Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Obama thăm Hiroshima : Dân Nhật hoan nghênh

Đăng ngày:

Vào ngày 10/05/2016, Nhà Trắng thông báo tổng thống Barack Obama sẽ đến thăm Hiroshima ngay sau khi kết thúc thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 26-27/05/2016, tại Ise-Shima, tỉnh Mie, Nhật Bản. Thông báo đã làm dấy lên nhiều phản ứng trái chiều nhau. Người dân Nhật hoan nghênh tuyên bố của Nhà Trắng.

Nhà Trắng thông báo tổng thống Barack Obama sẽ đến thăm Hiroshima sau kỳ thượng đỉnh G7.
Nhà Trắng thông báo tổng thống Barack Obama sẽ đến thăm Hiroshima sau kỳ thượng đỉnh G7. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Trung Quốc và Hàn Quốc lo ngại cánh hữu Nhật Bản muốn tận dụng cơ hội để xóa sạch tội ác chiến tranh. Nhưng với giới chuyên gia, đây là hình thức ông Obama khẳng định liên minh Mỹ - Nhật, trong bối cảnh Mỹ thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á và trước sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Với thông báo trên, ông Barack Obama sẽ là vị nguyên thủ Mỹ đang tại chức đầu tiên đến thăm Hiroshima, thành phố Nhật Bản đầu tiên trên thế giới bị hứng quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ, theo quyết định của tổng thống Harry Truman cách đây 71 năm. Nhận định đầu tiên giới truyền thông quốc tế, đặc biệt phương Tây, đưa ra đây là một chuyến thăm "lịch sử". Câu hỏi đặt ra : Nhật Bản trông đợi điều gì qua chuyến đi này của ông Obama và phản ứng của người dân Nhật Bản ra sao ? Từ Tokyo, thông tín viên RFI, Đỗ Thông Minh có bài giải thích.

RFI : Vì sao sự kiện tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hiroshima là một cuộc viếng thăm "lịch sử" ?

Đỗ Thông Minh : Như mọi người đã biết, Hoa Kỳ đã thả trái bom đầu tiên xuống Hiroshima vào ngày 06/08/1945 và ba ngày sau thì thả trái thứ hai xuống Nagasaki. Tức là Hoa Kỳ là nước thả hai trái bom nguyên tử và Nhật Bản là quốc gia đầu tiên và duy nhất bị hai trái bom nguyên tử. Cho nên việc người đứng đầu một quốc gia đã từng thả trái bom này 71 năm trước và bây giờ đích thân tổng thống Obama đến thăm chính là một sự kiện rất là "lịch sử", vì từ xưa đến giờ chưa có vị tổng thống nào của Hoa Kỳ đến đây cả. Trước đó có đại sứ Roos, tức là người tiền nhiệm của đại sứ Caroline Kennedy hiện nay, con gái của cố tổng thống J.F.Kennedy.

Từ thời ông Roos, lần đầu tiên có đại sứ Hoa Kỳ đi dự. Hằng năm ở Hiroshima và Nagasaki đều có lễ tưởng niệm,  nhưng vì Hoa Kỳ là nước thả bom nên cũng tránh không có đi dự, mặc dầu thủ tướng Nhật hay các thị trưởng Hiroshima và Nagasaki trong các bài diễn đều không bao giờ chỉ trích Mỹ cả, chỉ yêu cầu là thế giới hãy từ bỏ vũ khí nguyên tử và hãy nhìn tấm gương Nhật Bản.

Vài năm gần đây, đại sứ Roos, có thể là đại sứ Kennedy và nhất là ngày 11/04/2016 rồi, ngoại trưởng John Kerry cùng với ngoại trưởng khác trong khối 7 quốc gia (G7) cũng đã đến thăm Hiroshima. Đây quả là một bước đi "lịch sử" mà nhất là đích thân tổng thống Obama. Do đó, theo thăm dò, có trên 70% người Nhật, rất mong đợi tổng thống Obama đến đây.

