Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HỒNG KÔNG

Trung Quốc và sách lược ve vãn Hồng Kông

Nhật báo Pháp ngày 19/05/2016 mỗi tờ một vẻ, nhưng bất ngờ là cả Le Monde lẫn Le Figaro đều chú ý đến quan hệ Bắc Kinh-Hồng Kông nhân chuyến thăm Hồng Kông của chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc Trương Đức Giang. Nếu Le Figaro ở trang quốc tế chạy tựa « Bắc Kinh tìm cách xoa dịu Hồng Kông », thì Le Monde, cũng trang quốc tế, thấy là « Bắc Kinh đang cố dỗ dành Hồng Kông ».

Biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông ngày 18/05/2016 ở Hồng Kông trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm của chủ tịch Trung Quốc.
Biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông ngày 18/05/2016 ở Hồng Kông trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm của chủ tịch Trung Quốc. DALE DE LA REY / AFP
Quảng cáo

Đặc phái viên của Le Figaro chú ý trước tiên đến lực lượng an ninh được huy động : 6000 người với sự yểm trợ của máy bay không người lái – drone, những toán đặc công gọi là « phi hổ » chốt trên các tầng lầu chung quanh khu hội nghi Wan Chai. Tuy thế, bài báo nhắc lại là cũng có vài trăm người biểu tình đến đòi dân chủ, nhưng không tiếp cận được lãnh đạo Trung Quốc.

Trung Quốc tỏ thái độ hòa hoãn khác thường

Riêng ông Trương Đức Giang, trong phát biểu hôm 17/05, khi mới đến và một hôm sau, đã không gây căng thẳng thêm giữa Hồng Kông và Bắc Kinh. Tỏ ra cởi mở, ông cũng đã tiếp xúc với một số nghị sĩ phe đối lập và những người này đã nói lên được nguyện vọng không muốn ông Lương Chấn Anh được tái nhiệm, khi hết nhiệm kỳ vào đầu 2017 và cũng kêu gọi cải tổ dân chủ.

Theo Le Figaro, phe dân chủ Hồng Kông tỏ vẻ ngạc nhiên trước thái độ của chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc : Tờ báo trích lời bà Lưu Tuệ Khanh (Emily Lau), chủ tịch đảng Dân Chủ, đã ngạc nhiên là ông Trương Đức Giang đã gặp họ « lâu hơn dự kiến và điều này chứng tỏ ý chí đối thoại của ông ».

Tờ báo cũng trích lời chuyên gia Pháp Jean-Pierre Cabestan công nhận là « giọng điệu đã thay đổi », nhưng chính sách thì không, ý muốn kiểm soát Hồng Kông vẫn không suy suyển, Bắc Kinh vẫn lãnh đạo. Theo chuyên gia Pháp, lực lượng an ninh được triển khai quá đáng đã trở nên lố bịch, không tốt cho hình ảnh của Bắc Kinh

Bắc Kinh đang cố dỗ dành Hồng Kông

Về phần mình, nhật báo Pháp Le Monde chú mục đến quan hệ không mấy thuận thảo giữa Trung Quốc và người dân Hồng Kông nhân dịp lãnh đạo số 3 Trung Quốc đến thăm đặc khu hành chánh này. Theo tờ báo Pháp, chuyến thăm đã diễn ra « dưới sự canh phòng nghiêm ngặt », và « Bắc Kinh đang cố dỗ dành Hồng Kông », tựa bài báo trên trang quốc tế.

Đối với Le Monde, mục tiêu chiêu dụ Hồng Kông của ông Trương Đức Giang, chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc và là người phụ trách vấn đề Hồng Kông, đã lộ rõ trong lời khẳng định đầu tiên của ông khi vừa đặt chân xuống phi trường Hồng Kông ngày 17 tháng 5 : Đến Hồng Kông để « nhìn, nghe và nói ».

