Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - G7

Bắc Kinh chống thượng đỉnh G7 can dự vào Biển Đông

Lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới hiện nay trong nhóm G7 đã khai mạc 2 ngày họp thượng đỉnh vào hôm nay, 26/05/2016 tại Nhật Bản. Trước những thông tin dồn dập cho biết là G7 sẽ ra tuyên bố chung đả kích những hành vi bị cho là quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, Bắc Kinh đã tức tối lên tiếng đòi G7 không nên can dự vào vấn đề Biển Đông.

Lãnh đạo các thành viên G7 tại thượng đỉnh Ise Shima, Nhật Bản, ngày 26/05/2016
Lãnh đạo các thành viên G7 tại thượng đỉnh Ise Shima, Nhật Bản, ngày 26/05/2016 REUTERS/Jim Watson/Pool
Quảng cáo

 Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng « G7 nên tập trung vào nhiệm vụ riêng, đó là hợp tác kinh tế, và không nên chỉ trỏ vào một cái gì đó bên ngoài trách vụ của mình ».

Ngay từ tối qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên giọng cảnh cáo G7 là phải duy trì « lập trường vô tư và công bằng thay vì áp dụng các tiêu chuẩn kép hoặc kết bè với nhau ». Đối với ông Vương Nghị, Trung Quốc «không muốn thấy bất kỳ cuộc thảo luận hoặc hành động nào có thể gây nên căng thẳng hoặc làm căng thẳng leo thang trong khu vực».

Như thông lệ, chính quyền Trung Quốc đã bật đèn xanh cho các phương tiện truyền thông tuôn ra những lời lẽ nặng nề nhất nhắm vào lãnh đạo nhóm G7 bao gồm Nhật, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý.

Tân Hoa Xã, trong một bài xã luận với lời lẽ hết sức cay cú đã khuyên G7 là nên « đèn nhà ai nhà ấy rạng » đừng xía vào chuyện của người khác và « đổ thêm dầu vào lửa ». Tân Hoa Xã không ngần ngại tố cáo Nhật Bản là lợi dụng vị thế nước chủ nhà của hội nghị để cô lập Trung Quốc. 

Bắc Kinh đã có phản ứng gay gắt như trên trong bối cảnh các lãnh đạo đến dự hội nghị thượng đỉnh G7 đã lần lượt cho rằng cần phải kiên quyết chống lại các hành vi có mục tiêu phá vỡ hiện trạng tại Biển Đông, quân sự hóa khu vực, đe dọa quyền tự do hàng không và hàng hải, tập trung vào việc làm thế nào để thúc đẩy nhu cầu và khuyến khích tăng trưởng.

Một ví dụ cụ thể là vào hôm nay, đến lượt chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk – tức là nhân vật có chức danh tương đương với chức « tổng thống Châu Âu » - cho rằng nhóm G7 cần phải có một « lập trường cứng rắn » trên vấn đề Biển Đông, đang nóng lên do thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.

Trước ông Tusk, tổng thống Mỹ Barack Obama và thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngay từ hôm qua, đã tỏ thái độ kiên quyết khi cho rằng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông phải được giải quyết trong tinh thần « phù hợp với luật lệ quốc tế », chứ không phải là thông qua các hành vi « hù dọa » hay « đơn phương thay đổi hiện trạng ». Theo thủ tướng Nhật Bản, Canada cũng chia sẻ mối « quan ngại » về vấn đề bồi đắp đảo đá và quân sự hóa Biển Đông.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh tức tối đối với nhóm G7. Vào tháng 04/2016, Trung Quốc đã từng yêu cầu hội nghị các ngoại trưởng G7 là không nên nói về Biển Đông. Thế nhưng đòi hỏi của Bắc Kinh đã bị bỏ ngoài tai, và hội nghị ngoại trưởng G7 ở Hiroshima vẫn bày tỏ thái độ quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ với bản tuyên bố đó và đã triệu mời đại diện ngoại giao các nước G7 để tỏ thái độ không hài lòng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.