Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - AN NINH - QUỐC TẾ

Biển Đông : Bắc Kinh và Washington đều cao giọng tại Shangri-La

Tại Diễn Đàn An Ninh Châu Á thường niên diễn ra tại Shangri-La, Singapore, từ ngày 03 đến 05/06/2016, cả Trung quốc và Hoa Kỳ đều cáo buộc nhau « gây hấn » ở vùng Biển Đông. Theo Le Figaro, « Biển Đông : Bắc Kinh và Washington đều cao giọng » khi sắp đến ngày Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye chuẩn bị ra phán quyết về đơn kiện của Philippines về đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, trưởng đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la, Singapore, ngày 05/06/2016.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, trưởng đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la, Singapore, ngày 05/06/2016. REUTERS/Edgar Su
Quảng cáo

Đáp lại những lời chỉ trích của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tuyên bố : « Chúng tôi không gây rắc rối nhưng chúng tôi cũng không sợ rắc rối ». Ông nói thêm : « Trung Quốc có đủ khôn ngoan và sự kiên trì cần thiết để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình » và cũng cảnh cáo rằng « các nước không trực tiếp liên quan thì không được phép ngầm phá hoại lộ trình hòa bình của chúng tôi vì các lợi ích cá nhân ích kỷ ».

Trung Quốc luôn gạt bỏ mọi trung gian hòa giải và đàm phán đa phương về các tranh chấp tại Biển Đông vì Bắc Kinh hy vọng gây áp lực thương mại để đạt được các đàm phán và hiệp ước song phương.

Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất báo động về thái độ ngày càng hiếu chiến của Bắc Kinh cũng như ý đồ bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye về tranh chấp ở biển Đông với Philippines. Cả Nhật Bản, Việt Nam, cùng với nhiều quốc gia châu Á khác cũng như Pháp và Anh Quốc cùng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh : « Nếu hôm nay luật hàng hải ở Biển Đông không được tuân thủ thì ngày mai, luật hàng hải ở biển Bắc, Địa Trung Hải và các vùng biển khác cũng sẽ bị vi phạm ».

Trước nhận định của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter : « Trung Quốc đang tự xây một bức trường thành cô lập », phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc tỏ ra « lo ngại về việc một số nước tiếp tục nhìn nhận Trung Quốc với tâm lý và định kiến Chiến tranh lạnh ». Trước đó, trong chuyến thăm Mông Cổ, ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng kêu gọi Trung Quốc « không nên đưa ra các biện pháp đơn phương và khiêu khích ».

Mối quan hệ Trung-Mỹ trở nên căng thẳng từ năm 2013 khi Bắc Kinh đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không trên phần lớn vùng biển Hoa Đông. Theo một nguồn tin quân sự Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Trước ý đồ trên, ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo « lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông là một hành động khiêu khích và gây bất ổn và có thể làm leo thang căng thẳng ».

Trung Quốc sẵn sàng nuốt trọn châu Âu

Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2016, tổng số tiền đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã tăng gấp hai lần so với tổng số đầu tư của nước này trong năm 2015 (62,4 tỉ đô la năm 2016 so với 27,7 tỉ đô la năm 2015) và chiếm đến một nửa tổng số vụ chuyển nhượng nước ngoài trên lục địa già.

Tính đến ngày 18/07/2016, tổng doanh thu của các doanh nghiệp châu Âu mà Trung Quốc có ảnh hưởng lên đến hơn 170 tỉ đô la, trong đó có tập đoàn hóa chất nông nghiệp Syngenta của Thụy Sĩ với trị giá đầu tư lên đến 46,6 tỉ đô la.

Theo hai phóng viên của nhật báo kinh tế Les Echos, « Châu Âu trở thành mục tiêu đầu tiên trên thế giới của các tập đoàn Trung Quốc ». Vì châu Âu đang tìm cách để tái tăng trưởng nên mở rộng cửa cho giới đầu tư quốc tế. Tỉ giá euro khá hấp dẫn so với đồng đô la cũng là một điều kiện có lợi cho giới đầu tư Trung Quốc.

Trong khi đó, tăng trưởng tại Trung Quốc cũng đang bị chững lại. Vì vậy, Bắc Kinh tìm kiếm những biện pháp mới nhằm phục hồi nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghệ trọng điểm và chuyên môn để phát triển trong nước. Ở điểm này, Đức trở thành mục tiêu chính để Trung Quốc có thể thực hiện được chiến lược « Made in China 2025 ».