Nhiệm vụ của lãnh đạo Trung Quốc, theo tờ báo là xoa dịu nỗi bất bình của người Hồng Kông đối với Bắc Kinh vào lúc hai sự kiện chính trị quan trọng sắp diễn ra : Bầu cử Nghị Viện Hồng Kông vào tháng Chín tới đây, và bầu lãnh đạo đặc khu này vào tháng Ba 2017 theo hình thức tập trung, do một ủy ban bao gồm 1.200 thành viên chọn lựa.

Theo ghi nhận của Florence de Changy, thông tín viên Le Monde tại Hồng Kông, chính quyền của đặc khu này đã tăng cường các biện pháp an ninh, vừa để bảo vệ vị thượng khách đến từ Hoa Lục, vừa để ông không nhìn thấy thái độ bất mãn của người dân địa phương đối với Bắc Kinh.

Một loạt biện pháp gọi là « chống khủng bố » đã được ban hành, từ việc huy động đến 6.000 cảnh sát để bảo đảm trật tự, dựng lên những lớp rào cản không thể vượt qua chung quanh khu vực có trụ sở của chính quyền, cho đến việc dùng xi măng dán lại một số hè phố lát gạch đá để khỏi bị người biểu tình cậy lên. Thậm chí, tại sân bay, lực lượng an ninh còn tịch thu một một miếng vải lau nhỏ của một nhiếp ảnh gia chỉ vì miếng vải này màu vàng, màu của « phong trào dù vàng » đã khuấy động Hồng Kông từ tháng 9 năm 2014.

Tuy nhiên, theo Le Monde, các biện pháp nói trên đã không ngăn chặn được một số hành động phản đối. Chiều hôm 17/05, cảnh sát đã phải dùng biện pháp mạnh để bắt giữ một số người biểu tình muốn tiến lại gần trụ sở Nghị Viện. Những người này là thành viên của đảng mới thành lập mang tên là Demosisto, cũng như của Liên Đoàn Dân chủ Xã hội. Một số nhóm khác thì đã thành công trong việc treo hai tấm biểu ngữ lớn đòi hỏi dân chủ thực sự, trên một cây cầu đang xây dựng, và trên một triền núi...

Vẫn là củ cà rốt kinh tế

Đối với Le Monde, uy tín của đương kim lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh không chỉ tuột giảm trong dân chúng Hồng Kông, xem ông là con rối của Bắc Kinh, mà còn xuống dốc trong mắt của Bắc Kinh. Nhân chuyến công du Hồng Kông, chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc như đã muốn xoa dịu người dân đặc khu bằng một tuyên bố ủng hộ ông Lương Chấn Anh một cách khá lạnh nhạt.

Ông Trương Đức Giang đã bày tỏ « sự hài lòng » với công việc mà đương kim lãnh đạo đặc khu đã làm, nhưng tuyên bố này kém xa « sự chuẩn y hoàn toàn » mà lãnh đạo đặc khu đã nhận được từ chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một năm trước đây.

Nhưng vũ khí mạnh nhất mà sứ giả Trung Quốc đưa ra để dụ dỗ người dân Hồng Kông là kinh tế khi ông đặc biệt nhấn mạnh đến vị trí của Hồng Kông trong chính sách « con đường tơ lụa mới », xương sống của nền ngoại giao Tập Cận Bình. Theo ông Trương Đức Giang : « Hồng Kông có vô số phẩm chất độc nhất vô nhị (...) và có năng lực thực hiện các chức năng tối quan trọng cao ».

Theo Le Monde, thông điệp kinh tế nói trên rõ ràng là nhằm bổ khuyết cho sự thiếu vắng tiến bộ về chính trị tại Hồng Kông, và khoảng cách ngày càng sâu rộng giữa những lời hứa hẹn thịnh vượng mà Bắc Kinh đưa ra, với các mối lo ngại mất tự do dân chủ ngày càng nhiều của người dân Hồng Kông.

