Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - ĐẠI HỘI ĐẢNG

Đại hội đảng Bắc Triều Tiên, bước ngoặt lịch sử ?

Ngày 06/05/2016, 3.000 thành viên đảng Lao Động Triều Tiên tập hợp về Bình Nhưỡng tham dự Đại hội Đảng lần thứ 7. Le Monde đặt câu hỏi : Liệu Đại hội 7 của đảng Lao Động Bắc Triều Tiên có là một bước ngoặt chính trị, đem lại một sự đổi mới cho quốc gia này tương tự như Đại hội 12 của đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 1982 hay Đại hội 6 của đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1986 hay không ?

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh do hãng KCNA cung cấp.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh do hãng KCNA cung cấp. Reuters
Quảng cáo

Đã nhiều lần bị hoãn lại, không biết Đại hội lần này kéo dài trong bao lâu, nhưng Le Monde đặt câu hỏi : Về mặt đối ngoại, đây có phải là cơ hội để Kim Jong Un, có một cử chỉ hòa hoãn với cộng đồng quốc tế sau khi đã liên tục bắn thủ tên lửa ?

Theo đánh giá của thông tín viên khu vực báo Le Monde, Philippe Pons, « Đại hội 7 là dịp để Kim Jong Un khẳng định uy quyền của một vị lãnh tụ, đồng thời xác định lại mục tiêu của chính sách ‘byungjin’, tức là phát triển cùng lúc cả về mặt quân sự lẫn kinh tế », đây là một đường hướng đã được Bình Nhưỡng phác họa ra từ 2013.

Tờ báo nhắc lại, từ khi lên cầm quyền vào cuối 2011, Kim Jong Un đã không ngừng thâu tóm quyền lực từ bên quân đội, qua hàng loạt các đợt thanh trừng. Sau cùng, theo tác giả bài báo, một yếu tố cần theo dõi, đó là nhân vật đại diện cho chính quyền Trung Quốc đến quan sát Đại hội 7 Bắc Triều Tiên. Đây sẽ là một tín hiệu về mức độ quan hệ giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng.

Trung Quốc : Quyền lực trong tay thế hệ « con ông, cháu cha »

Ở Bắc Triều Tiên, có triều đại dòng họ Kim, còn tại Trung Quốc quyền lực được đặt trong tay cả một thế hệ « các hoàng tử đỏ ». Trong cuốn sách vừa cho ra mắt công chúng, « Les fils de princes » (tạm dịch : Con của các ông hoàng) của nhà xuất bản Fayard, chuyên gia Pháp về Trung Quốc, giáo sư Jean-Luc Domenach soi rọi vào cả một thế hệ lãnh đạo ở Bắc Kinh đã khéo dung hòa chủ nghĩa cộng sản với thế giới tư bản để củng cố quyền lực.

Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro nhân dịp sách được phát hành, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Học viện Khoa học Chính trị - Sciences Po, nêu lên một số điểm quan trọng : « Thế hệ các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay, là nhịp cầu giữa thế hệ cha chú, trung thành với chủ nghĩa cộng sản của Mao Trạch Đông và thế giới tư bản. Nhờ vậy mà Trung Quốc đã bắt kịp con tàu của tiến trình toàn cầu hóa ».

Nhưng khác biệt giữa các thế hệ cầm quyền tại quốc gia rộng lớn này với thời kỳ của Mao xưa kia là ngày nay Trung Quốc đã nắm bắt được những gì tinh tú nhất của nước Mỹ, từ mặt công nghiệp đến các ngành công nghệ mũi nhọn để vươn lên, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa rất riêng biệt của mình.

Từ đó, các « cậu ấm, cô chiêu Trung Quốc » đã ngồi vào những vị trí then chốt trong guồng máy chính trị, kinh tế tại quốc gia này. Ngay cả những gia đình nổi tiếng trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc không còn mặc cảm khi phô trương thế lực tài chính.

Công luận Trung Quốc phần nào chấp nhận việc để tư bản tập trung trong tay con cháu các nhà lãnh đạo, với điều kiện là « những khó khăn kinh tế và xã hội đang hoành hành tại đất nước này cần được giải quyết nhanh chóng » bằng không thì « chắc chắn là mô hình đó sẽ vỡ tung cũng như cái vẻ thống nhất bề ngoài » của những người cầm quyền ở Bắc Kinh.

Donald Trump « Ưu tiên cho nước Mỹ »

Nhìn sang Hoa Kỳ, nhân vật được báo chí Pháp nhắc tới nhiều nhất trong ngày là nhà tỷ phú Donald Trump, ứng cử viên đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của đảng Cộng Hòa. « Phe chống Trump lại thua thêm một ván » là tựa lớn trên phần trang quốc tế của báo kinh tế Les Echos.

Le Monde xoáy vào “thất bại” của ứng cử viên bang Texas, thượng nghị sĩ Ted Cruz trong chiến lược loại trừ Donald Trump.

Libération châm biếm : trong bài diễn văn về chính sách đối ngoại, ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Cộng Hòa chủ trương « đặt quyền lợi của người Mỹ, an ninh của Hoa Kỳ lên trước hết », nhưng làm thế nào để thực hiện chính sách đó, thì chuyện ấy được ông Trump « tính sau ».

