Vào nội dung chính
MALAYSIA - CHÍNH TRỊ

Malaysia : Dùng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo để đánh lạc hướng công luận

Trong khi trên hầu khắp các mặt báo Pháp hôm nay đều tập trung đưa tin liên quan đến các vụ khủng bố diễn ra thời gian qua tại Bỉ và các vụ điều tra, truy tìm đang diễn ra hết sức gắt gao tại cả Pháp và Bỉ thì Libération ra hôm nay có một bài viết của thông tín viên Arnaud Vaulerin, đưa độc giả sang Châu Á với tựa đề : « Cú quăng lưới chống tổ chức nhà nước Hồi Giáo giúp chính quyền Malaysia dàn xếp tình hình ». 

Thủ tướng Malaysia Najib Razak là đối tượng của nhiều cáo buộc tham nhũng. Ảnh chụp ngày 14/03/2016 tại Kuala Lumpur.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak là đối tượng của nhiều cáo buộc tham nhũng. Ảnh chụp ngày 14/03/2016 tại Kuala Lumpur. REUTERS/Olivia Harris
Quảng cáo

Không ngừng ra thông báo cảnh giác nguy cơ khủng bố - đó là việc mà các nhà chức trách cấp cao nhất của Malaixia liên tục làm trong thời gian qua. Kể từ sau vụ khủng bố diễn ra ở Jakarta (Indonexia) vào tháng 01/2016, và đặc biệt sau vụ khủng bố tại Bruxelles gần đây, lãnh đạo cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar đã nhấn mạnh rằng mối đe dọa của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đối với đất nước này là hoàn toàn có thực và ngày càng rõ nét.

Đơn cử việc bộ trưởng Nội Vụ Ahmad Zahid Hamidi đã từng nêu rõ trước nghị viện Malaysia rằng từ tháng 05/2014, đã bắt giữ được 162 người có liên quan đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ; hay như việc nhà chức trách nước này nói đã phát hiện ra 8 nhóm chiến binh chuyên tuyên truyền, giảng giải sai lệch về đạo Hồi ; rồi việc xác định được danh tính của 46 người Malaysia có ý định gia nhập hàng ngũ Daech, hay việc bộ trưởng Nội vụ nước này đã đưa tin ngay đầu tháng 3 vừa rồi, về một loạt các vụ mưu toan bắt cóc thủ tướng, bộ trưởng Nội Vụ và Quốc Phòng Malaysia của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo dạo 2015. Gần đây nhất, tối hôm thứ năm vừa rồi, 24/03/2016, cảnh sát Malaysia thông báo đã bắt giữ được 15 người, độ tuổi từ 22 đến 49, trong đó có 11 đàn ông và 4 phụ nữ, bị tình nghi là có liên quan đến tổ chức nhà nước hồi giáo và đang chuẩn bị một vụ khủng bố. Nhà chức trách Malaysia cho rằng họ đã quyên góp tiền để chuẩn bị cho các hành động khủng bố ; mưu toan tập hợp các thành phần để chế tạo bom và giúp đỡ hai phần tử thánh chiến người nước ngoài chạy trốn khỏi Malaysia sang một nước khác ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đằng sau một loạt các con số và thông tin liên quan đến nguy cơ khủng bố tại nước này, điều mà tác giả bài viết muốn độc giả nắm được, đó là tình hình ông thủ tướng Najib Razak đang bị dính vào vụ bê bối tham nhũng và có nguy cơ mất đi chiếc ghế của mình. Bởi lẽ đó, tác giả bài viết nhận định rằng dường như chính phủ Malaixia đang cố tìm cách đánh lạc sự chú ý của dư luận bằng đề tài nóng hổi mà cả thế giới đang quan tâm : khủng bố do tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo gây ra.

Một màn kịch khá tham vọng, nhưng cũng khá vụng của chính phủ Malaysia, đang trở thành trò cười cho các mạng xã hội. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo không thể mở rộng cơ sở hoạt động tại Đông Nam Á – tác giả bài báo kết luận.

Mạng lưới khủng bố Hồi Giáo cực đoan Paris-Bruxelles

Về châu Âu, nhật báo Le Figaro dành khá nhiều trang cho đề tài mạng lưới rộng lớn của nhóm khủng bố Hồi Giáo cực đoan Paris-Bruxelles. Để người đọc có thể hình dung về tương quan số lượng các kẻ khủng bố hồi giáo cực đoan, bài viết có nhắc tới vụ khủng bố ngày 11/09/2001 tại New-York, với số 19 tên ; trong khi đó liên quan đến các vụ khủng bố tại Paris, đến lúc này con số những kẻ tham gia và được xác định danh tính đã lên tới khoảng 30 người.

Việc bắt giữ thêm 10 kẻ tình nghi hôm thứ năm và sáu tuần này ở Paris và Bruxelles đã giúp các nhà điều tra có thêm rất nhiều thông tin liên quan đến vụ khủng bố 13/11 năm ngoái tại Paris và hôm 22/03 vừa rồi tại Bruxelles.

Bộ trưởng Nội Vụ Pháp cũng công bố danh sách gồm 11 vụ khủng bố đã bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời tại Pháp riêng trong năm 2015.

Vẫn liên quan đến chủ đề khủng bố, báo Le Monde còn đề cập đến một số điểm hạn chế trong công tác điều tra của cảnh sát Bỉ, chẳng hạn như việc một nhân viên cảnh sát Bỉ ngay từ tháng 12/2015 đã biết chỗ ẩn náu của Salah Abdeslam, tuy nhiên cảnh sát liên bang lại không hề được thông tin ; hay như những lỗi mắc phải trong quá trình điều tra liên quan đến Ibrahim El Bakraoui, một trong hai kẻ đánh bom tự sát tại sân bay quốc tế Zaventem – Bruxelles.

Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thất thế tại Palmyra

Về chiến sự tại Syria, Libération có bài viết với tựa « Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thất thế tại Palmyra », trong đó tác giả có tóm tắt lại việc chế độ Syria, được sự hỗ trợ của Nga, hôm qua, 25/03/2016, đã chiếm lại được thành Palmyra, đã từng bị tổ chức nhà nước hồi giáo tuyên bố chiếm từ mùa hè 2014. Đối với chế độ Syria được quân đội Nga yểm trợ, việc đánh chiếm lại được Palmyra vừa có ý nghĩa biểu tượng và chiến lược.

Ý nghĩa biểu tượng : bởi bằng việc kiểm soát được Palmyra, chế độ Syria đã tự khẳng định mình chính là đối thủ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trong khi mà từ hơn 4 năm nay, chế độ Syria chủ yếu chiến đấu chống lại đối lập vũ trang.

Ý nghĩa chiến lược : bởi quân đội Syria sẽ có thể tiến quân về phía đông và vùng Deir el-Zor – Ý nghĩa chiến lược, bởi quân đội Syria sẽ có thể tiến quân về phía đông và vùng Deir el-Zor, mở toang cánh cửa tiến vào Raqqa, thủ phủ của tổ chức nhà nước hồi giáo.

"Bộ quần áo mới" của chủ tịch Tập Cận Bình

Nhân dịp ra mắt cuốn sách mới về tiểu sử Simon Leys, tác giả cuốn sách nổi tiếng « Bộ quần áo mới của chủ tịch Mao », tuần báo Le Nouvel Observateur có bài « Bộ quần áo mới của chủ tịch Tập ».

Le Nouvel Obs nhắc lại với độc giả một đôi nét khiến tác phẩm « Bộ quần áo mới của chủ tịch Mao » cách đây hơn 40 năm trở thành một sự kiện lịch sử quan trọng. Đầu những năm 1970, một bộ phận lớn cánh tả Pháp đã bị chủ nghĩa Mao lôi cuốn, đã không nhận ra rằng, dưới tên gọi mỹ miều « Cách mạng Văn hóa » Trung Quốc là cả một thực tế tàn khốc.

Hai tác phẩm « Bộ quần áo mới của chủ tịch Mao » năm 1971 và « Những bóng đen Trung Hoa » năm 1974 của Simon Leys đã xé toang bầu không khí sùng bái Mao, để « người cầm lái vĩ đại » lộ nguyên hình là một kẻ độc tài toàn trị tàn bạo, và cuộc Cách mạng Văn Hóa mà Mao phát động chỉ là một « cuộc chiến quyền lực », với « các hệ quả khủng khiếp về nhân mạng ».

Theo Le Nouvel Obs, hơn bốn thập niên sau, vào thời điểm đương kim chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hồi thâu tóm toàn bộ quyền lực, giống như Mao Trạch Đông trước đây, và Trung Quốc đang trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới, tác phẩm của Simon Leys tiếp tục là câu chuyện thời sự : « Trung Quốc vẫn là một đối tượng chính trị bí ẩn, hệ thống đảng trị được giữ nguyên, nhưng không phải là nhân danh chủ nghĩa xã hội, mà nhân danh một thứ chủ nghĩa tư bản nhà nước đáng sợ. Đây là điều mà Simon Leys đã dự đoán cách nay 25 năm ».

Simon Leys từng phân tích, sự thay đổi nói trên sở dĩ có thể diễn ra được là vì chính quyền Trung Quốc đã bắt buộc dân chúng phải chấp nhận « quên lãng ». Tuần báo Pháp kết luận : « cho dù hiện nay không còn cần đến một Simon Leys mới để nói thay cho người dân Trung Quốc – bởi sự ra đời của internet … -, nhưng những phân tích sáng suốt của ông vẫn còn rất quý báu » khi « đế chế Trung Hoa cũ » đang trở lại với con đường bành trướng.

Đạo Hồi : quan niệm tình dục và thái độ khinh miệt phụ nữ

Đề tài nóng hổi được tuần báo l’Express ra lần này đề cập, đó là « Đạo Hồi và tình dục ».

Bài viết đặt ra một câu hỏi lớn : « Phải chăng các quan niệm về ham muốn và khoái cảm tình dục trong đạo Hồi dẫn đến thái độ miệt thị người phụ nữ ? » Tác giả mượn so sánh hóm hỉnh của một nhà báo người Ai Cập để phác họa vị trí xã hội của đề tài này : « Trong thế giới Ả Rập, tình dục thì trái ngược hẳn với thể thao. Mọi người ai cũng bàn về bóng đá nhưng hầu như chẳng ai chơi môn thể thao đó. Còn tình dục thì ai cũng làm chuyện đó nhưng lại chẳng ai muốn nói về nó cả ». Nhận định mà tác giả bài viết muốn chuyển đến độc giả, đó là có một sự đối lập sâu sắc giữa một bên là tôn giáo, truyền thống phụ hệ, với một bên là các khát vọng tự do về tình dục của mỗi cá nhân.

Về chủ đề này, l’Express đưa ra một nhận xét thứ hai : « Mọi tiến bộ liên quan đến lĩnh vực tình dục làm thay đổi các điều kiện sống của người phụ nữ ». Tuần báo Pháp nhắc lại rằng : « Cuộc cách mạng tình dục ở phương Tây sẽ không bao giờ có thể xảy ra nếu không có việc xã hội được cởi bỏ khỏi những trói buộc tôn giáo ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.