Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - ĐIỆN ẢNH

Phim "Hậu duệ mặt trời" : Tư tưởng gia trưởng và đế quốc ?

Bộ phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc đã làm mưa làm gió tại châu Á những tháng đầu năm 2016. Từ Seoul cho đến Bangkok, hàng triệu khán giả đêm nào cũng dán chặt mắt trên các màn ảnh nhỏ để theo dõi Hậu duệ Mặt trời. Thế nhưng, nhật báo Hàn Quốc, Hankyoreh, một nhật báo thuộc cánh tả và chủ trương thống nhất hai miền Nam-Bắc, chỉ trích bộ phim có tư tưởng gia trưởng và mang hơi hướng chủ nghĩa đế quốc. Tuần san Pháp, Courrier International (số ra từ ngày 28/4-03/5/2016) lược dịch lại dưới tiêu đề : « Vinh quang của những kẻ gia trưởng yêu nước ».

Bốn nhân vật chính trong phim "Hậu duệ mặt trời" do hãng phim KBS2 Hàn Quốc sản xuất.
Bốn nhân vật chính trong phim "Hậu duệ mặt trời" do hãng phim KBS2 Hàn Quốc sản xuất. Youtube.
Quảng cáo

Mở đầu, bài viết nhận định : diễn viên khả ái, lời thoại dịu êm, toàn bộ câu chuyện diễn ra trên nền kịch bản một cuộc chiến tranh…, đó là những yếu tố làm nên thành công của bộ phim truyền hình nhiều tập Hậu duệ Mặt trời, do hãng truyền hình KBS2 sản xuất.

Tấm bi kịch này diễn ra tại Uruk, một địa danh tưởng tượng đang bên bờ xảy ra xung đột. Lối dựng cảnh mang mầu sắc hải ngoại và được điểm xuyết bằng những màn nguy hiểm, còn làm câu chuyện tình giữa các nhân vật thêm phần căng thẳng và thu hút sự chú ý của đông đảo người xem trên toàn châu Á.

Nếu như cách nhìn về thế giới được lồng trong phim cũng như về mặt thẩm mỹ không có gì phải bàn cãi nhiều, thì theo nhật báo cánh tả Hàn Quốc, bộ phim này chứa đựng khá nhiều giá trị mang đặc tính bảo thủ, thậm chí là chủ nghĩa đế quốc.

Trong bộ phim, quân đội Hàn Quốc gần như dấn thân ở khắp nơi trên thế giới. Trong khi tình hình biên giới phía bắc nước này căng thẳng dữ dội, thì Hàn Quốc lại tham gia vào các chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ tại Afghanistan, thậm chí còn gởi quân tham chiến tại quốc gia ảo có tên là "Uruk".

Theo bài viết, hình ảnh đất nước Hàn Quốc được đưa ra trong phim trước hết là một đối tác của quân đội Mỹ, hay đúng hơn là một "nhà thầu". Hàn Quốc xuất khẩu các hiểu biết và phương tiện tài chính để hỗ trợ cho việc tái thiết một lãnh thổ lúc hậu chiến và cung cấp các dịch vụ y tế. Há chẳng phải đó là một mô hình chiến tranh đế quốc mà những người ủng hộ thường hay mơ tưởng đến trong việc gởi quân tham chiến đến Irak năm 2003 hay sao ?

Tái thiết đất nước và gìn giữ hòa bình đó chẳng qua chỉ là cái cớ để che giấu chức năng "giết người" của quân đội, tờ báo viết. Đây cũng là một điểm đáng được đưa ra tranh cãi. Điều này được thể hiện rõ trong bộ phim : đối với nhân vật nữ bác sĩ Kang Mo-yeon, do diễn viên Song Hye-kyo thủ vai, không có gì quan trọng hơn bằng mạng sống con người. Cô chỉ có thể chấp nhận cho Yu Si-jin, một binh sĩ do nam diễn viên Song Joong-ki đảm nhận, giết người theo lệnh cấp trên.

Tất cả những ý tưởng này được hiện rõ qua những cảnh cô Kang cứu sống được một nhân mạng nhờ phẫu thuật, Yu hạ sát những tên khủng bố, và nhất là việc Yu đã cứu sống được Kang, chủ tịch Liên đoàn Ả Rập và một đứa trẻ.

Giấc mơ cường quốc

Thế nhưng, chủ đề chính của bộ phim chính là lòng yêu nước. Bộ phim hàm ý yêu nước không chỉ có chiến đấu, mà chính mỗi người phải hoàn thành nghĩa vụ của mình. Bài viết tự hỏi, phải chăng lồng trong câu chuyện tình lãng mạn đó là một ý thức hệ của cánh hữu bảo thủ ?

Dù có vẻ rất độc lập, nhưng các nhân vật nữ trong phim, hai nữ bác sĩ, đều phải tuân theo lệnh mang tính chất "gia trưởng". Kang Mo-Yeon dưới sự bảo vệ tuyệt đối của Yu, chịu trách nhiệm an ninh cho toàn khu vực. Thậm chí cô còn phải nợ anh cả một mạng sống.

Thân thể cường tráng và trầm tính, nhân vật Yu là hiện thân cho cái gọi là "nam tính cổ điển". Về phần trung sĩ Seo (Jin Goo thủ vai), anh yêu cô đại úy Yoo Myung-ju (diễn viên Kim Jo-won). Nhưng vì xúc động trước nỗi lo lắng của cha cô, cũng là tướng quân đội, cho tương lai của con mình, nên anh đành phải ngậm ngùi quay lưng.

Điều đó chẳng có gì phải đáng nói, nhưng tệ hơn hết là anh còn đồng tình với quyết định của người cha, rời xa người yêu, không phải vì lo cho cô đại úy, mà là vì cha cô ấy… Chắc sẽ chẳng có một kịch bản nào lại khinh thường nữ giới đến như vậy, theo như nhận định của tác giả bài viết.

Tờ báo Hàn Quốc cho rằng nỗi đam mê của người Hàn Quốc và Trung Quốc (được phát sóng cùng lúc) đối với bộ phim Hậu duệ Mặt trời cho thấy có điều gì đó đáng báo động về vô thức tập thể của Trung Quốc, đang mơ ước trở thành cường quốc hàng đầu thế kỷ XXI, cũng như là vô thức của người Hàn Quốc, vốn cũng đầy tham vọng bất chấp quá khứ bị đô hộ và thực tế bị chia cắt hiện nay. Giả như bộ phim này mà do Nhật Bản thực hiện, chắc có lẽ sẽ bị chỉ trích là có dã tâm khiêu chiến, tờ báo kết luận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.