Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - ASEAN

Biển Đông : Mỹ thúc giục ASEAN đoàn kết và cảnh báo Trung Quốc

Hôm qua, 28/04/2016, Mỹ cho biết Trung Quốc sẽ mất uy tín trầm trọng nếu phớt lờ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông, đồng thời thúc giục các nước Đông Nam Á kề vai sát cánh với nhau sau khi phán quyết được đưa ra.

Biểu tình ngày 09/04/2016 trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, Manila phản đối hành động độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Biểu tình ngày 09/04/2016 trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, Manila phản đối hành động độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. REUTERS/Romeo Ranoco
Quảng cáo

Theo Reuteurs, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sẽ ra phán quyết trong vài tuần tới về vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường « lưỡi bò », tức là về việc Bắc Kinh đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Phán quyết của tòa án này được dự báo là có lợi cho Philippines. Nếu đúng như vậy, căng thẳng trong khu vực có nguy cơ sẽ gia tăng, vì Trung Quốc đã không chấp nhận thẩm quyền của tòa án.

Nhưng tuyên bố trong một cuộc điều trần trước Hạ viện Hoa Kỳ hôm qua, thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Anthony Blinken, nói rằng Trung Quốc không thể là nước đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mà lại phủ nhận các điều khoản của công ước này, trong đó có điều khoản về «hiệu lực bắt buộc của bất kỳ quyết định nào của trọng tài ». Hơn thế nữa, nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết, uy tín của Trung Quốc sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, khiến các nước trong khu vực xích lại với nhau gần hơn và thậm chí gần với Mỹ hơn.

Hoa Kỳ đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng cộng đồng 10 nước Đông Nam Á (ASEAN) thành một tổ chức lấy số lượng thành viên làm lợi thế để đối phó với những khó khăn, như vấn đề Biển Đông. Hoa Kỳ cũng đã nỗ lực vận động các nước Đông Nam Á đưa ra tuyên bố rằng phán quyết của Tòa Án Thường Trực phải mang tính chất bắt buộc thi hành. Cho tới nay, các nước vẫn phớt lờ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực và tòa án này lại không có quyền hạn để buộc các nước thi hành phán quyết.

Lãnh đạo Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á trong một cuộc gặp hồi tháng 02/2016 đã đồng ý với nhau rằng các tranh chấp về lãnh thổ nên được giải quyết một cách hòa bình và thông qua các công cụ pháp lý. Trung Quốc cũng nỗ lực vận động nhằm chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông và cho biết hôm Chủ nhật 24/04 Brunei, Cam Bốt và Lào đã đồng ý với Trung Quốc rằng tranh chấp Biển Đông không nên ảnh hưởng đến quan hệ giữa Bắc Kinh và khối ASEAN. Tuy nhiên Cam Bốt đã phủ nhận thông tin này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.