RFI : Chính phủ Nhật Bản trông đợi gì từ chuyến đi này của ông Obama ?

Đỗ Thông Minh : Tiếng nói xuất phát từ Hiroshima và Nagasaki hằng năm đôi khi trở thành nhàm chán và lu mờ. Nhưng với sự hiện diện của tổng thống Obama, là người mà như chúng ta biết ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên đã kêu gọi một thế giới không có vũ khí nguyên tử. Và chính vì lời kêu gọi này mà ông Obama đã được trao giải thưởng Nobel hòa bình rất sớm, mặc dầu mới nói ra mà chưa có gì cụ thể cả, cũng như chưa biết nhiệm kỳ ông sẽ làm gì, nhưng ông Obama đã được nhận giải thưởng Nobel. Nhiều người cho rằng việc trao giải thưởng này hơi vội vã. 

Nhưng với tiếng nói của ông Obama dự trù sẽ tới đây cũng như việc ông đọc bài diễn văn liên quan đến vấn đề kêu gọi thế giới không có vũ khí nguyên tử, thì điều đó đẩy mạnh hơn nữa 71 lời kêu gọi trong 71 năm qua của người Nhật Bản.

Nhưng 71 lần đó chỉ ở cấp thủ tướng và thị trưởng Nhật thôi, còn đây là cấp tổng thống Mỹ, quốc gia siêu cường về vũ khí nguyên tử lại đứng ra kêu gọi ngay trên mảnh đất mà những nạn nhân từng gánh chịu. Như chúng ta biết là tại Hiroshima ít nhất có 150 ngàn người, ở Nagasaki khoảng từ 130-140 ngàn người, nên lời nói của tổng thống Obama qua bài diễn văn ở đây đương nhiên là một điều rất quan trọng, và Nhật Bản rất mong muốn chuyện này.

Một lễ tưởng niệm ngày thành phố Hiroshima bị dội bom A tại Công viên Hòa Bình.
Một lễ tưởng niệm ngày thành phố Hiroshima bị dội bom A tại Công viên Hòa Bình. Kyodo/via REUTERS

RFI : Người dân Nhật Bản có phản ứng ra sao về thông báo trên của Nhà Trắng ?

Đỗ Thông Minh : Theo tin tức trong nước, người dân Nhật Bản rất là hân hoan…Trong quá khứ, tuy bị dội bom, nhưng trái bom đó có hai mặt tiêu cực và tích cực. Tiêu cực là chúng ta thấy trước mắt hàng trăm ngàn người chết. Nhưng cũng có mặt tích cực là chấm dứt cuộc chiến sớm.

Mặc dù quân đội Hoa Kỳ thắng tới nơi, nhưng rất nhiều người vẫn cho rằng vì hai trái bom mà Nhật Bản đầu hàng. Thực ra, nếu không đầu hàng, Nhật Bản vẫn đánh nhau theo kiểu đánh tới cùng, sẵn sàng hy sinh thì người ta ước đoán rằng nếu mà quân đội Hoa Kỳ đổ bộ lên quần đảo sau khi đánh Okinawa rồi thì có thể rằng người Nhật chết hàng triệu và người Mỹ có thể chết ít nhất 200 – 300 ngàn binh sĩ. Do đó, so với cái giá phải trả nếu mà không có bom nguyên tử thì trái bom này đắt giá thật, nhưng cũng đã được coi như là tiết kiệm rất nhiều xương máu cho quân đội Mỹ và người Nhật.

Và đối với nước Nhật, nếu không có trái bom đó, chiến tranh sẽ kéo dài, thì không chỉ 60 thành phố bị tan tành mà con số đó có thể lên đến 80 hay 100 thành phố, thành ra trước sau gì cũng thua. Và sự hy sinh này tuy là to lớn, nhưng nếu so với hy sinh trong toàn cuộc là ba triệu người và có thể chết thêm một, hai triệu nữa thì giá này vẫn là cái giá nhẹ. Thành ra người Nhật cũng không oán người Mỹ về vụ này vì dù sao Nhật Bản là nước tấn công trước, tấn công không tuyên chiến, tức là đánh úp Trân Châu Cảng. Cho nên người Nhật rất là muốn tổng thống Obama tới, dù chỉ là kêu gọi chứ không phải là lời xin lỗi chính thức.

