Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC- KINH TẾ

Trung Quốc gây lo ngại cho tăng trưởng toàn cầu

“Tăng trưởng của thế giới quá thấp và đã kéo dài từ quá lâu nay”. Hai ngày trước khi khai mạc khóa họp mùa xuân tại Washington, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã bi quan đưa ra nhận định trên và giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,1 % cho năm 2016.

Thép Trung Quốc đợi người mua. Ảnh chụp tại tỉnh An Huy-Reuters
Thép Trung Quốc đợi người mua. Ảnh chụp tại tỉnh An Huy-Reuters
Quảng cáo

Toàn cảnh thế giới càng thêm u ám khi các nền kinh tế đang trỗi dậy, mà đứng đầu là Trung Quốc liên tục bắn đi những tín hiệu xấu.

Nợ xấu Trung Quốc 1.300 tỷ đô la

Theo báo cáo vừa được IMF công bố, tăng trưởng của Trung Quốc năm nay chỉ đạt 6,5 %, tức là thấp hơn so với thành tích của năm 2015, vốn đã là mức tệ hại nhất của nước này từ 25 năm qua. Sự tăng trưởng chậm lại đó của Trung Quốc đặt ra hai vấn đề : thứ nhất, đây là một gánh nặng đối với các doanh nghiệp, đẩy nợ của các doanh nghiệp lên cao, gây liên lụy cho ngành ngân hàng. Mối lo ngại thứ nhì, là những khó khăn của nền kinh tế thứ hai toàn cầu tác động dây chuyền đến phần còn lại của thế giới.

So với thời điểm của năm 2010, tổng số nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng nhanh gấp ba lần. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo, rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng Trung Quốc đã lên tới 1.300 tỷ đô la và chỉ riêng trong năm 2015, đã  tăng 7 %.

Đây là một trong những hậu quả trực tiếp do tiến trình “chuyển hướng” kinh tế của Trung Quốc không được “thuận buồm xuôi gió” như Bắc Kinh mong đợi. Trung Quốc đang cố gắng giảm bớt lệ thuộc vào xuất khẩu để hướng tới  tiêu thụ nội địa, biến Trung Quốc thành một nền kinh tế cung cấp dịch vụ thay vì chỉ trông đợi vào công nghiệp và sản xuất.

Dù vậy,  trước mắt chiến lược này đang làm giảm tỷ lệ tăng trưởng một cách rõ rệt và theo IMF, kinh tế Trung Quốc “không hạ cánh nhẹ nhàng” như nhiều người mong đợi.

Trung Quốc hắt hơi, thế giới cảm lạnh

Có điều, như đánh giá của chuyên gia kinh tế Obsfeld, sự hụt hơi của mô hình Trung Quốc tác động trực tiếp đến “tăng trưởng và mức đầu tư của thế giới, đến các hoạt động thương mại của toàn cầu”. Những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là các nền kinh tế đang trỗi dậy và các nước xuất khẩu dầu hỏa, đã quá tin tưởng vào một khách hàng lớn như Trung Quốc.

Hậu quả trực tiếp là trong “hai thập niên qua” chưa khi nào triển vọng kinh tế của các nước đang trỗi dậy lại "đen tối" như hiện tại. Đầu tháng 4/2015 cả Ngân hàng Phát triển Châu Á lẫn Ngân Hàng Thế Giới đều ghi nhận những khó khăn kinh tế của Trung Quốc kéo khu vực và quốc tế vào vòng xoáy.

Hai ngày trước khi Bắc Kinh công bố thống kê về các hoạt động kinh tế trong quý 1/2016, hãng tin Pháp AFP thực hiện một cuộc thăm dò với 19 nhà phân tích. Kết quả cho thấy, trong ba tháng đầu năm, GDP của Trung Quốc tăng khoảng 6,7 %. Với đà này, tăng trưởng cho cả năm sẽ chỉ đạt 6,6 %, tức còn thấp hơn so với tỷ lệ tăng trưởng 6,9 % của năm ngoái.

Theo phân tích của cơ quan tư vấn IHS Global Insight, hai cột trụ chính của cỗ xe kinh tế Trung Quốc là công nghiệp và xây dựng liên tục giảm trong những tháng gần đây.

Điều đáng quan ngại hơn cả, là Bắc Kinh đã liên tục bơm tiền để tiếp sức cho kinh tế mà vẫn không đem lại kết quả mong muốn. Như ghi nhận của giới chuyên gia : nếu như các biện pháp can thiệp của Bắc Kinh vào các hoạt động kinh tế không được đi kèm với các chương trình cải tổ sâu rộng, thì sẽ chỉ đem lại “những kết quả rất khiêm tốn”.

Chính Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc cũng phải nhìn nhận là “những yếu tố gây bất lợi cho kinh tế Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn, và nếu không có các biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh thì nền kinh tế nước này sẽ còn tiếp tục đổ dốc”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.