Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Sự nghiệp 45 năm của nhà tạo mẫu Issey Miyake

Triển lãm « The work of Miyake Issey » mở ra tại Trung tâm Nghệ thuật Tokyo từ ngày 16/03/2016 đến 13/06/2016 nhìn lại 45 năm sự nghiệp của nhà tạo mẫu bậc nhất Nhật Bản. 70 năm qua, thảm họa Hiroshima vẫn ám ảnh người nghệ sĩ này.

Thời trang mang dấu ấn của nhà tạo mẫu Nhật Issey Miyake.
Thời trang mang dấu ấn của nhà tạo mẫu Nhật Issey Miyake. Nguồn : http://www.isseymiyake.com
Quảng cáo

Nếu có cơ hội tiếp xúc với nhà tọa mẫu Nhật Bản Issey Miyake, bạn chớ bao giờ gọi ông là « nhà tạo mẫu thời trang ». Trong 45 năm lăn lộn với nghề, người nghệ sĩ tài hoa này, chỉ khiêm tốn nhận mình là « ông thợ thủ công » để tạo nên những bộ y phục mà ở đó không có biên giới « đông- tây », để có thể đến gần với được tất cả mọi người.

Issey Miyake không thích giới phê bình so sánh những sáng tác của ông như những chiếc áo kimono truyền thống trên xứ hoa anh đào. Tác giả từng tâm sự « vai trò của tôi không phải để quảng bá văn hóa Nhật Bản. Tôi không muốn phải giam mình trong cái khung chật hẹp đó mà muốn được tiếp cận với tất cả những nền văn minh trên thế giới, muốn đến gần với truyền thống của Ấn Độ, Philippines hay Thái Lan ».

Tháng 5/1968, tròn 30 tuổi, Issey Miyake tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Tokyo, đặt chân đến Paris. Đó là thời điểm thanh niên Pháp rầm rộ xuống đường tiến hành « cuộc cách mạng Mai 68 » đòi tự do. Chính phong trào nổi dậy của thanh niên Pháp khi đó đã thôi thúc nhà tạo mẫu Nhật Bản thiết kế thời trang và  ông định cho mình một hướng đi riêng : những bộ y phục mang dấu ấn của Miyake phải đơn giản, thoải mái cho người mặc, để phù hợp với nhu cầu của thời đại.

Kể từ khi thành lập nhà may mang tên mình năm 1970 cho đến cuộc trình diễn thời trang đầu tiên ở Paris năm 1973, Issey Miyake không ngừng đem lại một làn giớ mới cho nghệ thuật tạo mẫu. Nhà may Issey Miyake không sử dụng vải dệt của các nhà cung cấp mà những sản phẩm luôn được làm ra từ vải ông tự tạo, với những vật liệu mới, kỹ thuật mới để sao cho mỗi tác phẩm thời trang của Issey Miyake đều đến gần được với « tất cả mọi người » như chính ông từng nói.

Hiroshima vết thương không bao giờ lành

Sinh trưởng tại thành phố cảng Hiroshima, khi quân đội Hoa Kỳ thả quả bom đầu tiên trong lịch sử của nhân loại xuống quê ông, Issey Miyake vừa lên 7 tuổi. Nhưng các cộng tác viên của nhà tạo mẫu này ý thức được rằng đó là một đề tài cấm kỵ đối với ông, và họ nên tránh đả động đến Hiroshima là hơn.

Mới chỉ một vài năm gần đây, nhà tạo mẫu và sản xuất nước hoa này mới chấp nhận nói tới « trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tinh thần với tư cách là kẻ còn sống sót » sau khi Hiroshima bị dội bom, làm 140.000 nạn nhân thiệt mạng.

Trả lời báo chí năm 2009, Miyake từng chia sẻ : cho đến tận giờ phút này, khi nhắm mắt lại ông vẫn còn trông thấy « những gì mà nhẽ ra con người không bao giờ nên nhìn thấy. Đó là những ngọn lửa hồng cực mạnh. Kế tới là một đâm mây đen. Người người tháo chạy để tránh tai họa (…) Ba năm sau mẹ tôi qua đời vì dư âm của chất phóng xạ ».

Cách nay vài năm Issey Miyake đã ngỏ lời mời tổng thống Mỹ Barack Obama đến viếng thăm Hiroshima. Có triển vọng giấc mơ này được thực hiện. Có tin đồn lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ dừng chân tại thành phố cảng này trong một ngày không xa, có thể là nhân chuyến công du Nhật Bản vào mùa xuân này, bên lề thượng định nhóm G7.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.