Ngoài ra, đầu tư ra nước ngoài còn là cách chuyển tài sản một cách hợp pháp mà chính phủ Trung Quốc luôn tìm cách kìm hãm. Vì một số người "tay đã nhúng chàm" muốn chuyển tiền thu lợi bất hợp pháp hay tham nhũng ra ngước ngoài, bất chấp rủi ro trên 10 dự án chỉ có 1 dự án thành công, theo lời khuyến nghị của một nhà trung gian.

Riêng tại Pháp, ngành khách sạn đang trở thành mục tiêu chính của tập đoàn khách sạn số 1 Trung Quốc Cẩm Giang (Jin Jiang) và là tập đoàn lớn thứ 5 trên thế giới. Cẩm Giang hiện sở hữu khoảng 5.300 khách sạn với hơn 572.000 phòng, trong đó có cả tập đoàn Louvre Hotels Group của Pháp, đối thủ cạnh tranh chính của AccorHotels. Trong khi đó, tập đoàn AccorHotels của Pháp có 3.873 khách sạn với 511.517 phòng tính đến cuối năm 2015 với rất nhiều thương hiệu bình dân : Première Classe, Campanile hay Golden Tulip.

Cẩm Giang đã nắm trong tay 15,02% vốn của AccorHotels, song không che giấu tham vọng tăng thêm số cổ phần để nắm quyền kiểm soát AccorHotels. Thông tin này trở thành chủ đề tranh luận tại Pháp và « Nhà nước hết sức chú ý đến sự phát triển của Cẩm Giang trong tập đoàn Accor », theo nhận xét của Les Echos.

Vậy, trước làn sóng đầu tư Trung Quốc, Bruxelles làm gì ? « Không gì cả ! », theo nhận định của tác giả bài viết : « Bruxelles bất lực trước nguồn vốn Trung Quốc ». Thực vậy, theo một nguồn tin của Ủy Ban Châu Âu, « Liên Hiệp Châu Âu được đánh giá là vùng mở cửa nhất trên thế giới cho đầu tư quốc tế ». Vì vậy châu Âu không thể giám sát đầu tư nước ngoài. Còn các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thì có cách phản ứng riêng, tùy theo tình hình tại mỗi nước.

Thế nhưng, trái với thị trường châu Âu mở cửa, Trung Quốc lại kiểm tra nguồn đầu tư nước ngoài. Chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục làm chủ luật chơi trong mọi hoàn cảnh bằng cách từ chối thẳng thừng một vụ chuyển nhượng đến việc bắt buộc phải thành lập các công ty liên doanh với một công ty Trung Quốc, hay buộc phải chuyển giao công nghệ hiện đại.

Tác giả bài báo đặt câu hỏi : Nếu muốn tiếp tục kiểm soát được tương lai ngành công nghiệp của mình, liệu Liên Hiệp Châu Âu có nên tính đến việc tìm cho mình cách hành động hay không ?

« Phản ứng của NATO về quan hệ với Nga là hợp lý »

Một tháng trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Vacxava, nhật báo Le Monde đã phỏng vấn tổng thư ký Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương, NATO, về những thách thức mà khối này phải đối mặt.

Theo tổng thư ký Jens Stoltenberg, từ phía Đông, NATO phải đối đầu nước Nga ngày càng hiếu chiến và từ phía Nam, đó là sự bất ổn định do nguy cơ khủng bố. Ông tin tưởng rằng Liên Hiệp Châu Âu sẽ đạt được đồng thuận để giải quyết các vấn đề này dựa trên các biện pháp phòng thủ-ngăn chặn và cả đối thoại chính trị nhằm tìm kiếm sự ổn định với các nước lân cận, đặc biệt là với Nga.

Ông Jens Stoltenberg khẳng định Nga đã, đang và sẽ luôn là nước láng giềng quan trọng nhất của NATO. Hơn nữa, Nga còn là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc và giữ vai trò quan trọng trong việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng như trong nghị quyết phá hủy kho vũ khí hóa học của chính phủ Syria. Vì thế NATO cần tiếp tục hợp tác với Nga để tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria. Tuy nhiên, do Nga ngày càng tỏ ra hiếu chiến, vi phạm luật pháp quốc tế và đã sáp nhập trái phép bán đảo Crimée, NATO sẽ tăng cường sức mạnh và hiện diện quân sự tại Đông Âu.

Tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng cho biết NATO sẽ có cuộc đối thoại với Nga trước thềm hội nghị thượng đỉnh Vácxava. Cuộc gặp gỡ này mang ý nghĩa rất quan trọng do trong thời gian gần đây Nga tăng cường hoạt động quân sự sát biên giới với NATO. Hai bên sẽ thảo luận để hạn chế những sự cố quân sự, như vụ máy bay Nga bị bắn hạ trên vùng trời Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó tránh được những tình huống ngoài tầm kiểm soát của cả hai bên.

Về các biện pháp nhằm tăng cường sự hiện diện của NATO ở phía Nam, ông Jens Stoltenberg cho biết NATO sẽ đẩy mạnh phối hợp với Irak về việc huấn luyện sĩ quan. Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương cũng sẽ phối hợp với Jordani và Tunisia về tình báo và các lực lượng đặc biệt. Tại thượng đỉnh Vacxava, NATO sẽ quyết định hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu trong vùng Địa Trung Hải và trong lĩnh vực tin học quốc phòng.

Liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, ông Jens Stoltenberg khẳng định không hề nhằm vào Nga mà do hiện nay rất nhiều nước đang phát triển hệ thông tên lửa đạn đạo, trong đó có cả Iran.

« Brexit » : Người Anh được gì và mất gì ?

Le Figaro, Le Monde và Les Echos lần lượt phân tích những lợi ích và thiệt hại đối với người dân Anh trong trường hợp nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Theo một khảo sát vào tháng 05/2015, được đăng trên tờ Le Figaro với dòng tựa : « Người châu Âu không tin vào "Brexit" », 28 nước thành viên đều bày tỏ rõ ràng mong muốn Anh ở lại Liên Hiệp. Tỉ lệ người ủng hộ nước Anh ở lại Liên Hiệp tăng nhiều so với kết quả khảo sát tháng Tư vừa qua. Trong khi đó, 41% số người Anh được hỏi phản đối "Brexit" và tỉ lệ ủng hộ là 43%.

Còn theo bài báo « "Brexit" : những số liệu trong tâm điểm tranh cãi », nhật báo Le Monde đề cập đến những thiệt hại mà "Brexit" có thể gây ra. Chẳng hạn trung bình mỗi người Anh sẽ mất đi khoảng 5.000 euro từ nay tới năm 2030 và lương sẽ giảm 48 euro mỗi tuần. Kinh tế Anh sẽ bị suy yếu : các thị trường tài chính bị chấn động, đầu tư bị đóng băng.

Tuy nhiên, theo phe ủng hộ "Brexit" thì những con số thống kê ồ ạt này chỉ nhằm làm dân chúng sợ hãi "Brexit" mà thôi. Theo họ, cho dù tổng sản phẩm quốc nội có giảm 0,1% trong bốn quý theo như dự báo thì nó cũng không quá nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng 2008 hay suy thoái kinh tế năm 1992.

Trong khi đó, nhật báo Les Echos lại tập trung phân tích mặt tích cực của "Brexit". Theo những người ủng hộ nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, đây là giải pháp duy nhất để giảm tỉ lệ nhập cư hiện đang ở mức quá cao và dần trở nên không thể kiểm soát được.

Ra khỏi Liên Hiệp châu Âu, nước Anh cũng tiết kiệm được nhiều tỉ euro mỗi năm vì không phải đóng góp vào ngân sách của Liên Hiệp, có thể giảm thuế giá trị gia tăng một số mặt hàng hay đàm phán các hiệp định thương mại có lợi hơn cho Anh với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ. Cuối cùng, "Brexit" sẽ cho phép tái thiết lập chủ quyền quốc gia. Nước Anh sẽ có thể tự quyết định các vấn đề của mình mà không phải phụ thuộc vào Nghị Viện Châu Âu.

