Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - TRUNG QUỐC

Trung Quốc sẽ tập trận chung với các nước tranh chấp Biển Đông

Hôm qua, 28/04/2016, Trung Quốc loan báo sẽ gởi một chiến hạm và lực lượng đặc nhiệm đến tham gia một cuộc tập trận đa phương vào tháng tới, cùng với lực lượng của nhiều quốc gia, trong đó có cả các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Đông, như Philippines và Việt Nam.

Các viên chức ngoại giao ASEAN và Trung Quốc trong cuộc họp ở Singapore ngày 27/04/2016 bàn việc thực hiện Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông.
Các viên chức ngoại giao ASEAN và Trung Quốc trong cuộc họp ở Singapore ngày 27/04/2016 bàn việc thực hiện Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông. REUTERS/Edgar Su
Quảng cáo

Cuộc tập trận chống khủng bố và bảo đảm an ninh hàng hải, kéo dài từ ngày 02/05 đến 12/05 sẽ có sự tham gia của 10 nước ASEAN, cùng với Hoa Kỳ, Ấn Độ và sáu đối tác khác. Cuộc tập trận này sẽ diễn ra tại Singapore, Brunei, và các vùng biển gần với Biển Đông, trong khuôn khổ Cuộc họp các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ( ADMM+ ).

Kịch bản của cuộc thao dượt về an ninh hàng hải là giải cứu các tàu bị hải tặc chiếm giữ, huy động 17 chiến hạm, 19 phi cơ trực thăng và 3 phi cơ giám sát biển từ 15 quốc gia. Cuộc tập trận chống khủng bố sẽ dựa trên kịch bản giải cứu các con tin bị bắt giữ trên một chiếc tàu hoặc tại một cứ địa của hải tặc trên đất liền.

Trong số những nước tham gia, có những quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, như Việt Nam và Philippines. Đây là lần đầu tiên hải quân Việt Nam gởi một chiến hạm tham gia một cuộc tập trận quốc tế.

Hôm qua, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo là Bắc Kinh sẽ gởi một khu trục hạm trang bị tên lửa, các sĩ quan chỉ huy và khoảng một chục binh lính thuộc lực lượng đặc nhiệm đến tham gia cuộc tập trận chung nói trên.

Khi được hỏi về việc Hoa Kỳ gia tăng các hoạt động của hải quân ở vùng Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra một công thức mới, gọi là “Ba Không”.

Phát ngôn viên này nói: “ Cho dù chiến hạm Mỹ vào Biển Đông nhiều như thế nào và với tần suất như thế nào, điều đó sẽ không thay đổi thực tế là các đảo đó là thuộc lãnh thổ Trung Quốc, điều đó sẽ không ngăn được nhịp độ phát triển và tăng trưởng của Trung Quốc và điều đó sẽ không lay chuyển quyết tâm của Quân đội Giải phóng Nhân dân bảo vệ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.