Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện: Tổng thống ân xá hơn 80 tù nhân chính trị

Hôm nay, 17/04/2016, tổng thống Miến Điện Htin Kyaw đã ân xá cho hơn 80 tù nhân nhân dịp năm mới truyền thống của người Miến Điện. Đây là một động thái khẳng định quyết tâm lật sang trang mới của tân chính phủ sau nhiều thập niên dưới sự cai trị của tập đoàn quân sự.

Một nhà hoạt động sinh viên được trả tự do theo quyết định ân xá tù chính trị của chính phủ Miến Điện ngày 17/04/2016.
Một nhà hoạt động sinh viên được trả tự do theo quyết định ân xá tù chính trị của chính phủ Miến Điện ngày 17/04/2016. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Quyết định này đã được loan báo sớm trong một thông cáo đăng trên mạng xã hội Facebook, theo đó, 83 tù nhân sẽ được trả tự do, nhưng không nêu cụ thể đó là những tù nhân chính trị hay không.

Còn theo tuyên bố của Hiệp Hội Trợ Giúp Các Tù Nhân Chính Trị (AAPP), khoảng “63 tù nhân chính trị tại các trại tù khác nhau đã được ân xá”. 

Cũng theo thông báo của tổng thống, quyết định ân xá nhằm mục đích làm cho “người dân cảm thấy được bình an, hạnh phúc” và thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc. Bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa Bình, từng bị tập đoàn quân sự quản thúc tại gia trong vòng 15 năm đã cam kết đặt việc trả tự do cho hàng chục tù nhân chính trị là một ưu tiên của chính phủ dân sự.

Bản thân trong hàng ngũ của đảng NLD vừa lên cầm quyền cũng có rất nhiều người từng là tù chính trị của chế độ cũ. Dưới chính quyền quân sự, đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ luôn đấu tranh chống lại việc bắt bớ giam cầm các nhà hoạt động ly khai. Chính vì thế mà đảng đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Miến Điện.

Trong số các tù nhân được trả tự do ngày hôm nay, có 5 nhà báo bị chính quyền bán dân sự cũ kết án 10 năm tù vì có bài viết tố cáo quân đội sản xuất vũ khí hóa học. Chính quyền của cựu tổng thống Thein Sein khi đó đã phủ nhận coi đó là những thông tin vu khống.

AFP nhắc lại, ông Htin Kyaw, một nhân vật thân cận trung thành của bà Aung San Suu Kyi đã trở thành tổng thống dân sự đầu tiên của Miến Điện hồi cuối tháng 3/2016, sau gần nửa thế kỷ dưới sự cai trị của giới quân đội. Hiến pháp do chế độ quân sự soạn thảo cấm bà Aung San Suu Kyi trở thành lãnh đạo tối cao vì có thân nhân (con và chồng) mang quốc tịch nước ngoài.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.