Bầu cử Mỹ : Hillary Clinton dưới hai làn đạn

Trang nhất Le Monde chú ý đến nước Pháp, với một vấn đề xã hội trong tựa mở đầu bản tin : « Sự ly hôn không thông qua thẩm phán đang bị chỉ trích dữ dội ». Thế nhưng ảnh to của Le Monde lại dành cho bà Hillary Clinton đang vận động tranh cử, nói đến « các thắng lợi khó nhọc » của ứng viên đảng Dân Chủ Mỹ.

Đối với Le Monde, con đường khó nhọc của bà Hillary Clinton, một lần nữa được chứng minh qua kết quả bầu cử ngày thứ Ba 17/05 vừa qua : bà thắng rất xít xao đối thủ trong đảng Dân Chủ Bernie Sanders tại Kentucky, một bang khó khăn đối với bà, nhưng lại thua ở Oregon, nơi tưởng chừng bà sẽ thắng dễ dàng hơn.

Giờ đây theo Le Monde, bà Hillary sẽ phải ra sức vừa đấu với đối thủ trong đảng Dân Chủ của bà, vừa đối phó với các đợt tấn công từ phía ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump. Tờ báo ở trang trong chạy tựa : « Hillary giữa hai làn đạn ».

Tuy khoảng cách giữa bà Clinton và ông Sanders rất xa, và ông Sanders khó thể vượt qua, nhưng ông cương quyết đi đến cùng khiến bà Hillary phải kiên nhẫn chờ thêm 3 tuần nữa để có thể hội đủ số 2383 đại biểu nhân các cuộc bầu ở các bang cuối cùng trong đó có California. Như thế theo Le Monde, trong vòng 3 tuần lễ, bà Clinton sẽ phải vận động, và « chiến đấu » cùng lúc trên hai mặt trận, đấu với đối thủ trước mắt và đối thủ sắp đến – Donald Trump của đảng Cộng Hòa. Điều đó có nghĩa là phải tốn thêm tiền và sức lực trước khi lao vào cuộc chạy đua được thấy trước là rất gay go.

Bầu cử Mỹ : Phụ nữ sẽ là nguy cơ cho Donald Trump ?

Tương tự như Le Monde, Le Figaro cũng chạy tựa đầu về Pháp, nhưng về các cuộc biểu tình bạo động trong đó « chính phủ vẫn tìm cách đối phó với các kẻ phá hoại ». Ảnh trang nhất tờ báo cũng dành cho ứng viên tổng thống Mỹ, nhưng lại là ông Donald Trump, đảng Cộng Hòa, với phụ nữ bao quanh trong đó người vợ và cô con gái xinh đẹp của ông. Le Figaro chạy tựa : « Donald Trump và phụ nữ : Chủ bài hay nhược điểm ? »

Le Figaro chú ý đến ứng viên khó lường của đảng Cộng Hòa, luôn có những phụ nữ đẹp chung quanh mình, và chính ông Trump cũng công nhận : « Phụ nữ là điểm yếu của tôi ». Theo Le Figaro, bà Hillary Clinton đang muốn sử dụng điểm này để tấn công đối phương, và tờ báo chạy một tựa hóm hỉnh : « Trump đối diện với phụ nữ Châu Mỹ ».

Tờ báo nêu câu hỏi phải chăng vấn đề phụ nữ sẽ là điểm yếu của ông Trump trên con đường chinh phục Nhà Trắng ? Theo các cuộc thăm dò hiện nay thì 70% cử tri phụ nữ có hình ảnh xấu về nhà tỷ phú.

Tờ báo nhìn thấy một cuộc vận động tấn công lý thú sắp khai mào vì ông Trump hứa sẽ lôi lại chuyện quan hệ lăng nhăng của Bill Clinton ở Nhà Trắng mà bà Hillary đã che đậy như thế nào.

