Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Hành trình một sĩ quan Mỹ gốc Đài Loan làm gián điệp cho Bắc Kinh

Cảnh sát Pháp biểu tình tại nhiều thành phố, trước tình trạng bạo lực gia tăng nhắm vào chính bản thân họ; tại Áo, phe cực hữu tiến gần đến gần hơn quyền lực; tại Pháp, tổng thống François Hollande cương quyết đối mặt với các công đoàn chống lại việc cải tổ luật lao động và Liên Hoan Phim đang sôi nổi tại Cannes. Trên đây là những tựa chính trang nhất các nhật báo Pháp ra hôm nay, 18/05/2016. Riêng trong mục « Phóng sự điều tra » của Le Figaro, có bài viết khá dài về Edward Lin, một thanh niên Mỹ gốc Trung Hoa đã bị bắt giữ hồi tháng 09/2015 và bị buộc tội làm gián điệp cho « những thế lực nước ngoài ».

Ảnh chụp Edward Lin ngày 03/12/2008 tại Honolulu (Hawaii - Hoa Kỳ).
Ảnh chụp Edward Lin ngày 03/12/2008 tại Honolulu (Hawaii - Hoa Kỳ). HO / Navy Visual News Service / AFP
Quảng cáo

Mở đầu bài báo, tác giả giới thiệu về Edward Lin như một mẫu hình, biểu tượng cho giấc mơ Mỹ của thế kỉ XXI : đến Mỹ năm 14 tuổi, cùng cha mẹ là người Đài Loan, một chữ bẻ đôi tiếng Anh không biết. Thế rồi, thiếu niên Edward Lin đã dần vượt qua các cấp học với kết quả vô cùng xuất sắc. Đã có lúc bạn đồng môn đại học nhận xét anh là « một nhân vật có uy tín vô cùng ».

Rất có năng khiếu trong lĩnh vực tin học, Edward đã khởi nghiệp khi đồng ý đầu quân cho Hải Quân Mỹ vào năm 1999, tức là 1 năm sau khi nhập quốc tịch Mỹ. Năm 2002, Eddy - tên gọi thân mật của Edward Lin, đỗ vào trường sĩ quan. Ngày 03/12/2008, tại Honolulu, trước 80 tân công dân Mỹ, chàng thanh niên trẻ 31 tuổi, trong bộ quân phục tinh khôi, đã tuyên bố : « Tôi đã luôn mơ ước được đặt chân đến miền đất hứa là Mỹ. Tôi đã lớn lên và luôn tin rằng mọi con đường rồi sẽ dẫn đến Disnayland ».

Bảy năm sau, Edward Lin trở thành thiếu tá Hải Quân, nhưng rồi giấc mơ Mỹ của anh buộc phải chấm dứt vào 11/09/2015 : Trong khi chuẩn bị lên máy bay đi Trung Quốc, anh đã bị câu lưu để thẩm vấn và đưa  về nhà tù quân sự tại Chesapeake (thuộc bang Virgina). Trrước khi bị bắt, anh này đã bị cơ quan chống gián điệp của Hải Quân và FBI theo dõi từ nhiều tháng.

Bằng việc xin nghỉ phép vào những ngày nhất định, rồi lại cung cấp địa chỉ sai lệch so với điểm đến ở nước ngoài hay che giấu việc có liên hệ với các đối tượng thuộc quốc tịch nước ngoài, những việc làm này đã khiến Edward Lin bị cấp trên và đồng đội nghi ngờ.

Đến tận ngày 08/04/2016, trong phiên tòa điều trần diễn ra tại Norfolk, bang Virgina, nhà chức trách Mỹ mới hé lộ phần nào nội dung công việc bí mật mà Edward Lin đã làm.

Bị nghi ngờ là thân với Bắc Kinh, người thanh niên Mỹ gốc Trung Hoa này đã bị một nhân viên tình báo FBI nói rất sõi tiếng quan thoại, móc nối và nhanh chóng rơi vào bẫy của nhân viên này sau 5 lần gặp gỡ. Edward Lin bị buộc tội phản bội quốc gia đã cưu mang anh và làm gián điệp cho « những thế lực nước ngoài ».

Nhiều câu hỏi được đặt ra : « Đâu là nhiệm vụ bí mật của Lin trong hàng ngũ của Hải quân Mỹ ? ; Anh ta đã nắm được những bí mật gì ? ; Anh ta đã cung cấp những thông tin gì cho các cơ quan tình báo nước ngoài ? ». Một điều chắc chắn là những việc làm của anh ta bị xem như nghiêm trọng, bởi vụ việc được xếp vào danh mục « an ninh quốc gia ».

