Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Làn sóng mới của điện ảnh Châu Á

Đăng ngày:

Davy Chou, Junfeng Boo, Yeon Sang Ho, Na Hong Jin hay K. Rajagopal là những cái tên còn xa lạ với giới yêu điện ảnh, nhưng họ lại tiêu biểu cho thế hệ mới các nhà làm phim trẻ của Châu Á. Với những hướng đi riêng biệt, 5 nhà làm phim này đã lọt vào mắt xanh ban tổ chức Liên hoan Cannes lần thứ 69.

Đạo diễn Hàn Quốc- Na Hong Jin (trái) và đoàn làm phim họp báo tại Cannes ngày 18/05/2016.
Đạo diễn Hàn Quốc- Na Hong Jin (trái) và đoàn làm phim họp báo tại Cannes ngày 18/05/2016. Reuters
Quảng cáo

Trong lúc ông khổng lồ Trung Quốc với những ngôi sao điện ảnh tên tuổi trên bầu trời nghệ thuật quốc tế hoàn toàn vắng bóng tại Festival Cannes 2016, một đất nước nhỏ bé như Singapore với 5,6 triệu dân, lại hiện diện trong hai chương trình chính thức của Cannes. Một ở hạng mục Un Certain Regard –Nhãn Quan Độc Đáo, và một trong khuôn khổ chương trình Semaine de la Critique. Tuần lễ dành cho các nhà Phê Bình có tiêu chí tìm những tài năng mới.

Đạo diễn Singapore Junfeng Boo, tác giả của Apprentice- tại Cannes.
Đạo diễn Singapore Junfeng Boo, tác giả của Apprentice- tại Cannes. Thanh Hà/RFI

Hứa hẹn của điện ảnh Singapore

Khán giả và các nhà phê bình đã dành nhiều lời khen ngợi cho Apprentice- Kẻ học việc của nhà làm phim Junfeng Boo, 32 tuổi. Cách nay đã 6 năm, bộ phim đầu tay của anh, Sandcastle –Lâu đài Cát được đề cử tranh giải Ống Kính Vàng. Lần này hội ngộ thành phố của Biển Biếc, Junfeng Boo đem đến Cannes một tác phẩm nói về án tử hình, qua cái nhìn của kẻ học việc, từng bước trở thành người có trọng trách treo cổ các tù nhân bị tử hình :

« Nút dây phải được đặt chính xác phía dưới tai trái, gần quai hàm. Chiều dài của sợi thừng phải phù hợp một cách chính xác với sức nặng của phạm nhân, để nghe được tiếng ‘crack’ rất nhỏ và kẻ bị hành quyết chết ngay tại chỗ, một cái chết không đau đớn ».

Đó là bài học đầu tiên Rahim, ông cai ngục già chuyền lại cho Aiman, một thanh niên mới vào đời và đã chọn nghề cai tù. Ông già Rahim nhìn thấy ở Aiman, hình ảnh của chính mình thời trai tráng. Nhưng Aiman vùi sâu tận đáy lòng một điều hết sức thầm kín.

Apprentice có sức lôi cuốn rất mạnh, nói về án tử hình vẫn hiện hành tại Singapore. Không cần nhiều lời, ống kính của đạo diễn Junfeng Boo thể hiện rất rõ quan điểm của tác giả về hình phạt tối cao này. Không phê phán, không tuyên chiến với án tử hình hay một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ bác bỏ hình phạt này, Kẻ học việc chỉ nêu lên vấn đề bên cạnh nhiều nghi vấn về lỗi lầm, về những sự ăn năn.

Cái chết luôn ám ảnh Aiman và người chị, trong một xã hội mà con cái của những kẻ bị kết án tử hình thường bị ruồng bỏ, khinh rẻ, như thể đối với họ, tội ác của cha, chú, anh em là một bản án chung thân.

Chị gái của Aiman chạy trốn quá khứ khi nhận lời cầu hôn của một chàng trai người Úc. Còn anh cai ngục thì nhận kế nghiệp ông già Rahim để đến gần hơn với tử thần. Anh vừa ghê tởm, nhưng lại vừa bị chết lôi cuốn. Với Apprentice, Junfeng Boo thu vào ống kính một cái bẫy đang khép lại với Aiman, một chàng trai bị dồn vào ngõ cụt.

Trả lời RFI tiếng Việt tại Cannes, đạo diễn Singapore cho biết với anh, điều quan trọng hơn cả, không phải là áp đặt quan điểm của mình về một chủ đề nhậy cảm như án tử hình, ở đây không đặt ra vấn đề là bênh hay chống. Cái chính là khơi dậy ý thức của mọi người trên một vấn đề mà nhiều người muốn tránh đề cập tới.

Chim vàng anh và hy vọng

Ở hạng mục Tuần lễ dành cho các nhà Phê Bình, bộ phim đầu tay, A Yellow Bird- Chim Vàng Anh, của đạo diễn Singapore gốc Ấn Độ K. Rajagopal được chọn để tranh giải Ống Kính Vàng. Dự án được ấp ủ trong 20 năm, mãi đến năm 2014, nhờ được mời tham gia chương trình Les Cinémas du Monde mà RFI là một đối tác, Rajagopal mới tìm được nguồn tài trợ và đã cho ra đời đứa con tinh thần đầu lòng.