Giảm lương bổng giới chủ nhân

Libération hôm nay dành tựa và 5 trang trong cho vấn đề lương bổng các lãnh đạo tập đoàn. Tờ báo đang đưa ra một « kiến nghị » để giới hạn mức lương quá cao. Kiến nghị đã thu thập được 40 chữ ký đầu tiên của những nhân vật tên tuổi ở Pháp và tờ báo chạy tựa chiếm gần cả trang nhất : « Lương bổng giới chủ nhân – Lời kêu gọi của nhóm 40 gởi đến CAC 40 ». CAC 40 là nhóm 40 đại doanh nghiệp được yết gia trên thị trường chứng khoán Paris.

Thư kiến nghị của Libération « yêu cầu chính phủ ra quy định để một chủ tập đoàn không lãnh hơn 100 lần lương tối thiểu », tức 1,75 triệu euro một năm.

Tò báo nhắc lại là trong những năm 1960, lương các chủ tịch tổng giám đốc cao gấp 40 lần lương trung bình trong những công ty lớn nhất của Mỹ. Ngày nay thì khoảng cách này tăng vọt, cao gấp 200 lần ở Mỹ và 120 lần trong các công ty Pháp. Năm 2013, chính phủ Pháp muốn điều chỉnh lại nhưng đã thất bại. Trong năm 2015, lương bổng các chủ nhân các tập đoàn trong CAC 40 đã tăng từ 5% đến 11%, tính trung bình là 4,2 triệu euro/năm tức 240 lần lương tối thiểu ở Pháp.

Tờ báo nêu một số lý do khiến phải điều chỉnh tình trạng này : Từ mấy năm nay, tổ chức phát triển kinh tế OCDE và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã cảnh báo về bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng và hậu quả của nó trên tăng trưởng các nền kinh tế phương Tây.

Từ cuộc khủng hoảng 2008, trong khi đa số người dân Pháp đã nỗ lực chịu khó chịu khổ, giới thượng lưu kinh tế vẫn phơi bày sự ích kỷ, và tạo thêm mối ngờ vực đối với các định chế, phẩn uất trước bất công và tạo cơ hội cho phe cực hữu.

Tờ báo cũng ghi nhận là đưa ra luật để quy định một mức lương tối đa như thế sẽ không dễ, và có thể bị Hội Đồng Bảo Hiến bác bỏ, nhưng chính phủ vẫn có thể tìm ra phương cách hợp hiến để ra quy định trên.

Phủ tổng thống Pháp ngày vắng vẻ hơn

Về thời sự Pháp, báo Le Monde chú ý đến một sự kiện mà các đồng nghiệp không đề cập đến : Đó là phủ tổng thống ngày vắng vẻ hơn trong lúc những bữa tiệc tạm biệt do rời chức vụ thì ngày càng nhiều : hàng loạt người ra đi, đây là dấu hiệu cuối trào, như Le Monde ghi nhận trong hàng tựa.

Bài báo mở đầu bằng câu hỏi : Đây là một việc bình thường, thuyên chuyển nhân sự trong ê kíp làm việc ở phủ tổng thống, hay là một cuộc tháo chạy khỏi con thuyền trước ngọn gió thay đổi chủ ? Chỉ một năm trước bầu cử tổng thống mà các văn phòng đã trở nên trống trải và tiệc chia tay thì lại cứ nối tiếp nhau.

Theo tờ báo thì ngay ngày hôm nay, 19/05, 4 người làm việc với ông Hollande tổ chức tiệc ra đi, trong đó có nhà ngoại giao Laurent Stefanini đặc trách lễ tân của phủ tổng thống.

Le Monde tỏ vẻ nghi ngờ những giải thích của điện Elysée : « Đấy là vấn đề cá nhân, làm việc 3-4 năm người ta muốn thay đổi ». Theo tờ báo, cứ xem và đếm số người ra đi thì người ta có cảm giác đây là một cuộc tháo chạy. Một số người sẽ được thay thế, như cố vấn an ninh, tư pháp chẳng hạn, nhưng các cố vấn kinh tế thì không. Tờ báo kết luận trong một câu : « quả là không khí cuối trào ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.