Ông vua địa ốc New York tránh đi vào chi tiết khi phát biểu về chính sách đối ngoại ở cương vị chủ nhân Nhà Trắng. Có điều, lập luận « America First » của ông Donald Trump không thuyết phục được mấy ai trong hàng ngũ chính khách của Hoa Kỳ.

Dù vậy, cả Libération lẫn Le Figaro đều nhận thấy là với việc triệu tập báo giới và các chuyên gia về chính sách đối ngoại trong khuôn viên một khách sạn sang trọng ở Washington cho thấy, ứng cử viên Donald Trump đang từng bước hóa thân để có thể ngồi vào chiếc ghế tổng thống Hoa Kỳ : Hôm qua (27/04), ôngTrump tỏ ra chừng mực hơn trong lời ăn tiếng nói, để chứng minh ông xứng đáng là nguyên thủ của một siêu cường.

Vài tin vui cho kinh tế Pháp

Sự kiện được báo chí đem ra mổ xẻ là con số thất nghiệp tháng 03/2016 rơi xuống mức thấp nhất kể từ 16 năm nay ! Các doanh nghiệp Pháp trông thấy « Ánh sáng cuối đường hầm ». Một chút hy vọng Paris đang trên đà đẩy lui thất nghiệp cho dù đó là một sự « phục hồi còn mong manh ». « Tín hiệu khả quan » như nhận định của Le Monde khi tình trạng thất nghiệp giảm rõ rệt đối với mọi thành phần ghi tên tìm việc làm.

Báo công giáo La Croix không lạc quan như Le Monde khi cho rằng, đây mới chỉ là một « sự khởi sắc mang tính nhất thời » và còn phải đợi thêm xem tỷ lệ tăng trưởng của Pháp trong quý I năm 2016 có vững vàng hay không.

Tờ Les Echos chú ý đến tình trạng tài chính của các doanh nghiệp Pháp được cải thiện : trong ba tháng đầu năm 2016, số các doanh nghiệp bị phá sản giảm 10% so với cùng thời kỳ 2015; tỷ lệ lãi của khu vực sản xuất tăng lên đôi chút và khả năng tài chính của các doanh nghiệp sáng sủa hơn. Trên nguyên tắc, GDP của Pháp trong quý I năm 2016 tăng 0,4% và đây là một tin vui khác. Những thành quả đó có được là nhờ giá dầu, năng lượng, nguyên liệu rẻ, lãi suất ngân hàng thấp.

Tờ báo địa phương Les Dernières Nouvelles d’Alsace gắn liền những thành quả nói trên với triển vọng tổng thống François Hollande ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai và nêu lên câu hỏi : Với ông Hollande, liệu rằng những tin vui này đến quá muộn hay không ? Chưa chắc là chủ nhân điện Elysée dễ dàng áp đặt sự hiện diện của ông trong cuộc vận động tranh cử tổng thống 2017.

Le Monde đưa ra một quan điểm tương tự khi nói tới « những thành phần thất vọng » vì chính sách kinh tế, xã hội của cánh tả cầm quyền.

Tai mắt của Pháp trên Sao Hỏa ?

Hãy tạm rời xa phần thời sự trên trái đất để cùng nhìn rộng ra hơn lên không gian. Robot SuperCam của một tập đoàn điện tử Pháp được chọn để tham gia chương trình thám hiểm Sao Hỏa của tập đoàn Nasa.

Trang khoa học của báo Le Figaro tiết lộ thực ra trang thiết bị điện tử này còn đang trong vòng thử nghiệm. Bước đầu tiên, Robot SuperCam sẽ được gửi tới Los Alamos, bang New Mexico (Mỹ), trước khi được phóng lên Sao Hỏa vào năm 2020. Nhiệm vụ của SuperCam là quan sát và phân tích đá trên hành tinh này. Tổng chi phí dự án thám hiểm Sao Hỏa của Cơ quan Không gian và Vũ trụ Mỹ ước tính lên tới 19 tỷ đô la.

Nga chinh phục lại không gian : lực bất tòng tâm

Trong khi đó tại Nga, nửa thế kỷ sau chuyến thám hiểm không gian của phi hành gia Youri Gagarin, quốc tế lại được chứng kiến Nga đưa phi thuyền đầu tiên từ trạm Vostochny, miền đông nước này.

Như nhận định của La Croix, « ngành công nghệ không gian Nga đang viết nên một trang sử mới ». Trạm Vostochny được xây dựng để thay thế cho trung tâm Baikonour đã chào đời từ thời Liên Xô cũ và hiện nằm trên lãnh thổ của Kazakhstan.

Có điều, cho dù là một ưu tiên, nhưng ngành công nghệ không gian của Nga cũng đang trải qua khủng hoảng, ngân sách bị cắt giảm gần 30% trong giai đoạn 2016-2025 và hậu quả trực tiếp là chương trình thám hiểm Cung Trăng được dự trù và năm 2025 bị hoãn lại ít nhất là 10 năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.