Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KIỂM DUYỆT

« Panama Papers » : Trung Quốc ngăn báo chí đưa tin

Trong khi nhiều quốc gia tuyên bố mở điều tra về nghi ngờ biển thủ tài chính quy mô toàn cầu, sau khi báo chí quốc tế đồng loạt loan báo về « Panama Papers » trong hai ngày qua, 03/04 và 04/04/2016, tại Trung Quốc, thông tin về vụ bê bối gần như vắng bóng trên báo chí Nhà nước. Tờ báo chính thống Hoàn Cầu Thời Báo thậm chí cáo buộc có âm mưu của phương Tây đằng sau.

Ông Tập Cận Bình, một trong các lãnh đạo bị nghi có liên quan đến việc biển thủ tài chính thông qua công ty luật Panama Mossack Fonseca. Ảnh chụp ngày 25/03/2016 tại Bắc Kinh
Ông Tập Cận Bình, một trong các lãnh đạo bị nghi có liên quan đến việc biển thủ tài chính thông qua công ty luật Panama Mossack Fonseca. Ảnh chụp ngày 25/03/2016 tại Bắc Kinh REUTERS/Lintao Zhang/Pool
Quảng cáo

Theo Reuters, nếu đánh chữ « Panama » trên các công cụ tìm kiếm Trung Quốc, thoạt nhìn có thể thấy một loạt tên bài báo Trung Quốc, nhưng phần lớn các đường dẫn đều bị vô hiệu hóa hoặc chỉ liên quan đến các ngôi sao thể thao. Trả lời báo giới hôm nay, 05/04/2016, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh « sẽ không bình luận về những cáo buộc vô căn cứ ».

Trong một bài xã luận, Global Times/Hoàn Cầu Thời Báo, nhật báo tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đặt vấn đề có âm mưu đằng sau vụ bê bối, nhằm hạ uy tín các lãnh đạo chính trị không phải của phương Tây : « Các phương tiện truyền thông phương Tây kiểm soát việc bình luận mỗi khi có một đợt rò rỉ thông tin như vậy và Washington có một ảnh hưởng đặc biệt trong vấn đề này. (…) Các thông tin có hại cho Hoa Kỳ thường được giảm thiểu, trong khi phát hiện về các lãnh đạo không phải phương Tây, như tổng thống Nga Putin, thường được bình luận ầm ĩ ». Hoàn Cầu Thời Báo hoàn toàn không hề nhắc đến việc một số lãnh đạo cao cấp hàng đầu của Trung Quốc có thể liên quan đến hoạt động trốn thuế quy mô lớn.

Công ty Panama Mossack Fonseca có 8 văn phòng tại Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông. Đây là quốc gia Mossack Fonseca đặt nhiều văn phòng nhất. Theo báo cáo của Liên minh quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ), phụ trách cuộc điều tra, bê bối liên quan đến ít nhất tám lãnh đạo đương chức hoặc đã về hưu của Thường Vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc, được coi là cơ quan quyền lực nhất quốc gia này.  Ngoài chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hãng truyền thông Anh BBC còn dẫn ra tên của hai lãnh đạo đương nhiệm khác, ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) và ông Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan).

Theo Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, các quan chức tham nhũng của nước này đã chuyển ra nước ngoài khoảng 120 tỷ đô la, riêng trong năm 2010. Về mặt chính thức, công ty bình phong không bị coi là bất hợp pháp, chúng có thể được sử dụng cho các mục tiêu thương mại chính đáng, tuy nhiên, loại công ty này rất hay được sử dụng để các quan tham bí mật chuyển các khoản tiền kiếm được bất hợp pháp ra ngoài.

Từ chiều Chủ nhật 03/04/2016, hơn 100 cơ quan truyền thông quốc tế công bố về vụ Panama Papers. Công ty luật Panama Mossack Fonseca, với mạng lưới 214.000 công ty bình phong, có mặt tại 21 thiên đường trốn thuế, bị coi là có liên quan đến khoảng 140 nguyên thủ quốc gia hoặc lãnh đạo chính trị hàng đầu thế giới. Đây là vụ « lộ tẩy » được đánh giá là kỷ lục, với 11,5 triệu tài liệu, nhiều gấp 10 lần vụ Offshore Leaks, công bố vào năm 2013.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.