Hàn Quốc : Gia đình bị phá vỡ vì xã hội siêu tiêu thụ

Từ lâu nay, trên đường phố Seoul (Hàn Quốc), người ta vẫn nhìn thấy một chiếc xe buýt mầu vàng. Theo thông tín viên của nhật báo công giáo La Croix, đây là trung tâm tiếp đón rất nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc bỏ nhà "đi bụi" và sống lang thang ngoài đường phố. Người ta ước lượng có khoảng 250.000 thiếu niên bỏ nhà, một con số đáng báo động trên tổng số dân hàn Quốc là 50 triệu dân.

Nhà sáng lập trung tâm "Agit" trên chiếc xe buýt vàng, ông Vincenzo Bordo, cho biết : « Phần lớn các thanh niên này đều có hoàn cảnh chung : cha mẹ ly dị, bố mẹ kế không đối đãi tử tế con ghẻ, chửi mắng và bạo lực. Kết cục là các em bỏ nhà đi lang thang ».

Trên thực tế, những thanh thiếu niên bỏ nhà không ngủ ngoài phố. Họ tìm được chỗ trú tạm trong những tiệm cà phê Internet, sauna hay các tiệm ăn nhanh mở cửa cả ngày lẫn đêm. Vẫn theo lời kể của ông Bordo, « nhiều em cùng nhau lập thành "gia đình bụi". Một số em khác thì cùng nhau thuê những căn hộ nhỏ ». Thế nhưng, vì thiếu tiền nên thường xuyên dẫn đến việc môi giới mại dâm. Theo nhật báo Hankyoreh, một nửa thanh thiếu niên "đi bụi" sống nhờ tiền bán dâm, một hiện tượng đang hoành hành tại Hàn Quốc. Còn những cậu con trai trở thành con mồi dễ dàng cho những mạng lưới mafia.

Số lượng trẻ vị thành niên bỏ nhà đi bụi ngày càng tăng được ông Bordo giải thích đây là triệu chứng của một xã hội siêu tiêu thụ : « Cha mẹ các em thường làm việc từ 7 giờ sáng đến 22 giờ. Cần phải có rất nhiều tiền để có thể sống tại đây. Các mối căng thẳng ngày càng nhiều. Tiền trở thành mục đích cuối cùng, và những đứa trẻ cũng bị cuốn theo xu hướng này. Có điều gì đó đáng bị phá vỡ trong xã hội Hàn Quốc, không còn chỗ cho con người. Bạn trở thành một cỗ máy kiếm tiền ».

Trong khi mỗi tối, chiếc xe "Agit" vẫn đi dọc quanh các khu công viên, sân thể thao và các đồn cảnh sát để tiếp đón, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn này nhờ « đóng góp hảo tâm của các cá nhân », thì « chính quyền thành phố vẫn từ chối thừa nhận hiện thực trên ». Nếu như báo chí tiên tiến và một vài nhà văn lên tiếng vấn đề đau lòng này, thì vẫn có rất nhiều người nhắm mắt bỏ qua.

Hậu quả lụt lội tại Pháp

Hậu quả lụt lội tại Pháp cũng là một chủ đề được đề cập nhiều. Theo thông tin trên trang nhất của Le Monde, mực nước trên sông Seine đoạn đi qua Paris đã giảm xuống, nhưng tình hình lại trầm trọng hơn ở nhiều tỉnh ở thượng nguồn.

Theo tổng kết của Le Figaro, « Lũ lụt đã khiến 4 người thiệt mạng và 24 người bị thương », tổng thiệt hại về vật chất được thẩm định lên đến 2 tỉ euro. Riêng nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến « các bài học rút ra sau đợt lũ lụt ». Tờ báo trích nhận định của bà Françoise Piton, thư ký Liên đoàn các Hiệp hội Phòng chống Lũ lụt Quốc gia, công việc phòng ngừa vẫn không được thực hiện đầy đủ. Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh đến việc « giáo dục » người dân vì « một số người vẫn nghĩ rằng có thể được an toàn khi ngồi trong xe hơi ».

Mohamed Ali : Giã từ một huyền thoại

Le Monde dành nửa trang nhất để nói về huyền thoại quyền Anh Mohamed Ali mà tờ báo đánh giá là « một phần lịch sử nước Mỹ từ 1942 đến 2016 ». Trên trang nhất của Libération, đi kèm với hình ảnh nắm đấm của Ali là dòng tựa « Anh từng là một ông hoàng ». Huyền thoại Mỹ và biểu tượng của thế kỷ XX, nhà vô địch quyền Anh qua đời ngày 03/06/2016.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.