Báo mạng In Homeland Security nhận định : « Việc Lin bị bắt giam trong vòng tám tháng mà không một thông tin nào liên quan đến cuộc thẩm vấn anh ta được công bố, chứng tỏ rằng các nhà điều tra đã nhận định rằng anh ta không hề hành động một mình hoặc để tránh việc các mối quan hệ với nước ngoài của anh ta bị bại lộ. Giữ bí mật về việc bắt giữ Lin, các nhà điều tra đã tiết kiệm được thời gian trong việc vây bắt các đối tượng bị tình nghi khác, mà không để họ kịp nghi ngờ ».

Theo yêu cầu của Hải Quân và tình báo Mỹ FBI, tư pháp nước này cho biết Edward Lin sẽ bị xử kín trước tòa án quân sự đặc biệt. Ngay cả khi có sự dàn xếp của tư pháp và mặc dầu gia đình anh này vẫn một mực khẳng định anh ta vô tội, rất ít khả năng anh sẽ sớm được trả tự do ; làm gián điệp cho các thế lực nước ngoài có thể bị kết án tù chung thân.

Bài báo tiếp tục với các phân tích, nhận định về Edward Lin thông qua nhiều dự án quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng Mỹ.

Cuối cùng, tác giả bài báo khẳng định là trường hợp của Lin chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi lẽ mấy năm trở lại đây, nhiều vụ bê bối liên quan đến gián điệp Trung Quốc đã tăng nhanh ở Bắc Mỹ,  liên quan đến cả nhân viên phòng thí nghiệm, sinh viên, nhà ngoại giao.

Washington đang rơi vào tình thế vô cùng tế nhị, với một bên là 300.000 sinh viên ưu tú Trung Quốc đang đổ dồn vào các trường đại học danh giá của Mỹ - và đang trở thành mối nghi ngờ tiềm tàng cho lợi ích quốc gia của Mỹ - với một bên là những lời cáo buộc dính tới tư pháp nước này. « Vào thời đại gián điệp điện tử, tình báo « theo lối xưa » vẫn còn đất sống », bài báo kết luận.

Áo: Phe cực hữu đăng quang?

Liên quan đến sân khấu chính trị châu Âu, nhật báo Le Monde có bài viết với tựa « Áo : Phe cực hữu tiến gần quyền lực hơn ». Bài báo đề cập đến việc ứng cử viên của đảng cực hữu FPO, Nobert Hofer, đã giành được 35,1% phiếu bầu ngay tại vòng một của cuộc bầu cử tổng thống tại Áo, bỏ xa đối thủ của mình thuộc đảng Xanh, chỉ với 21,3%.

Trên thực tế, ông Nobert Hofer đơn giản chỉ là "con rối" của Heinz-Christian Strache, 46 tuổi, thủ lĩnh của phe cực hữu FPO của Áo, được biết đến với nhiều dự án mang tính hoài nghi Châu Âu, bài ngoại và độc đoán. Bản thân ông này đang mong ngóng được ngồi vào chiếc ghế của thủ tướng - vị trí quan trọng nhất của giới hành pháp, mà không đợi đến cuộc bầu cử lập pháp sẽ diễn ra tại nước này vào năm 2018.

Pháp: Cảnh sát cũng biểu tình!

Nhìn về thời sự nước Pháp, Libération, Le Figaro, La Croix hôm nay đều đồng loạt dành nhiều giấy mực cho lực lượng gìn giữ an ninh. Theo một báo cáo gần đây, khi tham gia gìn giữ trật tự cho các cuộc biểu tình phản đối dự luật lao động mang tên bà bộ trưởng Pháp El Khomri, 343 cảnh sát và hiến binh đã bị thương trong vòng hai tháng rưỡi ; thậm chí họ còn trở thành mục tiêu nhắm đến của một số khẩu hiệu như « Tất cả mọi người đều ghét cảnh sát », hay « Mỗi một cảnh sát là một viên đạn ».

Không dừng ở đó, những đoạn vidéo quay lại cảnh cảnh sát Pháp thực hiện nhiệm vụ của mình trước những hành động càn quấy của một số đối tượng tham gia biểu tình đã được truyền tải trên Internet, khiến lực lượng an ninh nước này liên tiếp chịu nhiều áp lực. « Đã đến lúc phải chấm dứt thái độ thù ghét cảnh sát », đó là tuyên bố của Patrice Ribeiro, đại diện cho một hiệp hội sĩ quan cảnh sát Pháp.

Hôm nay thứ tư 18/05/2016, từ 12 đến 14 giờ, giới cảnh sát kêu gọi biểu tình tại khoảng 40 thành phố trên toàn nước Pháp, bày tỏ thái độ chán ngán của họ trước những áp lực mà họ đang phải chịu. Tại Paris, cuộc biểu tình của cảnh sát Pháp diễn ra tại quảng trường République.