Đạo diễn Singapore gốc Ấn Độ, K.Rajagopal trả lời RFI Việt ngữ tại Cannes.Ảnh 18/05/2016
Đạo diễn Singapore gốc Ấn Độ, K.Rajagopal trả lời RFI Việt ngữ tại Cannes.Ảnh 18/05/2016 Thanh Hà/RFI

A Yellow Bird của Rajagopal đưa khán giả vào thế giới của những người ở tận cùng xã hội Singapore. Siva, một thanh niên 38 tuổi, vừa ra tù hắn tìm cách bắt đầu một cuộc sống lương thiện. Nhưng quá khứ ở đâu hiện về. Siva bị gia đình và xã hội, bỏ rơi. Người mẹ không bao giờ tha thứ cho cậu con trai trộm cắp. Vợ và con đã bỏ nhà ra đi. Siva tình cờ gặp một cô gái Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp sống bằng cái nghề bán chôn nuôi miệng.

Rajagopal từng đoạt ba giải thưởng của điện ảnh Singapore với những I Can’t Sleep Tonight (1995), The Glare (1996) và Absence (1997). Nhưng đây là lần đầu tiên phim của anh vươn ra quốc tế.

Để đến được Cannes lần này, Rajagopal đã nhận được sự hỗ trợ quý giá của quỹ CinéFondation mà ban tổ chức Liên hoan Cannes dành để khuyến khích các nhà làm phim trẻ.

Về tựa đề của phim, Chim vàng anh, Rajagopal giải thích : Đây là một cái tựa mang tính hoài niệm, bởi khi còn bé, mẹ của Rajagopal thường nói, mỗi khi nghe tiếng chim vàng anh hót, thì ta nên nguyện ước mơ một điều gì. Giấc mơ đó thể nào cũng thành.

Nhựa sống của phim ảnh Hàn Quốc

Nhìn đến điện ảnh Hàn Quốc, sau những thế hệ như Im Kwon Taek – Ivre de femmes et de peinture (2001) Kim Ki Duk - người từng đoạt Sư tử vàng Liên hoan Venise, Gấu bạc của Berlin hay Un Certain Regard của Cannes năm 2011, đến lượt Yeon Sang Ho và Na Hong Jin đưa điện ảnh xứ Hàn đi xa hơn.

Phim của cả hai đạo diễn này cùng được mời tham dự chương trình Cannes lần thứ 69, nhưng không tranh giải. Đây là một hình thức để ban tổ chức nhấn mạnh đến vị trí đặc biệt của nghệ thuật thứ 7 Hàn Quốc.

Yeon Sang Hồ, 38 tuổi đến Cannes với một bộ phim kinh dị trong chuyến tàu nối liền Seoul với thành phố cảng Busan - Train to Busan. Hành khách trên tàu bị một toán quỷ nhập tràng zombie tấn công. Chúng nhanh nhẹn, len lỏi trong những ngóc ngách chật hẹp nhất của con tàu cao tốc, chuyến xe cuối cùng đưa hành khách xa thủ đô Seoul, nơi đang phải đối mặt với một tai họa : một thứ virus đang bao phủ lên thành phố này.

Bầy quỷ nhập tràng trong phim của Yeon Sang Ho mang trên người một loại virus nguy hiểm, tấn công vào những hành khách vô tội. Con tàu không thể dừng lại, vì ở bên ngoài, tình huống còn bi thảm hơn gấp bội.

Kinh dị và trinh thám trong ống kính của Na Hong Jin

Về phần mình, Na Hong Jin, 42 tuổi với Goksung- Kẻ Xa Lạ chọn nói về một ngôi làng quê, bỗng dưng có một vị khách lạ đến thăm, rồi ở hẳn tại đó. Kế tiếp là hàng loạt các vụ sát hại thảm khốc không ai có thể làm sáng tỏ. Những lời đồn thổi về ông khách xa lạ, những mê tín dị đoan của dân làng. Giới điều tra thì bất lực cho tới khi gia đình một nhân viên cảnh sát bị đe dọa và không còn ai nghi ngờ : những án mạng đó là Trời phạt. Bộ phim gay cấn và hồi hội đến nghẹt thở.

Goksung là bộ phim kinh dị thứ 5 của Na Hong Jin. Anh từng đoạt giải Sen Vàng của liên hoan phim châu Á Deauville 2009 với The Chaser và giải dành cho đạo diễn tài năng nhất của liên hoan quốc tế Cataluna 2011 nhờ The Murderer.

Davy Chou, ‘'chouchou'’ của Cannes

Nhưng đạo diễn dường như được Cannes ưu ái nhất năm nay là Davy Chou, người Pháp gốc Cam Bốt. Sau một bộ phim tài liệu nói về tội ác Khemer Đỏ, lần này Davy hiện diện ở hạng mục Semaine de la Critique với Diamond Island, Đảo Kim Cương.

Davy Chou 32 tuổi đã có một cái nhìn rất tinh tế về những chuyển biến xã hội trên đất nước anh, nhưng tại Cam Bốt, dấu ấn của những năm tháng Pol Pot vẫn còn đọng lại. Giới phê bình đã dành cho Diamond Island của Chou nhiều lời khen tặng khi anh vẽ nên một bức tranh của cả một thế hệ trẻ đang già trước tuổi, trước những ảo vọng của sự thành đạt, trước những cánh chim non đang lao vào đời.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.