Vào nội dung chính
BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

Bình Nhưỡng dọa trả đũa khốc liệt Seoul sau một sự cố trên biển

Ngay sau ngày hải quân Hàn Quốc bắn cảnh cáo hai tàu Bắc Triều Tiên gần giới tuyến trên biển Hoàng Hải, hôm nay, 28/05/2016, Bắc Triều Tiên lên tiếng đe dọa « tấn công trả đũa khốc liệt » Hàn Quốc

Lãnh đạo Kim Jong Un (P) - Ảnh chụp tại Bình Nhưỡng ngày 10/05/2016, nhân lễ diễn hành kết thúc Đại Hội thứ 7 của Đảng Lao Động.
Lãnh đạo Kim Jong Un (P) - Ảnh chụp tại Bình Nhưỡng ngày 10/05/2016, nhân lễ diễn hành kết thúc Đại Hội thứ 7 của Đảng Lao Động.
Quảng cáo

Thông cáo của Bộ Tham Mưu quân đội Bắc Triều Tiên được hãng tin nước này KCNA phổ biến hôm nay nói, từ giờ trở đi tất cả các tàu của Hàn Quốc chỉ cần xâm phạm « 0,001 milimét » trong hải phận của Bắc Triều Tiên là miền Bắc sẽ khai hỏa không cần cảnh cáo.

Hôm qua, một tàu chiến Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo để nhắc nhờ một tàu tuần duyên và một tàu cá của Bắc Triều Tiên đã vượt qua hải phận Hàn Quốc theo đường giới tuyến vốn còn gây tranh cãi. Bình Nhưỡng không công nhận đường giới tuyến này vì cho rằng ranh giới do Liên Hiệp Quốc đơn phương vẽ ra từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Quân đội Bắc Triều Tiên đòi Seoul xin lỗi vì hành động mà Bình Nhưỡng gọi là « khiêu khích quân sự bất cẩn» có thể dẫn tới bùng nổ chiến sự.

Thông cáo của quân đội Bắc Triều Tiên cũng cảnh báo, trong trường hợp sự cố lại xảy ra, Hàn Quốc sẽ phải « hứng chịu những cuộc tấn công đáp trả, bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu và bằng mọi cách ».

Bắc Triều Tiên, tuần trước, đã kêu gọi Hàn Quốc chấp nhận đề nghị của lãnh đạo Kim Jong Un ngồi vào bàn thương lượng quân sự. Nhưng Seoul đã bác bỏ thẳng thừng với điều kiện tiên quyết là Bình Nhưỡng phải có hành động cụ thể giải trừ vũ khí hạt nhân.

Bình Nhưỡng chịu thêm sức ép của Châu Âu

Ngày 27/05/2016, Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua các biện pháp hạn chế mới nhằm vào chế độ Bình Nhưỡng nhằm tăng cường hiệu quả cho các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc ban hành từ sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng gần đây.

Các biện pháp đưa ra lần này nhằm vào các hoạt động trao đổi thương mại, dịch vụ tài chính, đầu tư hay giao thông vân tải. Những biện pháp cấm vận mới này để bổ sung vào các trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu đối với Bình Nhưỡng đã được ban hành từ năm 2006.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.