 « Made in France, làn sóng mới »

Phụ trương kinh tế của nhật báo Le Figaro có bài viết khá dài đề cập đến xu hướng các nhà thiết kế hay chủ doanh nghiệp Pháp đang nhắm đến việc sản xuất các sản phẩm của họ ngay trong nước. Bài báo đề cập đến 3 lý do trong việc chọn sản xuất tại Pháp :

- Lý do thứ nhất và cũng rất thực tế, nước Pháp không hề thiếu các nhà máy và nhân công có năng lực. Trong khi nếu sản xuất tại Trung Quốc hoặc một nơi nào khác, có thể chi phí sẽ thấp hơn nhưng sẽ phát sinh nhiều vấn đề, chẳng hạn như khâu vận chuyển hay kiểm tra chất lượng sản phẩm.

- Lý do thứ hai, đó là khâu tiếp thị. Nhãn mác "sản xuất tại Pháp" sẽ đóng vai trò như một sự đảm bảo về chất lượng và lời cam kết của xã hội : Mua sản phẩm được sản xuất tại Pháp để tăng lượng công ăn việc làm tại đây;

- Cuối cùng, việc sản xuất sản phẩm tại chính đất Pháp có thể mang lại một niềm tin và tham vọng cho chủ doanh nghiệp, đó là việc phục hồi lại những năng lực khéo léo trong sản xuất của Pháp vốn đã dần mai một, chẳng hạn như trường hợp của 2 chủ doanh nghiệp Philippe Spruch và Laurent Katz, khi hai ông này mua và cho hoạt động trở lại mác đồng hồ Pequignet của Pháp.

Người Pháp năm 2017 sẽ được giảm thuế?

Một bài báo khác nữa cũng nằm trong phụ trương kinh tế của Le Figaro và ít nhiều thu hút sự quan tâm của dân Pháp, đó là lời hứa giảm thuế thu nhập năm 2017 của tổng thống đương nhiệm François Hollande, khi mà chỉ còn một năm nữa là đến kì bầu cử tổng thống mới.

Mặc dầu tổng thống đương nhiệm Pháp François Hollande còn chưa tuyên bố có tái tranh cử tổng thống vào năm tới hay không, nhưng lời hứa giảm thuế thu nhập cho mỗi hộ gia đình vào năm 2017 mà ông đưa ra mới đây được coi như một cách ghi điểm đối với người dân Pháp. Lời hứa này liệu có thành hiện thực ? Quyết định này sẽ được tổng thống Pháp đưa ra vào mùa hè năm nay.

Một đề tài mà báo chí Pháp hôm nay cũng dành nhiều giấy mực, đó là liên hoan phim quốc tế đang diễn ra tại Cannes, miền Nam nước Pháp.

Nhật báo Le Monde giới thiệu với độc giả một số bộ phim được chọn để so tài tại Liên Hoan Phim. Mỗi phim mỗi vẻ, trong đó đáng chú ý phải kể đến 2 bộ phim Mỹ : Loving của Jeff Nichols và Paterson của Jim Jarmusch, bộ phim Hàn Nàng hầu của Park Chan Wook, bộ phim Pháp Nỗi đau của đá của Nicole Garcia.

Không nên lạm dụng trò chơi điện tử

Nhìn sang lĩnh vực gia đình, nhật báo Công Giáo La Croix có bài viết với tựa « Đồng ý với việc chơi điện tử nhưng không được phép chơi quá nhiều ».

Tác giả bài báo đề cập đến một điều tra của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE), thực hiện với 510.000 thiếu niên ở độ tuổi 15, nhằm mục đích đánh giá tác động của các trò chơi điện tử lên kết quả học tập của các em.

Theo các công trình nghiên cứu, nếu so với các em suốt ngày chơi điện tử, thì những em chơi ở mức điều độ, có nghĩa là từ mỗi tháng 1 lần cho đến vài ngày trong tuần, đạt kết quả tốt hơn trong một số bộ môn như toán, đọc hiểu, khoa học. Kết quả này cũng đúng trong trường hợp so sánh với các em không bao giờ hoặc hầu như không bao giờ chơi điện tử.

Ngoài việc chỉ ra mối liên quan giữa các trò chơi điện tử và điểm số trên trường, cuộc điều tra này cũng làm rõ hơn những kết luận trong nghiên cứu của Jacques Grégoire tại trường đại học Bỉ Louvain, theo đó những lợi ích của trò chơi điện tử được biết đến như : tăng sự phối hợp giữa mắt và tay, tăng khả năng nhận thức không gian và quản lý được sự tập trung hay tăng khả năng lên kế hoạch và áp dụng các chiến lược phù hợp.

Bài báo cũng không quên khẳng định rằng điều kiện tiên quyết là phải biết chọn lựa các trò chơi điện tử cho phù hợp và không nên lạm dụng chúng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.