Bởi vì ở vị thế của tổng thống ông Obama cũng có những người cũng còn ghét người Nhật vào cái thời thế chiến. Thứ hai, Nhật cũng dù sao là quốc gia đánh trước cho nên có thể không có lời xin lỗi nhưng cũng có sự chia sẻ đồng cảm và nhất là đồng lòng với người Nhật kêu gọi một quốc gia không có nguyên tử.

Điều này khác với lời tuyên bố của ứng cử viên đảng Cộng hòa tại Mỹ. Ông Trump nói là Hàn Quốc và Nhật Bản nên làm bom đi, tự vệ đi, mà nước Nhật là nạn nhân, cho nên họ sợ bom lắm. Cho nên là thà đứng dưới cái dù của Mỹ còn hơn là nhúng tay vào chế tạo vũ khí nguy hiểm mà họ đã từng là nạn nhân.

Cũng xin nói rõ, Ise nằm ở đông nam quần đảo Nhật Bản, là nơi tổ đền Thần đạo. Ví dụ đối với người Hồi giáo là Mecca, thì đối với người Nhật là Ise. Đây là một tỉnh chuyên về ngư nghiệp. Tỉnh này rất êm đềm, là nơi thánh địa của người Nhật, cho nên đối với người dân Nhật Bản, ít nhất một lần trong đời nên đến đây. Từ đây đi Hiroshima còn khoảng hơn 300 cây số nữa. Do đó, việc tổng thống Obama dành thì giờ để đi đến một nơi xa xăm như vậy, đối với người Nhật là rất có ý nghĩa.

Bắc Kinh lo âu

Dù cho Nhà Trắng đã nêu rõ là tổng thống Mỹ sẽ không đưa ra lời xin lỗi cho 140.000 nạn nhân vì bom A đồng thời nhấn mạnh đến mục đích kêu gọi một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng điều đó cũng chưa đủ trấn an các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bắc Kinh thông qua lời phát ngôn viên Lục Khảng, trong một buổi họp báo thường nhật đã bày tỏ quan ngại sự kiện sẽ được phe cực hữu và những người chủ trương xét lại Hiến Pháp khai thác nhằm xóa sạch tội ác do quân đội Nhật Hoàng gây ra.

Trung Quốc kêu gọi, nhân chuyến viếng thăm Hiroshima sắp tới của các nguyên thủ, Nhật Bản sẽ « chứng tỏ với thế giới thiện chí sẽ không đi theo con đường chủ nghĩa quân phiệt, một con đường đã gây ra bao nỗi đau khổ cho chính dân tộc Nhật, cho các nước láng giềng và nơi khác trên thế giới ».

Một lời ám chỉ đến việc chính quyền Shinzo Abe cho sửa đổi lại Hiến pháp chủ hòa nhằm mở rộng hơn nữa vai trò của mình trên chính trường quốc tế trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Chính sách này của ông Abe đã bị Trung Quốc và Hàn Quốc chỉ trích mạnh mẽ.

Còn theo quan sát của ông Philip Golub, giáo sư  Quan hệ Quốc tế trường đại học Hoa Kỳ tại Paris, chuyến thăm của ông Barack Obama còn có dụng ý « củng cố mối quan hệ song phương Mỹ - Nhật, vào thời điểm căng thẳng với Trung Quốc gia tăng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông ». Vị giáo sư này nhấn mạnh có « một số người ở Hoa Kỳ - tôi nghĩ đến ông Donald Trump- đang đòi xem xét lại mối liên minh song phương với Nhật Bản ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.