, ông đang cạnh tranh khốc liệt với bà Hillary Clinton trong nhiều cuộc thăm dò.

Về điểm này, Libération cũng có cùng nhận xét khi chạy tít lớn trên trang nhất « Ai cũng chống lại bà ấy ». Gần như chắc chắn được trao quyền đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống trong Đại hội đảng vào mùa hè này, nhưng bà Clinton đang dấn thân vào một cuộc bầu cử sơ bộ dưới làn mưa chỉ trích, không chỉ đến từ ông Trump mà còn từ cả ông Sanders.

Về phần mình, Les Echos thấy là bà “Clinton tìm kiếm một sự thành công có uy tín để hoàn thiện sự đề cử của đảng Dân chủ ». Bởi vì, nếu theo tính toán, cho dù ông Sanders có thu được nhiều lá phiếu ủng hộ tại California, thì vẫn khó mà xoay chuyển tình thế. Cựu ngoại trưởng Mỹ hiện chỉ cần có thêm 26 lá phiếu ủng hộ là đạt đủ mức ấn định là 2383, bỏ xa đối thủ Sanders vẫn còn thiếu đến 817 đại cử tri.

Tuy nhiên, Les Echos nhấn mạnh đến khía cạnh tâm lý cho rằng, nếu ông Sanders thắng tại bang California, đây có lẽ sẽ là một cú đánh nặng mang tính biểu tượng dành cho đảng Dân chủ. Và điều này góp phần củng cố hơn nữa mối nghi ngờ tồn tại bấy lâu về khả năng bà Hillary Clinton đánh bại ông Donald Trump vào tháng 11/2016 tới đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.